Hơn 162km kênh mương bằng cấu kiện bê tông, 8 công trình thủy lợi đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng; 35 trường học, phòng học các cấp; 260 nhà văn hóa thôn gắn với sân thể thao và khuôn viên thuộc kế hoạch năm 2016 - 2017 đã được xây dựng; 20 nhà văn hóa xã, sân thể thao được xây dựng mới, nâng cấp…
Đặc biệt, người dân đã tích cực hưởng ứng công tác vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải, tạo cảnh quan sạch đẹp. Đến nay, tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 82%. Triển khai xây dựng 2.284 nhà tắm, nhà tiêu, bể nước sinh hoạt hợp vệ sinh; xây dựng 571 chuồng trại chăn nuôi và 214 hầm bể biogas.
Theo kế hoạch, năm 2018, Tuyên Quang có thêm 6 xã đăng ký về đích NTM, gồm: Lăng Can (Lâm Bình), Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), Nhân Mục (Hàm Yên), Phúc Ninh (Yên Sơn), Sơn Nam (Sơn Dương), Thái Long (TP Tuyên Quang). Hiện, các xã đăng ký đang triển khai các giải pháp, phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Trong tổ chức sản xuất, hết năm 2017, có 31 xã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND và Nghị quyết số 12/2014/NQ-HĐND ngày 22/7/2014 của HĐND tỉnh với số tiền 14,9 tỷ đồng và 22 hợp tác xã được hỗ trợ 1,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, nhiều dự án, mô hình sản xuất mới phát triển như: Nuôi trâu, cá đặc sản, lợn, vịt đặc sản, trồng rau an toàn, trồng chè, trồng cây ăn quả,... mang lại hiệu quả cao.
Nhờ chính sách đúng đắn của HĐND tỉnh Tuyên Quang, hàng trăm hộ dân đã có thu nhập ổn định, góp phần đưa 51 xã trong tỉnh đạt tiêu chí về thu nhập; 40 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo; 129 xã đạt tiêu chí lao động có việc làm; 102 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.
Những năm gần đây, mô hình kinh tế trang trại của huyện Yên Sơn phát triển nhanh. Toàn huyện có gần 200 trang trại. Phát huy lợi thế của mình, Yên Sơn đã tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số10 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại.
Nhờ đó, các chủ trang trại đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình như trang trại trồng bưởi Diễn, cam đường Canh của ông Nguyễn Tài Lễ (xã Phúc Ninh) rộng gần 3ha. Năm 2017, lợi nhuận từ cam và bưởi đã mang lại cho gia đình ông gần 700 triệu đồng.
Hưởng ứng Chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm”, trong 2 năm 2017 và 2018, Tuyên Quang lựa chọn 6 sản phẩm để hỗ trợ gồm: Dê núi Thổ Bình (Lâm Bình), rau an toàn Hồng Thái (Na Hang), chè búp Linh Phú (Chiêm Hóa), vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên), mỳ gạo Thuật Yến Kim Phú (Yên Sơn) và tinh bột nghệ Tiến Phát, xã Cấp Tiến (Sơn Dương).
Có thể nói, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, những năm gần đây, bộ mặt nông thôn Tuyên Quang đã có nhiều đổi thay. Các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của HĐND tỉnh đã giúp người dân từng bước thoát nghèo, làm giàu, giúp Tuyên Quang hoàn thành nhiều mục tiêu trong Chương trình XDNTM theo đúng tiến độ đề ra.
P.V/kinhtenongthon.com.vn