Ông Phạm Văn Kính, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cẩm Phả.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Phạm Văn Kính, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.Cẩm Phả, cho biết: Trong quá trình XDNTM, thuận lợi của thành phố là chỉ triển khai trên địa bàn 3 xã. Tuy nhiên, cả 3 xã này đều nằm cách xa trung tâm thành phố, diện tích rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, lại thêm tập quán canh tác của người dân còn lạc hậu, sản xuất nông nghiệp chưa mang tính hàng hóa, chưa phát triển thành vùng chuyên canh, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa rõ nét, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư chủ yếu bằng ngân sách Nhà nước… Trong bối cảnh như vậy, địa phương phải tự cân đối nguồn lực để đảm bảo đúng tiến độ.
Để đưa 3 xã về đích theo đúng lộ trình đề ra, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đột phá: Chủ động cân đối ngân sách và huy động, lồng ghép các nguồn lực tập trung ở khu vực nông thôn, quy hoạch, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, sáng tạo.
Sau 6 năm triển khai thực hiện, tổng đầu tư cho XDNTM trên địa bàn TP.Cẩm Phả lên đến 1.502 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 422,254 tỷ đồng, xã hội 1.080 tỷ đồng... Từ nguồn lực đầu tư này, diện mạo chung trên toàn địa bàn nông thôn khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân được cải thiện, văn hóa - xã hội và môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ, dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị được tăng cường, an ninh xã hội được giữ vững.
Đến nay, trên địa bàn dân cư các xã có tới 95% số hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; 100% số hộ được sử dụng điện lưới sinh hoạt thường xuyên và an toàn từ các nguồn; 97,93% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ người dân được tham gia BHYT đạt 85 - 86,5%; 100% trục đường liên xã, liên thôn, xóm, khu dân cư được bê-tông, cứng hóa; 88,89% trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I (còn lại Trường Tiểu học Tha Cát, xã Dương Huy đang trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn cơ sở vật chất); 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Trao đổi thêm với phóng viên về lĩnh vực y tế, ông Lưu Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Cẩm Phả, cho biết: “Về phía ngành y tế, chúng tôi nhận được sự quan tâm của Sở Y tế, Thành ủy, HĐND và UBND thành phố cùng với sự nỗ lực của cán bộ, viên chức từ Trung tâm Y tế đến các trạm y tế, cho đến y tế thôn bản. Năm 2014, trên địa bàn thành phố có 16 xã, phường đã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế đến năm 2020, về đích trước kế hoạch của tỉnh đề ra 2 năm, góp phần hoàn thành sớm tiêu chí 15 (tiêu chí y tế) trong XDNTM”.
Song song với công tác đầu tư quy hoạch hạ tầng, TP.Cẩm Phả đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung với quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất đi đôi với đào tạo nghề…
Trong 6 năm qua, ngân sách thành phố đã dành trên 8 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất, năm sau nguồn hỗ trợ nhiều hơn năm trước, một số thương hiệu sản phẩm đã trở thành hàng hóa quý như: Trà nhúng Giảo Cổ Lam, Diệp Hạ Châu, thịt lợn sạch, trứng gà tươi, trâu Dương Huy, ngan đen Cộng Hòa… Nhờ hướng đi đúng trong tổ chức sản xuất nên tính đến thời điểm cuối năm 2016, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn của TP.Cẩm Phả đạt 33,2 triệu đồng, gấp 1,35 lần so với thu nhập bình quân năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, tính theo chuẩn mới, xã Cẩm Hải chỉ còn 1,27%; xã Cộng Hòa 1,76%; xã Dương Huy chỉ còn lại 0,22%.
“Dù đã hoàn thành mục tiêu XDNTM nhưng Cẩm Phả sẽ không dừng lại ở đó, thành phố đã có chủ trương, kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí trong thời gian tới và xây dựng TP. Cẩm Phả ngày càng phát triển. Đó cũng là nguyện vọng và nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của Đảng bộ và nhân dân thành phố, với mục tiêu: Đến năm 2020, Cẩm Phả cơ bản trở thành thành phố phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường. XDNTM Cẩm Phả theo hướng chuyển dịch từ lượng sang chất, 100% số xã đạt NTM kiểu mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu. Triển khai giai đoạn 2 chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), hoàn thiện 4 quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thực hiện cơ chế hỗ trợ đầu tư tạo đà “châm ngòi” kích thích các hộ dân, doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần thu nhập bình quân, chạm mức 50 triệu đồng/người vào năm 2020”, ông Phạm Văn Kính nói.
Theo: Kiều Thủy/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã