Học tập đạo đức HCM

Truy xuất nguồn gốc điện tử đến nông nghiệp thông minh để bảo vệ thương hiệu nông sản

Thứ hai - 03/09/2018 10:22
Trước tình trạng giả danh thương hiệu nông sản Ðà Lạt liên tục xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Ðồng đã giao cho UBND TP Ðà Lạt khẩn trương ban hành quy chế quản lý Chợ nông sản Ðà Lạt; tập trung quản lý, xử lý các cửa hàng, các vựa, các tiểu thương, đầu mối có tham gia vận chuyển hàng nông sản từ nơi khác đến địa phương, sau đó mạo danh nông sản Ðà Lạt để lừa người tiêu dùng.
Bảo vệ thương hiệu nông sản Lâm Đồng, câu chuyện vẫn làm đau đầu những người làm quản lý và mong mỏi của người nông dân. Giải pháp đã có, tuy nhiên để thực hiện đồng bộ lại là cả chặng đường dài hơi. 
 
Cuộc chiến trên sân nhà
 
Hiện Lâm Đồng có 21 đơn vị đã áp dụng công nghệ tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản, giúp tăng khả năng minh bạch thông tin phục vụ người tiêu dùng, góp phần bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng. Trong đó, có 13 hợp tác xã, 7 doanh nghiệp và 1 cơ sở đã áp dụng công nghệ tem truy xuất nguồn gốc điện tử (mã QR code), chủ yếu trên các sản phẩm rau, chè, trái cây, dược liệu… Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc là các siêu thị trong cả nước.
Thời gian gần đây, nhiều mặt hàng nông sản như rau, củ, quả của Đà Lạt, Lâm Đồng đã bị rớt giá thê thảm khiến nông dân rơi vào cảnh khó khăn. Nguyên nhân được các chuyên gia phân tích là nông sản cùng loại có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về Lâm Đồng ngày càng nhiều với giá rẻ chỉ bằng một nửa nông sản Lâm Đồng, sau đó mạo danh mang thương hiệu Đà Lạt rồi xuất đi tiêu thụ một số thị trường lớn trong nước. Vẫn là cuộc đua trên chính sân nhà, nhưng người nông dân vẫn loay hoay trong “nỗi đau” được mùa mất giá, chặt bỏ nông sản và công tác quản lý vẫn còn chưa quyết liệt, thiếu sự đồng bộ.
 
Tại những vựa chuyên canh tác rau củ quả lớn ở các phường: 7, 8, 11 TP Đà Lạt và các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng và Lạc Dương... nhiều nông dân cho biết các mặt hàng nông sản Đà Lạt bị ép giá khiến họ thua lỗ nặng. Ông Nguyễn Xuân Thiên (ở Phường 2, TP Đà Lạt) là một thương lái tại Chợ nông sản Đà Lạt cho biết: “Nông sản Đà Lạt rớt giá là do có nhiều nông sản cùng loại giá rẻ, nguồn gốc từ Trung Quốc, được các cơ sở kinh doanh lớn bán ra ngày càng nhiều. Giá khoai tây Đà Lạt rất bấp bênh, sú, cải cũng đều bán rất chậm. Ngày nào tôi cũng đóng hàng đưa đi nhưng chỉ trong khoảng 3-4 tấn, vì sức tiêu thụ của thị trường rất chậm nên số lượng tồn đọng lớn”.
 
Vấn đề nhìn thấy ngay trước mắt là những điều này đã phá vỡ sự cân bằng cung - cầu, chưa nói đến các vấn đề gian lận thương mại, đánh tráo thương hiệu nông sản. 
 
Ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Vấn đề này gây khó khăn cho công tác quản lý. Ðơn cử như tình trạng trộn đất cho khoai tây để giả mạo rất khó xử lý, vì hành động này không cấu thành hành vi tội phạm bởi không có luật cấm, trừ khi phát hiện các mặt hàng nhập không rõ nguồn gốc và kiểm tra vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới tịch thu và xử phạt hành chính. 
 
Dù thiếu minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhưng khó khăn nhất là không thể cấm doanh nghiệp nhập nông sản từ Trung Quốc. 
 
Từ truy xuất nguồn gốc đến nông nghiệp thông minh
 
Trước thực trạng này, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết: Trước vấn đề nông sản Đà Lạt bị làm giả, UBND tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo, có nhiều biện pháp quyết liệt và đi kiểm tra thực tế để tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các sở, ngành, địa phương… vẫn chưa thật sự tập trung. UBND đã tiếp tục chỉ đạo các cấp bám vào Luật Sở hữu trí tuệ để ban hành quy chế quản lý chợ đầu mối nông sản Đà Lạt. Đồng thời, UBND cũng cử các cán bộ giám sát và thường xuyên thanh kiểm tra các vựa nông sản. Nếu phát hiện các xe nông sản chứa hàng nông sản Trung Quốc mượn danh Đà Lạt thì sẽ xử phạt theo quy định của pháp luật. 
 
Tuy nhiên, những giải pháp mang tính tạm thời chỉ giải quyết ngắn hạn các sự vụ nêu trên. Những biện pháp dài hơi bảo vệ thương hiệu nông sản Lâm Đồng cũng đã bắt đầu được đặt ra. Theo ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện tỉnh đã phê duyệt kinh phí hơn 1 tỷ đồng cho đề án bảo vệ thương hiệu khoai tây Đà Lạt, trong đó trên 70% số tiền được trích từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân thụ hưởng từ đề án. Dự kiến trong tháng 9/2018, sẽ tiến hành ghi nhãn các bao bì với khoai tây trong vụ hè thu này. 
 
Ở cấp quản lý và bảo vệ thương hiệu, ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng chia sẻ: Ngành Công thương tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường, thường xuyên tuần tra kiểm soát, phối hợp với Sở Công thương TP Hồ Chí Minh (nơi tiêu thụ 70% sản lượng nông sản Lâm Đồng) và mời một số chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh lên làm việc tại TP Đà Lạt để có một số giải pháp nhằm kết nối các HTX cũng như các chợ đầu mối. Giải pháp được đề ra là tiến hành áp dụng mô hình nhận diện những điểm bán hàng nông sản Đà Lạt tại chợ đầu mối các tỉnh, thành nhập hàng Đà Lạt, để tránh việc mua nhầm hàng Trung Quốc giả hàng Đà Lạt. Đồng thời, phải thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và tìm kiếm các kênh quảng bá hữu hiệu, vì không phải chỉ “đối đầu” với cuộc chiến trên sân nhà, nông sản Lâm Đồng còn phải hướng đến xuất khẩu vào thị trường lớn, thị trường khó tính để quảng bá uy tín thương hiệu cũng như giải quyết vấn đề tiêu thụ.
 
Ở góc độ khác, ngay tại thị trường Trung Quốc, từ ngày 1/4/2018, Trung Quốc áp dụng thử nghiệm tiêu chuẩn quản lý chất lượng và nguồn gốc hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp phía Trung Quốc xin nhập khẩu nông sản, hoa quả, trái cây từ Việt Nam và Thái Lan đều phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch động, thực vật. Trong đó, yêu cầu phải có đầy đủ thông tin: tên sản phẩm hoa quả, nguồn gốc xuất xứ, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên, đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra về chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhập khẩu bất cứ lúc nào.
 
Như vậy, hàng rào kỹ thuật tại Việt Nam nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng có thể nói còn khá sơ sài, chưa quyết liệt, dẫn đến việc xử lý khó khăn mà tình trạng giả mạo thương hiệu vẫn tiếp diễn, kéo dài gây bất lợi cho người nông dân. Thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” đã và đang được triển khai xây dựng, và để đạt được kết quả mong muốn, khẳng định uy tín thương hiệu thì truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt.
 
Truy xuất nguồn gốc là vấn đề không mới, tuy nhiên vẫn chưa được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh. Mới chỉ một vài doanh nghiệp có tiêu chuẩn GlobalGAP mới thực hiện được điều này. Nếu tất cả các sản phẩm nông sản của Lâm Đồng đều được trang bị mã vạch, QR code thì tình trạng giả mạo thương hiệu sẽ khó mà tồn tại được. Nếu có thể truy xuất nguồn gốc trên diện rộng thì nỗi lo giả mạo thương hiệu này sẽ được giải quyết dễ dàng. 
 
Truy xuất nguồn gốc điện tử là khái niệm mới mà một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu thực hiện. Truy xuất nguồn gốc điện tử, khác với phương pháp truy xuất nguồn gốc truyền thống được ghi chép bằng tay, lưu trữ bằng giấy tờ sổ sách, truy xuất nguồn gốc điện tử cung cấp dữ liệu một cách nhanh chóng và rõ ràng. Thông tin được yêu cầu trình báo mọi lúc, mọi nơi: trong hệ thống phân phối, tại cửa khẩu. Thông tin có thể thu nhận được qua đầu đọc kiểm tra mã số, mã vạch trên sản phẩm, máy tính bảng và điện thoại di động. 
 
Ông Đoàn Văn Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: Để giải quyết triệt để tình trạng này nhằm bảo vệ thương hiệu nông sản Lâm Đồng không phải là việc có thể thực hiện ngay được. Mà chiến lược lâu dài và phát triển bền vững của nông nghiệp Lâm Đồng đó là nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là nông nghiệp thông minh. Khi đã xây dựng được nền nông nghiệp thông minh, thì tất cả các vấn đề trong đó có vấn đề bảo vệ thương hiệu đến các vấn đề khác như trong chuỗi giá trị nông sản đều sẽ được giải quyết.
 
Ứng dụng giải pháp thông minh trong nông nghiệp phù hợp với chủ trương của tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao toàn diện, hiện đại và bền vững, từng bước tiếp cận nông nghiệp thông minh. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho nông sản không chỉ bước đầu giải quyết được tình trạng làm giả thương hiệu nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng mà còn tăng khả năng nhận biết sản phẩm an toàn, khả năng cạnh tranh, phù hợp xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
DIỄM THƯƠNG/http://baolamdong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập223
  • Hôm nay47,044
  • Tháng hiện tại733,082
  • Tổng lượt truy cập90,796,475
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây