Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở
Là địa phương thuần nông, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế nên khi triển khai chương trình XDNTM, không ít người dân Minh Nghĩa bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về sự thành công của chương trình. Nắm bắt được điều đó, lãnh đạo thôn đã cùng Chi ủy xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch tổ chức thực hiện và xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là khâu đột phá trong XDNTM, góp phần làm chuyển biến nhận thức của bà con.
Bởi vậy, sau 2 năm thực hiện, các nội dung về chương trình XDNTM đã được chuyển tải đến từng người dân, từng hộ gia đình, góp phần giúp bà con hiểu được chủ thể của chương trình chính là người dân, và cũng chính họ được hưởng thụ thành quả. Từ đó, Minh Nghĩa đã khắc phục triệt để tư tưởng trông chờ ỷ lại, dựa dẫm vào hỗ trợ của cấp trên.
Kết quả rõ nhất là, Minh Nghĩa đã làm được hơn 1km đường ngõ xóm có chất lượng tốt, trong đó các gia đình đều tham gia đóng góp tiền mua thêm vật liệu và 10 - 15 ngày công/hộ để làm đường. Đặc biệt là, trong thôn đã có hàng chục hộ hiến đất hoặc tự nguyện trả lại phần đất lấn chiếm, đảm bảo cho đường thông hè thoáng, đi lại thuận tiện.
Ngoài ra, Minh Nghĩa còn huy động được sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, của người dân trong việc triển khai xây dựng các công trình phúc lợi, gồm 9 hạng mục lớn như xây dựng cổng thôn, khu chợ tạm, bến ao... với tổng số tiền huy động được hơn 800 triệu đồng.
Ông Khuất Duy Tâm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng tiểu ban XDNTM thôn Minh Nghĩa cho biết: “Chúng tôi xác định việc kết hợp với dân, vận động dân tham gia đóng góp XDNTM là rất khó, trước đây, hàng năm thôn chỉ họp dân 2 – 3 lần trong dịp tiếp xúc cử tri và hội nghị đại đoàn kết toàn dân, song quân số tham gia của thôn chỉ đạt 40-50% và đại đa số là những người cao tuổi, còn lực lượng chính thì thường không đi dự họp. Bởi vậy, không riêng gì Minh Nghĩa mà các thôn khác đều gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của XDNTM. Để người dân hiểu được vấn đề, đòi hỏi cấp ủy, mà trực tiếp là Bí thư Chi bộ phải làm tốt công tác truyền thông qua hệ thống loa, đài truyền thanh, thông qua hội nghị của Chi bộ, của các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... để giúp mọi người hiểu và nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ của mình, nắm rõ cấp trên hỗ trợ cái gì, người dân phải tự làm gì...
“Chúng tôi đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quyết định chất lượng các công trình nên cuối cùng, đa phần bà con đều ủng hộ thôn triển khai xây dựng đường làng ngõ xóm, các công trình phúc lợi, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi phương thức sản xuất…”, ông Tâm cho biết thêm.
Khi lòng dân đã thuận
Ngay khi nhận được sự hưởng ứng của người dân, thôn Minh Nghĩa đã bắt tay vào công tác dồn điền đổi thửa và chuyển đổi phương thức sản xuất. Theo đó, thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp dân với sự có mặt của Ban chỉ đạo XDNTM xã, khi dân thắc mắc, bí thư, trưởng thôn đứng ra trả lời; khi có vấn đề băn khoăn lớn hơn, bí thư, trưởng thôn và dân hỏi thì Ban chỉ đạo XDNTM của xã trả lời. Bằng phương thức đó, Minh Nghĩa kiên trì tổ chức những cuộc họp cho đến khi người dân hiểu rõ lợi ích của việc dồn điền đổi thửa thì mới phát phiếu lấy ý kiến nhân dân.
Theo ông Tâm: “Với cách làm này, bước đầu Minh Nghĩa thu được 60% số hộ đồng thuận, số còn lại chúng tôi tiếp tục mời họp, giải thích và cũng như các cuộc họp trước, dân vướng mắc ở đâu, bí thư, trưởng thôn, Ban chỉ đạo XDNTM xã đều trả lời đầy đủ, rõ ràng. Cuối đợt 2, có thêm 20% số hộ đồng thuận, số còn lại chúng tôi đã thành lập đoàn vận động gồm Tiểu ban XDNTM của thôn do Bí thư Chi bộ, Trưởng tiểu ban dẫn đầu đi vận động từng gia đình. Kết quả là sau vòng 1, chúng tôi vận động được 10%, còn lại 10%, chúng tôi tiếp tục vận động và phối hợp với các đồng chí là cán bộ, con em của gia đình cùng với thôn kiên trì giải thích, thuyết phục”.
Với những cố gắng trên, Minh Nghĩa đã thu được 100% số phiếu ủng hộ của dân với chương trình dồn điền đổi thửa để bước sang giai đoạn tiếp theo là tiến hành đo đạc lại diện tích dôi dư để đưa vào đắp đường, làm mương tưới tiêu, đảm bảo ruộng nào cũng có đường, có mương, thuận lợi cho việc canh tác và thu hoạch. Trước đây, 1 hộ có tới 5 -7 thửa ruộng thì nay chỉ còn 1-2 thửa.
“Song song với công tác dồn điền đổi thửa, chúng tôi vận động nhân dân chuyển đổi phương thức canh tác, từ cấy 2 vụ lúa - 1 vụ đông sang trồng hoa ly ở những khu ruộng cao thấp, không dồn điền đổi thửa được. Kết quả là năm 2011, chúng tôi chuyển đổi được 2ha trồng hoa ly và 10ha trồng ngô nếp, năm 2012 mở rộng thêm 1ha hoa ly. Đến nay, diện tích trồng hoa ly đều cho hiệu quả kinh tế cao, doanh thu đạt trên 2 tỉ đồng/ha”, ông Tâm cho hay.
Đến nay, xã Đại Đồng đã đạt 17/19 tiêu chí NTM, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và hộ nghèo. Cùng với phát triển kinh tế, đến nay 100% đường làng của xã đã được bê-tông hóa, có hệ thống điện dân sinh và chiếu sáng công cộng hoàn chỉnh, các trường tiểu học, THCS, trạm y tế, trụ sở UBND xã đều được xây dựng cao tầng kiên cố... Xã có 6 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia; 11/11 nhà văn hóa thôn, 8/11 thôn có sân chơi cầu lông; xã có 3 sân thể thao với diện tích 16.800m2… |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã