Khó thực hiện và phức tạp
Theo ông Nguyễn Văn Lộc- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc, qua quá trình triển khai cho thấy, Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí phức tạp và khó thực hiện nhất.
Lý do là bởi các nội dung thực hiện của Tiêu chí môi trường phức tạp và có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Trong khi đó từ trước đến nay, cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đầu tư, nên thực trạng mức độ đáp ứng của Tiêu chí này là rất thấp so với yêu cầu cần phải đạt theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thêm nữa, nhận thức của chính quyền và người dân địa phương còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai thực hiện, chưa thực sự quan tâm đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, vẫn còn nặng tư tưởng trông chờ ỷ nại vào sự đầu tư của Nhà nước. Kinh phí sự nghiệp môi trường của cấp huyện, cấp xã đều được tỉnh quan tâm phân bổ hàng năm, nhưng việc phân khai sử dụng của các địa phương còn chậm, có những địa phương còn sử dụng không đúng mục đích.
Nhu cầu vốn để thực hiện hoàn thành các nội dung của Tiêu chí môi trường là rất lớn (khoảng trên 935 tỷ đồng). Việc cân đối bố trí vốn và huy động các nguồn lực đóng góp của nhân dân gặp nhiều khó khăn vì nguồn vốn của Nhà nước hạn chế, còn thu nhập của người dân thấp và cũng có nhiều nội dung cần phải đóng góp khác theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Việc quy hoạch bố trí địa điểm, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình hạ tầng về môi trường cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì đa số người dân không đồng tỉnh ủng hộ, đặc biệt là đối với bãi chôn lấp rác thải và nghĩa trang nhân dân. Một số nội dung của Tiêu chí môi trường quy định tương đối cao, không phù hợp với thực tiễn và khó thực hiện như: không có các hoạt động gây suy giảm môi trường; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo đúng quy định; quy định của Bộ Y tế về khoảng cách tối thiểu giữa nhà tiêu hợp vệ sinh với giếng nước sinh hoạt phải đảm bảo tối thiểu là 10 m...
Việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong xử lý chất thải nông thôn còn có nhiều hạn chế. Hiện nay vẫn chưa có mô hình chuẩn, vừa có đáp ứng phù hợp với điều kiện kinh tế khu vực nông thôn, vừa có thể giải quyết triệt để vấn đề xử lý rác thải, nước thải, chất thải chăn nuôi... Các mô hình đang áp dụng triển khai cũng chỉ giải quyết được một phần nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đồng bộ các giải pháp
Để nâng cao chất lượng thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Lộc cho rằng, thời gian tới, Vĩnh Phúc cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tổ chức thực hiện tiêu chí bằng nhiều hình thức như lồng ghép vào các chương trình truyền thông tập huấn; phối hợp với các tổ chức đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền.
Việc quán triệt, chỉ đạo thực hiện cần phải rộng khắp để các tổ chức, cá nhân và tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ và chính quyền cơ sở, nhất là mỗi đảng viên trong quá trình xây dựng nông thôn mới; các xã được chọn làm điểm phải hết sức coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, tạo phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và từng bước xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Ông Lộc đề xuất, ngoài việc tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, cần tiếp tục nghiên cứu và xây dựng cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn như xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, làng nghề (xây dựng đơn giá xử lý rác thải nông thôn, quy định quản lý, vận hành các công trình xử lý môi trường, điều chỉnh mức phí thu gom, xử lý rác thải...); tranh thủ tối đa các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tài trợ phi chính phủ... để giải quyết khó khăn trong xử lý chất thải rắn, chất thải chăn nuôi... tại các địa phương.
Theo ông Lộc, cần khuyến khích việc nghiên cứu áp dụng thí điểm và nhân rộng những mô hình bảo vệ môi trường, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý nước sạch, rác thải, chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt (xử lý nước thải sau Biogas, đệm lót sinh học, lò đốt rác thải tập trung...)... phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nông thôn hiện nay.
Theo monre.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã