Học tập đạo đức HCM

Vay lại vốn ODA từ Chính phủ: Địa phương đồng tình

Thứ năm - 05/06/2014 05:29
Thời gian tới, các địa phương có khả năng cân đối ngân sách sẽ không còn được cấp phát vốn ODA và vốn vay ưu đãi “miễn phí” mà phải thực hiện vay lại từ Chính phủ. quy định này nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA và nguồn vốn hỗ trợ khác.

Tăng cường cho địa phương vay lại

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 2 thập kỉ qua, vốn ODA và vốn vay ưu đãi cam kết cho Việt Nam lên tới 78 tỉ USD. Năm 2013, 1/5 tổng vốn ODA được dành cho chính quyền địa phương (842 triệu USD), chủ yếu dưới hình thức cấp phát từ ngân sách Trung ương và chỉ 10% dành cho chính quyền địa phương vay lại theo dự án (88 triệu USD).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết: Nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là một trong các nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong nhiều năm qua. Trong số đó, khoảng gần 30% vốn ODA và vốn vay ưu đãi được dành để thực hiện các chương trình, dự án của địa phương dưới nhiều hình thức. Định hướng chiến lược vay nợ công của Việt Nam giai đoạn đến 2020 đưa ra nguyên tắc việc vay nước ngoài của Chính phủ trong tương lai sẽ giảm dần, tăng vay trong nước. Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ của ngân sách Trung ương theo hình thức cấp phát vốn vay nước ngoài cho ngân sách địa phương không thể tiếp tục duy trì ở mức trước đây. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của địa phương ngày càng lớn, nhiều địa phương còn chưa sử dụng hoặc sử dụng rất ít hạn mức vay nợ của mình, do đó vẫn còn dư địa cho các địa phương huy động vốn đầu tư theo hình thức vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng: Mức nợ của Việt Nam đang có xu hướng thay đổi, cơ cấu nợ của Việt Nam khiến cho Việt Nam phải quan tâm đến quản lí nợ bền vững. WB đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực quản lí nguồn lực ODA. Hoạt động cho vay lại sẽ nâng cao hiệu quả quản lí bền vững nợ của Chính phủ và đó là cơ hội cân đối của Chính phủ trong việc tiếp cận nguồn lực của các tổ chức tài trợ. Việt Nam cần phải quản lí vốn ODA theo hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư. Cơ chế quản lí ODA cần phải có cái nhìn tổng thể và cho vay lại ODA là một phần không thể thiếu của quản lí nợ của địa phương.

Đồng quan điểm này, đại diện Cục Quản lí nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng: Việc cho vay lại đối với các địa phương có khả năng ngân sách để tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được thu chi trong một số lĩnh vực là phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lí nợ công và xu thế phát triển chung. Về lâu dài, nguồn vốn ODA, vay ưu đãi sẽ giảm dần, không thể là nguồn thay thế cho đầu tư công của các địa phương, chỉ là nguồn hỗ trợ tăng thêm, được phân bổ trên cơ sở tính sẵn sàng chi trả của địa phương và đảm bảo hiệu quả cao của mỗi khoản vay. Nợ công đang tiến sát ngưỡng an toàn, cần có sự chia sẻ trách nhiệm trả nợ giữa các cấp ngân sách.

Bàn về các vấn đề liên quan đến tỷ trọng hỗ trợ khi cho vay lại, đại diện Cục Quản lí nợ và tài chính đối ngoại cho biết: Đối với các dự án thuộc lĩnh vực vay lại, kiến nghị hỗ trợ một phần vốn cấp phát theo nhóm địa phương. Cụ thể: các địa phương được ngân sách Trung ương bổ sung cân đối trên 70% được hỗ trợ cấp phát 100% vốn ODA và hỗ trợ cấp phát một phần vốn ưu đãi…; các địa phương được ngân sách Trung ương bổ sung trong cân đối từ 50%-70% được hỗ trợ cấp phát 70% vốn ODA, vay lại toàn bộ vốn ưu đãi…; các địa phương được ngân sách Trung ương bổ sung trong cân đối dưới 50% được hỗ trợ cấp phát 50% vốn ODA, vay lại toàn bộ vốn ưu đãi…; các địa phương khác được hỗ trợ cấp phát 20% vốn ODA và vay lại toàn bộ vốn ưu đãi…

Đại diện Cục Quản lí nợ và tài chính đối ngoại chia sẻ: “Việc cho vay lại vốn ODA và vốn hỗ trợ sẽ góp phần đảm bảo công bằng hơn trong chính sách phân bổ vốn nước ngoài cho địa phương, dựa nhiều hơn vào cơ chế tự nguyện chi trả và khả năng chi trả đối với các hoạt động hỗ trợ tăng khả năng thu trực tiếp của địa phương. Điều này cũng nhằm chia sẻ nghĩa vụ trả nợ với ngân sách trung ương, tăng tính chủ động cho ngân sách địa phương trong huy động vốn và triển khai dự án”.

Địa phương ủng hộ

Việc cho vay lại vốn ODA và vốn hỗ trợ nhận được sự ủng hộ của nhiều chính quyền địa phương. Tuy nhiên đại diện của một số địa phương cũng có nhiều kiến nghị để hoạt động cho vay lại được tiến hành “trơn tru”. Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: Cấp tỉnh trực tiếp nhận vay vốn chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Trong khi đó nhu cầu về vốn đầu tư phát triển của địa phương là rất lớn, đặc biệt cho đầu tư các công trình lớn, mang tính đột phá, tạo cú huých cho phát triển. Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để thúc đẩy địa phương vay trực tiếp vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Tôi hoàn toàn nhất trí với định hướng trong giai đoạn trước mắt nên uyển chuyển giữa các nguồn cấp phát và nguồn cho vay lại. Từ đó, từng bước tạo thói quen và sức hút đối với nhu cầu vay lại vốn vay của cấp tỉnh thông qua hạn mức nợ của từng địa phương. Song lãi suất nên giữ như mức lãi suất quy định của nhà tài trợ khi cấp tỉnh vay lại. Giai đoạn đầu, Chính phủ cần có một số chính sách về hỗ trợ trả lãi vay, chính quyền cấp tỉnh trả nợ gốc. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính bảo lãnh khi UBND cấp tỉnh vay lại vốn vay ODA và vốn ưu đãi.

Ngoài ra, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị: Về đánh giá năng lực vay nợ cấp tỉnh, cần tập trung phân tích tình trạng ổn định tài chính dài hạn từ các yếu tố bên ngoài, cân đối ngân sách đầu tư và ngân sách chi thường xuyên. Tuy nhiên cần nhấn mạnh đến việc đánh giá tiềm năng của các địa phương trong tương lai sau khi chương trình dự án hoàn thành, đi vào khai thác. Tránh tình trạng nhìn vào hiện tại và giai đoạn trước rất dễ dẫn đến việc loại bỏ các ứng viên có tiềm năng về mức độ tín nhiệm hay có khả năng trả nợ cao.

“Nhận thức được vai trò quan trọng của vốn ODA và vốn vay ưu đãi, cung như trách nhiệm của tỉnh trong quá trình vay và trả nợ, Chính phủ tỉnh Vĩnh phúc đề nghị là tỉnh thí điểm áp dụng mô hình cấp tỉnh vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Điều quan trọng hiện nay đối với chúng ta là tiến lên phía trước bằng quyết tâm và sự phối kết hợp hiệu quả giữa các bên. Chúng ta cần phải làm song song quá trình lập quy và triển khai trên thực tế.” – đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề  nghị.

Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương cho vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị: Vốn ODA do Chính phủ trực tiếp vay và trả nợ. Hiện nay Bộ Tài chính là cơ quan được Chính phủ ủy quyền thực hiện chức năng nói trên. Chúng tôi hiểu rằng lãi suất cho vay lại là một công cụ điều phối quản lí và sử dụng vốn ODA cho vay lại với lãi suất cao hơn, thời gian ngắn hơn nhằm đem lại một nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời Nhà nước cũng thực hiện được nhiệm vụ tham gia điều phối trực tiếp nguồn vốn ODA. Việc tính đúng lãi suất cho vay lại vừa bảo đảm sự công bằng về lợi ích kinh tế, sự bình đẳng trong cạnh tranh, khuyến khích tính tích cực, năng động của các ngành, các cấp, cơ sở trong khai thác vốn ODA. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, trên cơ sở tổng hòa các mối quan hệ về ngân sách giữa TP. Hồ Chí Minh và Chính phủ, thành phố đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc về tỉ lệ vốn Trung ương cấp phát và cho vay lại đối với các dự án ODA trên địa bàn thành phố. Đồng thời xem xét gia hạn thời gian cho vay cũng như mức lãi suất phù hợp.

 

Bộ Tài chính chuẩn bị xây dựng khung pháp lí quy định cụ thể tiêu chí xác định đối tượng UBND cấp tỉnh cần vay lại từ ngân sách Trung ương, quy trình thẩm định năng lực trả nợ của địa phương và các yêu cầu quản lí Nhà nước về nợ của chính quyền địa phương. Để có cơ sở đề xuất các chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đã làm việc với WB và đề nghị phối hợp thực hiện một nghiên cứu thực tiễn về tình hình vay lại và nợ của chính quyền địa phương ở Việt Nam và nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính dự kiến soạn thảo một quy định mới về quản lí các hoạt động mở rộng cho vay lại nguồn vốn ODA.

Hình thức văn bản là sửa Nghị định số 79/2010/NĐ-CP ngày 14-7-2010 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lí nợ công hay Nghị định 78/2010/NĐ-CP cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ dự thảo Quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ về cho vay lại chính quyền địa phương.

Lộ trình xây dựng là quý III-2014 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật xin ý kiến các cơ quan liên quan. Quý IV-2014 tổng hợp ý kiến gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Quý I-2015 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

(Theo Cục Quản lí nợ và tài chính đối ngoại)


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập464
  • Hôm nay61,121
  • Tháng hiện tại766,234
  • Tổng lượt truy cập90,829,627
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây