“Tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn ở cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Nghiên cứu, đề xuất việc ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở; có cơ chế đãi ngộ thu hút, trọng dụng và sử dụng những người lao động tâm huyết, có năng lực, trách nhiệm và uy tín trở thành cán bộ công đoàn cơ sở”.
Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Hội nghị tuyên dương 70 Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu trong công tác thỏa ước lao động tập thể và đối thoại lần thứ nhất tổ chức sáng 21/1 tại Hà Nội.
70 Chủ tịch Công đoàn cơ sơ được tuyên dương lần này đều là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho gần 50.000 Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp. Đây là những tấm gương Chủ tịch Công đoàn cơ sở điển hình cho sự nhiệt huyết, trách nhiệm, không quản ngại khó khăn, vất vả, thậm chí chấp nhận hy sinh những lợi ích của cá nhân để đấu tranh, bảo vệ lợi ích của người lao động. Trong đó, hoạt động nổi bật của 70 tấm gương điển hình chính là việc đã làm tốt công tác đối thoại và thỏa ước lao động tập thể tại cơ sở thông qua việc đại diện tập thể người lao động chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong việc xây dựng quy chế đối thoại, quy chế tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức thương lượng tập thể, ký kết, tổ chức thực hiện và giám sát thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng 70 Chủ tịch Công đoàn cơ sở được tuyên dương lần này. Chủ tịch nước nêu rõ, đây là những tấm gương sáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ của các thế hệ cán bộ công đoàn Việt Nam đã và đang đồng hành cùng đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân và toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mang lại nhiều cơ hội to lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức mới.
Chủ tịch nước cho rằng, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ việc làm, thu nhập, cải thiện điều kiện lao động, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn đặt ra rất cấp thiết. Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn cần tập trung đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức và nội dung, phương thức hoạt động, xác định rõ hơn nhiệm vụ từng cấp công đoàn, hướng mạnh hoạt động về cơ sở. Đồng thời các cấp công đoàn phải coi cơ sở là trọng tâm, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, Chủ tịch Công đoàn cơ sở là hạt nhân để xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu quả, thực chất.
Chủ tịch nước yêu cầu Công đoàn các cấp, nhất là cấp trên trực tiếp cơ sở phải tập trung nguồn lực, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là hoạt động thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và đối thoại tại nơi làm việc.
“Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông đại chúng để tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đối thoại và thương lượng tập thể trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động và người sử dụng lao động nhận thức được lợi ích và trách nhiệm tổ chức đối thoại và thương lượng tập thể tại doanh nghiệp. Tổ chức để công đoàn cơ sở những nơi thực hiện tốt đối thoại và thương lượng tập thể phổ biến kinh nghiệm cho những nơi chưa tố chức hoặc tổ chức chưa hiệu quả”, Chủ tịch nước đề nghị.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là Chủ tịch Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cả về nhận thức chính trị, chính sách, pháp luật.
Cùng với đó cần tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách công đoàn ở cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Chủ tịch nước đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất việc ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở; có cơ chế đãi ngộ thu hút, trọng dụng và sử dụng những người lao động tâm huyết, có năng lực, trách nhiệm và uy tín trở thành cán bộ công đoàn cơ sở.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu: “Tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác thỏa ước lao động tập thể và đối thoại theo hướng nâng cao số lượng và chất lượng thỏa ước; phát huy vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong công tác thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước; nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của hoạt động đối thoại, làm cho hoạt động này trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp ở doanh nghiệp, góp phần thực chất vào việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”.
Chủ tịch nước đề nghị người sử dụng lao động cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn để khích lệ, động viên người lao động làm việc hăng say, nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời thực hiện tốt các quy định của pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động vì sự ổn định của quan hệ lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Cùng với đó cần đẩy mạnh việc triển khai các phong trào thi đua yêu nước nhằm tuyên dương, khen thưởng kịp thời đối với đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, người lao động có thành tích trong hoạt động công đoàn. Từ đó đưa hoạt động tuyên dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu trong công tác thỏa ước lao động tập thể và đối thoại thành một hoạt động định kỳ, nền nếp.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc vinh dự được tuyên dương cần phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tạo sức lan tỏa trong các cấp công đoàn, tích cực đóng góp cho tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp trong việc chăm lo cho đời sống, việc làm, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Chủ tịch nước tin tưởng, tổ chức công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại lễ tuyên dương, các đại biểu đã được các Chủ tịch công đoàn cơ sở chia sẻ những biện pháp, kinh nghiệm và những khó khăn trong công tác thỏa thuận lao động tập thể và đối thoại với doanh nghiệp. Theo chia sẻ của các Chủ tịch công đoàn cơ sở, để quá trình thỏa ước lao động tập thể và đối thoại được thành công, cần chuẩn bị kỹ nội dung thương lượng, đánh giá tác động, sự ảnh hưởng của nội dung này đến doanh nghiệp và người lao động. Từ đó nêu bật các lợi ích mà doanh nghiệp sẽ nhận được khi thực hiện các nội dung do Công đoàn kiến nghị. Tiếp đó cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan, tạo không khí vui vẻ hoà đồng, thân mật và tự tin trong quá trình thương lượng.
Dịp này, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen cho 70 cá nhân tiêu biểu để ghi nhận và biểu dương các chủ tịch Công đoàn cơ sở có thành tích xuất sắc tiêu biểu.
Đây là lần đầu tiên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ tuyên dương nhằm ghi nhận, biểu dương các Chủ tịch Công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện tốt việc thương lượng thành công, ký kết được thỏa ước lao động có nhiều điều khoản có lợi hơn quy định của luật cho người lao động; đồng thời tổ chức tốt hoạt động đối thoại, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Từ đó nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong toàn hệ thống../.