Chúng tôi về thăm Phú Lễ, thôn được xã Quảng Phú chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, cũng là thôn điển hình trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của xã và huyện Quảng Điền. Đi dọc các tuyến đường thôn, điều dễ dàng nhận thấy là những con đường liên thôn, liên xóm đều được bê tông hóa.
Đường xóm được bê tông hóa là niềm vui của người dân |
Ông Trần Thiên Dĩnh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Lễ, cho biết: Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Ban vận động đã vận động nhân dân giải phóng mặt bằng làm hai tuyến đường: cây ngô đồng - Tỉnh lộ 11A dài 1.200m, rộng 7,5m và Tỉnh lộ 11A - cầu Hiền Lương dài 800m, rộng 4m. Các hộ nằm trong hành lang tuyến đường tự nguyện hiến đất, tháo dỡ các công trình kiến trúc, di dời mồ mả. Cụ thể, người dân đã hiến 1.962m² (hộ hiến nhiều nhất là 250m²), tháo dỡ 1 nhà ở, 128m tường thành, 14 trụ cổng, 1 cổng chào của xóm, di dời 42 lăng mộ... Thôn còn vận động người dân đóng góp tiền của ngày công xây dựng đình làng với mức đóng góp 500 ngàn đồng/hộ. Đồng thời, lập trang web vận động bà con trong và ngoài nước đóng góp thêm công sức, tiền của, xây dựng đình làng với giá trị trên 1,6 tỷ đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn với giá trị 230 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng. Các đoàn thể trong thôn còn quan tâm công tác vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang bờ rào hàng dậu tạo nên môi trường thôn xóm sạch, đẹp.
Khi nhắc đến cách thức vận động người dân, ông Dĩnh cho biết: “Học theo lời Bác, chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Trong đó, chú trọng nhất là gần dân, hiểu dân từ đây tạo niềm tin trong dân. Lúc đầu, bà con còn không tin. Nhưng thông qua các buổi họp dân, chúng tôi đã phân tích những lợi ích của phong trào xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy nhận thức của người dân ngày một nâng cao. Đối với những hộ thuộc diện hiến đất, chúng tôi đến từng hộ vận động, nhờ vậy người dân vui vẻ khi hiến đất làm đường nông thôn. Các hộ không thuộc diện giải phóng mặt bằng cũng tự nguyện đóng góp 100 ngàn đồng/hộ, với tổng số tiền gần 48,8 triệu đồng hỗ trợ cho các hộ hiến đất”.
Về thăm một số xã của huyện Quảng Điền, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm được bê tông hóa, nhiều công trình đã và đang được xây dựng mới thay cho những con đường lầy lội, chật hẹp trước đây.
Ông Lê Cảnh Dựng, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Phú, cho biết: “Nhận được tin Quảng Phú được tỉnh chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, người dân cũng như cán bộ trong xã vừa mừng, vừa lo. Mừng vì xã sẽ được cấp trên quan tâm đầu tư, lo là những tiêu chí đề ra trong chương trình cao so mặt bằng chung về kinh tế - xã hội của địa phương. Vấn đề khó khăn nhất là đất. Vì có đất mới có thể mở mang đường giao thông, kênh mương nội đồng. Trong khi quỹ đất của xã rất hạn hẹp, còn đất của người dân đang quản lý và sử dụng thì khó có thể “đụng đến”. Muốn có đất hoàn thành những mục tiêu trên thì chỉ còn cách duy nhất là đền bù cho người dân, nhưng số tiền để chi trả cho vấn đề này quá lớn, ngoài khả năng của địa phương.
Trong 2 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, người dân Quảng Điền tích cực hiến đất, cây cối, vật kiến trúc và đóng góp kinh phí tham gia xây dựng các công trình; hiến 49.863m² đất, 45.114 cây các loại, 1.021m tường rào và các công trình phụ khác, đóng góp 12.305 ngày công. |
Tuy nhiên, sau một thời gian vận động, người dân dần hiểu được lợi ích của phong trào. Từ đó, họ tình nguyện ủng hộ hàng trăm mét vuông đất mà không đòi hỏi bất cứ một sự đền bù nào. Theo lời Bác dạy, các đảng viên, các bậc cao niên, cán bộ lão thành trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu trong phong trào. Nhó vậy, phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn xã, “nhà nhà hiến đất, người người hiến đất. “Tính đến thời điểm hiện tại, người dân trong xã đã hiến được gần 2.462m² đất, người dân và các nguồn huy động khác đóng góp trên 10,2 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Con số này sẽ tăng từng ngày. Chính tôi cũng còn khó tin đây là sự thật”. Ông Dựng, tâm sự.
Theo chỉ đạo của Huyện ủy Quảng Điền, từ ngày đầu phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, các cá nhân, tập thể, mạnh thường quân, nhân dân địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng và chung tay cùng chính quyền xây dựng giao thông nông thôn. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, tự tay táo dỡ các công trình, cây cối, hoa màu mà không đòi hỏi bất kỳ một sự đền bù nào. Bởi với họ, được đi trên những con đường bê tông có phần công sức của mình là niềm vui không gì sánh bằng.
Ông Phan Cảnh Dư, Phó Bí thư Huyện ủy Quảng Điền, cho biết: “Cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác Hồ có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Phát huy truyền thống này, huyện Quảng Điền kêu gọi nhân dân và toàn Đảng bộ cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của các tổ chức, đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… tham gia vận động hội viên hiến đất làm đường, xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp do chi hội phụ trách. Các bậc cao niên, Hội Cựu chiến binh vận động con cháu cùng chung tay với chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là nền tảng gắn kết cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác với xây dựng nông thôn mới.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã