Học tập đạo đức HCM

XDNTM ở TP.Sơn La: Thành công sẽ nở rộ

Thứ hai - 31/08/2015 08:27
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mỗi nơi có một cách làm riêng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương mình. Với TP. Sơn La (Sơn La), việc chính quyền nơi đây luôn coi trọng công tác tuyên truyền, tích cực trang bị kiến thức cho cán bộ phụ trách nông thôn mới từ cấp thành phố tới thôn bản, tiểu khu đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Từng bước khắc phục khó khăn

Một góc cánh đồng hoa ở Chiềng Xôm.

Là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của tỉnh, TP. Sơn La có diện tích tự nhiên 320km2, diện tích đất nông nghiệp là 6.800ha, dân số khoảng 110.000 người, được chia thành 7 phường và 5 xã với 169 tổ, bản, tiểu khu. Trong những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cũng gặt hái được một số thành công đáng ghi nhận. Nếu như trước đây, mỗi xã mới đạt 2-4 tiêu chí thì nay sau 4 năm triển khai, thành phố đã có 1 xã (Chiềng Xôm) cán đích nông thôn mới, các xã khác đều đạt 12-14 tiêu chí, 2 xã sẽ về đích trong năm 2016 (Hua La, Chiềng Cọ). Tới năm 2020, thành phố phấn đấu 100% số xã trên địa bàn về đích. Đặc biệt, 3 xã Chiềng Xôm, Chiềng Cọ, Hua La sẽ được lấp đầy tất cả các chỉ tiêu nhỏ trong mỗi tiêu chí. Thu nhập bình quân của các xã trên địa bàn thành phố tính tới thời điểm hiện tại đạt trên 18 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Như Hùng, Trưởng phòng Kinh tế, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới TP. Sơn La, cho biết: Mặc dù là trung tâm hành chính, kinh tế của tỉnh nhưng các xã trên địa bàn thành phố cũng gặp không ít khó khăn như nhiều địa phương khác trong tỉnh, bởi đều có diện tích tự nhiên rộng, diện tích đất canh tác ít, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, đất dốc dẫn tới suất đầu tư hạ tầng tương đối cao; cuộc sống của người dân còn khó khăn nên việc huy động cho xây dựng nông thôn mới cũng hạn chế, bà con chủ yếu đóng góp bằng ngày công và sẵn sàng hiến đất, cây cối hoa màu để làm đường sao cho đi lại thuận tiện.

Ông Nguyễn Như Hùng, Trưởng phòng Kinh tế, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới TP. Sơn La.

Bên cạnh đó, những phong tục tập quán lạc hậu trong sản xuất, sinh hoạt như chăn nuôi dưới gầm sàn vẫn còn tồn tại ở khá nhiều hộ, cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện chương trình. Diện tích đất ở nhỏ, chật hẹp khiến việc bố trí, sắp xếp các công trình trong mỗi hộ rất khó, làm sao vừa đảm bảo được tiêu chí môi trường, vừa đảm bảo được tiêu chí nhà ở, vừa có vườn để trồng rau, cây trái là một khó khăn.

Thêm vào đó, kỹ năng triển khai thực hiện tiêu chí nông thôn mới của đội ngũ cán bộ Ban phát triển bản, tiểu khu còn yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, tiến độ thực hiện.

Trước những khó khăn như vậy, TP. Sơn La đã ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cấp ngành triển khai nhiệm vụ, trong đó có Nghị quyết 79 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc hỗ trợ thêm kinh phí cho xây dựng giao thông nông thôn. Nhờ vậy, thành phố đã cứng hóa, bê-tông hóa được 53,5km giao thông trục xã, liên xã; 38,2km giao thông thôn bản; 14km giao thông ngõ bản và hàng trăm kilômét đường giao thông được nâng cấp, đi lại thuận tiện, chỉ còn 92km vẫn còn hiện tượng lầy lội vào mùa mưa.

Chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện

Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, về chủ trương, TP. Sơn La cũng triển khai nhiều cách làm nhằm phát huy tốt nội lực trong nhân dân, trong đó phải kể tới yếu tố tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách nông thôn mới từ cấp thành phố cho tới thôn bản, tiểu khu, đặc biệt chú trọng ở cấp cuối cùng, cấp gần dân nhất. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố đã có một số văn bản chỉ đạo nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng truyền đạt về những nhiệm vụ nhân dân phải làm trong xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình tập huấn, hướng dẫn, không tuyên truyền chung chung mà đi vào chi tiết nội dung của từng chỉ tiêu, từng tiêu chí cụ thể, có nội dung còn phải “cầm tay chỉ việc”. Cũng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên nhiều phong trào trong cộng đồng dân cư khá phát triển, đáng chú ý là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và kinh tế hợp tác xã. Nhiều gia đình đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng  đến hàng tỷ đồng ­mỗi năm như hộ ông Phạm Bá Bắc ở bản Panh, Chiềng Xôm; Hợp tác xã Hà Duy Thưởng (Chiềng Xôm) với việc liên kết cùng bà con trong xã trồng hoa, đạt doanh thu lên tới 700 triệu đồng/ha, hiện diện tích trồng hoa của HTX đạt 35ha. Ngoài ra, một số mô hình cây, con có giá trị kinh tế cao đang được bà con nông dân đầu tư sản xuất.

Giao thông nông thôn ở Chiềng Xôm.

Ánh sáng bản làng

Nói về chương trình xây dựng nông thôn mới của TP. Sơn La, sẽ rất thiếu nếu như không nhắc tới phong trào: “Ánh sáng bản làng”.

Bà Lò Thị Thoa ở bản Lả Mường (xã Chiềng Xôm) vui mừng nói: “Từ khi được chính quyền xã và thành phố quan tâm, diện mạo nông thôn đã thay đổi khá nhiều, kinh tế các hộ gia đình đều khá lên, đường đi lối lại sạch sẽ. Phong trào “Ánh sáng bản làng” do các cấp chính quyền phát động đã được toàn thể nhân dân ủng hộ, đường giao thông ở bản tôi cũng như các bản khác được chiếu sáng suốt đêm, hộ nào gần cột đèn đều có ý thức tự nguyện cho điện để phục vụ chiếu sáng cho nhân dân mỗi khi màn đêm buông xuống”.

Nói thêm về phong trào này, ông Hùng cho biết, trong quá trình vận động, đội ngũ cán bộ xã cho tới ban phát triển bản, tiểu khu đã phân tích cho nhân dân hiểu được lợi ích và chi phí họ bỏ ra để bà con ủng hộ. Nhờ đó, toàn bộ cột và dây, bóng điện đều do các bản, tiểu khu đóng góp, còn điện thắp sáng do nhà dân gần cột tự nguyện đóng mỗi khi đêm xuống, tắt mỗi khi trời sáng. Nhiệm vụ ấy đã trở thành thói quen, thành ý thức trách nhiệm đối với các hộ này.

Về với nông thôn TP. Sơn La hôm nay, đôi lúc chúng ta có cảm nhận như đang đi giữa những vùng kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, bởi nơi đây đã xuất hiện những vùng trồng hoa, trồng thanh long với quy trình kỹ thuật khá bài bản; nơi đây còn có những cung đường phong quang, sạch sẽ, rực sáng vào ban đêm... Với nền tảng đã có, thành công sẽ ngày càng nở rộ ở vùng đất này và chắc chắn công cuộc xây dựng nông thôn mới của TP. Sơn La sẽ thu được nhiều thắng lợi.

Theo Đình Hợi/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập334
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại815,508
  • Tổng lượt truy cập90,878,901
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây