Nỗ lực nâng cao đời sống người nông dân Để triển khai xây dựng nông thôn mới, Quốc hội (QH) đã ban hành và sửa đổi 12 Luật liên quan lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sau 5 năm thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 quyết định, ba chỉ thị và văn bản chỉ đạo; các bộ, ngành đã ban hành 35 quyết định, 34 thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Qua đó cho thấy, Đảng, Nhà nước rất quan tâm triển khai xây dựng nông thôn mới với mong muốn, quyết tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn vốn đã và đang phải chịu những thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống. Chủ trương xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của phần lớn người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực đưa phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sôi động khắp cả nước. Hệ thống hạ tầng nông thôn đổi thay mạnh mẽ, cải thiện bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Đến tháng 9-2016, cả nước đã có 2.061 xã (23,1%) đã có quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn 299 xã (chiếm 3,4%) dưới năm tiêu chí. Bình quân tiêu chí/xã: 13,1 tiêu chí, tăng 8,4 tiêu chí so năm 2010. Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thành tựu nổi bật nhất là phát triển cơ sở hạ tầng. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều tiêu chí đã có mức tăng cao (tiêu chí giao thông năm 2010 có 3,23% số xã đạt đến nay là 38,9%; cơ sở vật chất văn hóa từ 2,3% lên 34,9%...). Nhiều địa phương dành từ 70 đến 75% kinh phí xây dựng nông thôn mới cho phát triển hạ tầng và hầu hết đóng góp của người dân cũng dành cho lĩnh vực này. Mục tiêu được đề ra là: Đến năm 2020, khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phấn đấu có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2015. Nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua Trong thực tế, từ nhiều kỳ họp QH trước đây, các đại biểu QH đã chỉ ra những khó khăn, trở ngại trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, những vấn đề được đặt ra, được nêu lên trên nghị trường QH vẫn chưa được xử lý triệt để cho nên kéo dài từ năm này qua năm khác và có dấu hiệu khó khăn hơn trong giải quyết. Đáng chú ý, trong 19 tiêu chí, chất lượng đạt chuẩn tiêu chí môi trường chưa thật sự bền vững và đang là vấn đề bức xúc của xã hội, kể cả đối với những địa phương (huyện, xã) đã được công nhận đạt chuẩn. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được ban hành tháng 4-2009 và Quyết định phê duyệt Chương trình của Thủ tướng Chính phủ được ban hành tháng 6-2010 nhưng các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành để triển khai thực hiện còn chậm và chưa phù hợp, một số văn bản hướng dẫn đến nay vẫn chưa được ban hành. Ngày 20-2-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chưa phù hợp, nội dung chưa sát với điều kiện, đặc điểm của từng vùng, miền cho nên không tạo được sự linh động, vận dụng theo điều kiện đặc thù của từng địa phương, khó khăn trong thực hiện. Một hạn chế đã được nhiều đại biểu QH nêu ra từ các kỳ họp trước và tiếp tục đặt ra tại kỳ họp này là việc áp dụng chung quy định, tiêu chí cho tất cả các vùng, miền gây lãng phí nguồn lực đầu tư, việc đánh giá mức độ đạt chuẩn nông thôn mới chưa tương đồng giữa các khu vực. Nhiều đại biểu QH lo lắng: Không ít xã chạy theo thành tích, huy động quá sức dân, huy động cả hộ nghèo, cả người cao tuổi và cả những hộ chính sách. Hiện có 53 trong số 63 tỉnh, thành phố vẫn còn nợ tiêu chí xây dựng nông thôn mới… Cá biệt, có những xã, phường, thôn, bản trong khi xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện những cán bộ có biểu hiện suy thoái, thực hiện hành vi tham ô, tham nhũng, gây mất niềm tin của nhân dân. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV, một số đại biểu QH cho biết: Nhiều cử tri bức xúc bởi một số công trình gây lãng phí như trong xây dựng chợ, nhiều xã tìm mọi cách xây dựng nhưng không có người vào buôn bán, chợ mới ra đời mà không làm đúng chức năng, hiệu quả sử dụng thấp.Tiếp đến là việc xây dựng các nhà văn hóa, bưu điện. Mỗi nhà văn hóa xã được xây dựng cùng trang, thiết bị cơ sở vật chất phục vụ phải tốn cả tỷ đồng, chưa kể tiền đất trong khi hiệu quả sử dụng cũng rất thấp. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, các địa phương chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, trụ sở xã, trạm y tế, nhà văn hóa... chưa quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Các đại biểu QH đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra nhiều hạn chế trong việc thiết kế chính sách phục vụ xây dựng nông thôn mới của các cơ quan T.Ư. Một số chính sách chậm được ban hành như chính sách đặc thù đối với tỉnh nghèo, vùng khó khăn, vùng đặc thù; chính sách liên kết sản xuất - chế biến tiêu thụ nông sản trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; chính sách về cán bộ, cơ chế hỗ trợ kinh phí triển khai… Nhiều chính sách chưa phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung cho nên phát huy hiệu quả chưa cao, như: chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách phát triển kinh tế tập thể mà trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp; chính sách hỗ trợ đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Chưa có chính sách ưu tiên phù hợp đối với xã có điểm xuất phát thấp, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể để cộng đồng dân cư tham gia xây dựng, giám sát các dự án đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dự án, tiết kiệm chi phí, thời gian. Quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới Đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu QH đồng tình cao với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó có quy định không nên đưa tiêu chuẩn xây dựng chợ mới, nghĩa trang mới vào nội dung tiêu chí bắt buộc. Vì đối với một số địa phương sẽ không đáp ứng được hoặc gây lãng phí, không hiệu quả làm tăng áp lực, từ đó dễ xảy ra tình trạng huy động vốn quá sức dân, tăng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, một số tiêu chí giao thông, thủy lợi, trường học cũng được quy định phù hợp hơn điều kiện thực tế của từng vùng, miền để mục tiêu xây dựng đi vào đời sống nông dân, nông thôn. Trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, các đại biểu QH lưu ý, từng bộ, ngành chủ động rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các tiêu chí; nghiên cứu, xây dựng tiêu chí nông thôn mới ở mức cao hơn cho các xã, huyện ở các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới. Một nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, đề cập là cần nâng cao hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới; nội dung xây dựng nông thôn mới phải được đưa vào chương trình công tác hằng năm của các bộ, ngành T.Ư, trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan liên quan… Nông thôn mới cần đồng nghĩa với cuộc sống mới trên cơ sở cập nhật thông tin, tiếp cận và nắm bắt những cơ hội từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ… Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới từ T.Ư đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng. Bên cạnh đó, để người nông dân thật sự được hưởng lợi từ xây dựng nông thôn mới, nhiều đại biểu nhấn mạnh, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố phải thật sự hành động vì dân với tinh thần mà Chính phủ đã xác định: Liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân…
| |||
Đan Anh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã