Học tập đạo đức HCM

Xã 2 vạn bò sữa

Thứ tư - 03/09/2014 11:00
TP. HCM vừa trở thành địa phương đầu tiên có trên 100 ngàn con bò sữa, thì riêng xã Tân Thạnh Đông (huyện Củ Chi) chiếm khoảng 1/5 đàn bò sữa toàn thành phố. Ở xã này đi đâu cũng gặp bò sữa.

Về xã đi vào bất cứ đường làng, ngõ xóm nào cũng thấy phảng phất mùi hoai hoải của rơm rạ để dành sẵn cho bò ăn, mùi hăng hắc của phân bò, tiếng ậm bò vang lên đây đó... Cả xã là một làng bò sữa khổng lồ.

Hai người một bò

Theo thống kê mới nhất hồi tháng 4 năm nay mà bà Phạm Thị Kim Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thạnh Đông cung cấp cho tôi là xã đang nuôi 18.308 con bò sữa. Tôi hỏi tổng số dân và tổng số hộ của xã vào thời điểm ấy, bà Thoa cho biết có 37.987 người và 8.612 hộ.

“Tính ra, cứ 2 người ở Tân Thạnh Đông thì có 1 con bò sữa, mỗi hộ có hơn 2 con bò sữa. Chắc đến giờ này, số bò sữa ở Tân Thạnh Đông còn cao hơn nhiều?”. Nghe tôi nói vậy, bà Thoa chỉ cười. Một nụ cười đầy tự hào.

Tân Thạnh Đông nuôi bò sữa từ bao giờ và vì sao lại nhiều bò sữa đến thế? Tôi đi tìm câu trả lời từ những lão nông nuôi bò sữa lâu năm ở xã này.

Ông Phạm Đăng Bảo, một lão nông ở ấp 9A, tuy không thuộc vào nhóm những người đầu tiên nuôi bò sữa trong xã, nhưng khá rành rẽ lịch sử nghề nuôi bò sữa ở đây.

Ông cho biết, người nuôi bò sữa đầu tiên ở Tân Thạnh Đông là ông Sáu To (hiện đã mất). Khoảng gần 30 năm trước, ông Sáu To bỗng đem bán mấy con bò kéo xe, mang tiền đến Gò Vấp, Hóc Môn là những nơi đã có nghề nuôi bò sữa từ trước, mua 1 con bò sữa đem về nuôi.

Hồi ấy chưa có trạm thu mua sữa trên địa bàn, mỗi khi vắt sữa xong, ông Sáu To lại phải mang sữa đến Gò Vấp để bán, hay nấu sữa lên bán cho hàng xóm láng giềng uống. Thậm chí, ông Sáu To còn bán cả sữa tươi cho những hộ nuôi heo đang cần sữa cho heo con uống bởi heo mẹ bị thiếu sữa.

Tiêu thụ sữa tươi gian nan như thế nên sau ông Sáu To, suốt trong nhiều năm trời, chỉ có thêm vài hộ ở Tân Thạnh Đông đánh liều mua ít bò sữa về nuôi.

Đến năm 1995, khi ông Nguyễn Văn Trị (Ba Trị), một nông dân ở ấp 9 quyết định thử nuôi con bò sữa, thì số hộ đã nuôi bò sữa trước đó ở Tân Thạnh Đông mới chỉ là 4. Khi ấy, giá bò sữa tính ra vàng rất đắt. Ông Ba Trị phải bán đi 40 cao đất ruộng (4.000 m2), rồi nhờ ông Sáu To đi cùng để lựa bò.

Đến Gò Vấp, ông mua một con bò trị giá 16 triệu đồng, tương đương với 4 cây vàng. Con bò ấy tuy không đẹp mã, nhưng lại cho rất nhiều sữa. Có những ngày vắt được tới hơn 30 kg sữa tươi. Lúc ấy, đã có một Cty đặt trạm thu mua sữa ngay trên địa bàn. Nhờ đó, việc tiêu thụ sữa tươi của ông Ba Trị và các hộ nuôi bò sữa khác đã thuận lợi hơn hẳn so với khi ông Sáu To mang nghề nuôi bò sữa về Tân Thạnh Đông.

Thấy con bò sữa cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với nuôi bò ta, trồng lúa, ông Ba Trị mạnh dạn mua thêm 3 con bò sữa nữa về nuôi.

Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nông dân ở Tân Thạnh Đông mới bắt đầu chú ý tới con bò sữa. Nhiều người đi xem bò sữa thấy ham lắm. Nhưng nghĩ tới chuyện mua bò sữa về nuôi, họ lại ngại ngần.

Cái ngại trước hết là do chưa nuôi bao giờ, nên nông dân cứ sợ mua một con bò tới mấy cây vàng mang về nuôi, lỡ nó bị chết thì coi như mất hết cả gia sản. Cái ngại thứ hai cũng lớn không kém là giá bò khi ấy tính ra vàng còn rất cao, mà nông dân Tân Thạnh Đông suốt bao năm trồng lúa, trồng rau màu, nuôi bò ta…, phần lớn vẫn còn nghèo, nên chẳng có mấy nhà đủ tiền để mua nổi một con bò sữa.

Với cái ngại thứ nhất, những người đi trước như ông Sáu To, Ba Trị, đã thường xuyên phân tích, động viên bà con, xóm giềng yên tâm rằng nuôi bò sữa không lo nó chết.

Chỉ có rủi ro ở chỗ có một số con bị trận (thụ tinh hoài không đậu) hay bị liệt. Nhưng những con bò ấy nếu bán cho các lò mổ, vẫn thu lại được một khoản tiền bằng 1/3 giá trị lúc mua. Còn với cái lo ngại thứ hai của bà con, những lão nông đầy tâm huyết này cũng đành chịu.

May sao, nhận thấy tiềm năng phát triển của con bò sữa, vào thời điểm ấy, thành phố đã có chính sách hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi cho nông dân mua bò sữa. Như ruộng hạn gặp mưa rào, nông dân Tân Thạnh Đông ào ào rủ nhau đi làm thủ tục vay vốn ưu đãi để mua bò.

Nhưng có lẽ sợ nông dân cầm tiền rồi lại không mua bò mà đi làm việc khác, chính sách này có quy định nông dân phải xây chuồng trại, mua bò về trước. Sau đó, cán bộ đến kiểm tra, xác nhận thì mới cho vay. Nhiều hộ không có tiền để mua bò sữa, đành phải cậy nhờ ông Ba Trị dẫn đi… mua chịu.

Ông Ba Trị không chỉ quen biết và có uy tín với những hộ bán bò giống trên Gò Vấp, Hóc Môn mà sau mấy năm nuôi bò sữa, ông cũng đã trở thành một chuyên gia trong vùng về lựa bò tốt. Nhớ lại những ngày ấy, ông kể: “Tôi đã dẫn hàng trăm hộ trong xã đi mua bò. Mỗi một lần đi là đứng ra bảo lãnh cho cả chục hộ mua chịu bò”.

Nhiều hộ nuôi bò sữa một thời gian có kinh nghiệm, có hiệu quả kinh tế cao, lại động viên và dẫn những hộ khác đi mua bò sữa về nuôi, đồng thời hỗ trợ về mặt kỹ thuật như cách nuôi, cách vắt sữa, hay tham gia đỡ đẻ cho bò nhà hàng xóm.

14-19-46_nh-1-lng-bo-su

Đàn bò sữa của ông chủ trẻ Nguyễn Thành Được

Nhờ giỏi nghề và đàn bò nhiều, ở lúc cao điểm năng suất sữa, mỗi tháng riêng tiền sữa vợ chồng Được thu về khoảng trăm triệu đồng. Vì thế, Được ham nghề nuôi bò sữa lắm. Anh đang đặt ra mục tiêu sẽ nâng đàn lên 50 con trong thời gian tới.
Ngoài thu nhập lớn từ đàn bò sữa trong nhà, Được còn kiếm kha khá từ dịch vụ đỡ đẻ cho bò sữa của hàng xóm láng giềng.
Những lớp nông dân trẻ như vợ chồng anh Được, chính là nguồn tiếp sức quan trọng cho sự phát triển của nghề bò sữa ở Tân Thạnh Đông, mà trong thời gian tới sẽ đi vào chiều sâu như nâng cao năng suất, chất lượng sữa..., thay vì gia tăng đàn mạnh mẽ như trong những năm qua.

Người này động viên, dẫn dắt người khác, cứ thế, chẳng mấy chốc số hộ tham gia nuôi bò sữa ở Tân Thạnh Đông đã tăng lên hàng chục, hàng trăm rồi hàng ngàn. Cái truyền thống ấy còn kéo dài đến tận bây giờ.

Và có thể nói, cả xã Tân Thạnh Đông trở thành cái làng bò sữa khổng lồ như hiện nay, có phần đóng góp không nhỏ của cái truyền thống đầy tốt đẹp ấy.

Thanh nông tri điền

Trong số những tỷ phú bò sữa ở Tân Thạnh Đông hôm nay, có không ít những gia đình trẻ. Khi mới lập gia đình, họ được cha mẹ cho con một con bò sữa để làm vốn ban đầu. Nhờ chí thú, biết tính toán làm ăn, họ đã trở nên khá giả nhờ bò sữa.

Gia đình anh Nguyễn Thành Được ở ấp 9 là một trong những hộ như thế. Chưa tới 40 tuổi, nhưng Được đã sở hữu trong chuồng tới 40 con bò sữa lớn nhỏ.

Cứ như lời của ông Phạm Đăng Bảo rằng ở Tân Thạnh Đông, do hạn chế về đồng cỏ, lao động…, nên những hộ có 20-30 con bò sữa đã được coi là nhiều. Còn những hộ có 40-50 con bò sữa là hiếm, thì có thể nói Được đã là một trong những “đại gia” bò sữa ở đây.

Khi lấy vợ năm 2000, được cũng được cha mẹ cho một con bò sữa. Anh mua thêm một con nữa. Từ vốn liếng ban đầu ấy, nhờ chăm chỉ, cần cù và theo sát đàn bò sữa hằng ngày, cộng thêm sự may mắn do bò mẹ thường đẻ ra bê cái nhiều hơn bê đực, đến nay, vợ chồng Được đã qua mặt nhiều lão nông trong vùng để gây dựng nên đàn bò sữa như trên.

Không những có nhiều bò, trình độ nuôi bò của Được còn khiến cho nhiều lão nông phải nể phục. Riêng với 15 con đang cho sữa mà khi cao điểm thu tới 270 kg/ngày, tức bình quân mỗi con đạt tới 18 kg sữa, thì nhiều bậc lão làng trong nghề nuôi bò sữa chỉ biết lắc đầu chịu thua.

Cùng tôi ngồi trò chuyện về bò bê với Được, lão nông Phạm Đăng Bảo không ít lần phải xuýt xoa buột miệng khen ngợi Được. Có thể nói Được là một điển hình của một thanh nông tri điền trong nghề nông ngày nay.


Thanh Sơn
Theo nongnghiep.vn

 Tags: bò sữa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập359
  • Hôm nay91,585
  • Tháng hiện tại810,893
  • Tổng lượt truy cập90,874,286
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây