Và để xã hoàn thành tiêu chí này, các thôn bị “ép” phải giảm số hộ nghèo với những chỉ tiêu nhất định...
Thôn nói “tự nguyện”, người dân nói “không”
Chúng tôi về xã Hương Ngải khi dư luận đang nóng về kế hoạch giảm nghèo của UBND xã. Trong căn nhà chưa đầy 14m2, bà Phí Thị Đang (thôn 9) kể lại câu chuyện gia đình bà bị thôn, xã “ép” ra khỏi diện hộ nghèo. Câu chuyện thi thoảng bị ngắt quãng vì nước mắt bà cứ trực trào... .
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Kích, thôn 2, xa Hương Ngải trong diện “được yêu cầu thoát nghèo”. |
Chồng bà Đang mất năm 2009, hiện bà đang phải nuôi 5 đứa con ăn học, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ mới 8 tuổi. Bà sụt sùi: “Sau khi chồng tôi mất, thành phố đã duyệt cấp chế độ cho 5 đứa con tôi 250.000 đồng/tháng/cháu, đồng thời đưa gia đình tôi vào danh sách hộ nghèo. Năm 2011, gia đình tôi bỗng bị xã cắt các chế độ, chính sách dành cho hộ nghèo và năm 2012 thì bị cắt cả chế độ cho các cháu. Tôi gửi đơn lên xã, xã không giải quyết, tôi phải nhờ người quen gửi lên thành phố. Đến đầu năm 2013, gia đình tôi mới được đưa lại vào danh sách hộ nghèo, nhưng chế độ của các cháu thì vẫn không được”.
Bà Đang cho biết thêm, 2 năm nay bà được thôn cho tham gia tổ thu gom rác, với mức phụ cấp gần 700.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, gia đình bà đang rất khó khăn, bởi món nợ hàng chục triệu đồng trước đó vay chữa bệnh cho chồng. Ngoài ra, hàng năm đứa lớn phải đóng gần 3 triệu tiền học, mấy đứa nhỏ 1,8 - 2 triệu đồng/cháu, trong khi đó có mỗi mình bà là lao động có thu nhập. “Những khoản đóng góp này là diện hộ nghèo nên đã miễn 50% rồi, nếu trong năm nay gia đình tôi bị đưa ra khỏi hộ nghèo, tôi không biết lấy tiền đâu để đóng học cho các cháu. Nói dại nhỡ ốm đau vào viện, chắc chỉ còn nước chờ chết” - bà Đang lo lắng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cấn Xuân Thân - Trưởng thôn 9 lý giải: “Năm 2011, bà Đang tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, để thử “kiểm tra” lại thu nhập của mình đã thoát nghèo được chưa. Còn việc cắt chế độ của các cháu là vì gia đình bà Đang không còn diện hộ nghèo nên không được hưởng nữa”. Tuy nhiên, trái với lời khẳng định của ông Thân, bà Đang bức xúc nói thẳng: “Việc tôi tự xin ra khỏi diện hộ nghèo hoàn toàn là bịa đặt. Một mình tôi nuôi 5 đứa con, nhà thì chưa đầy 14m2, ví dụ tôi là công chức nhà nước cũng chưa chắc đã thoát nghèo được. Đằng này thu nhập của tôi chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng, chưa đủ ăn chứ nói gì thoát nghèo mà bảo tôi tự nguyện xin thoát nghèo” - bà Đang nói.
Gánh nặng khó hoàn thành
Theo chỉ tiêu mà xã Hương Ngải “giao”, năm 2013 thôn 9 phải giảm 3 trên tổng số 7 hộ nghèo. Trong số 7 hộ nghèo của thôn, hiện 5 hộ neo đơn, 1 hộ có vợ mổ tim 2 lần, đang nuôi 1 con học đại học và hộ bà Đang. Khi chúng tôi hỏi về giải pháp giảm nghèo của thôn, ông Thân cho hay: “Hiện chúng tôi đã “đưa” được 1 hộ vào làm công ở hợp tác xã sản xuất rau sạch của thôn, 1 hộ trông trang trại cho tư nhân và 2 hộ thu gom rác, các hộ còn lại vẫn phải tự tìm công ăn việc làm”. Ông Thân cũng thừa nhận, hầu hết các công việc mà thôn đang tạo cho các hộ nghèo đều rất bấp bênh, thu nhập thấp, nên việc giảm 3 hộ nghèo từ nay đến cuối năm là rất khó. “Xã bảo giao để các thôn phấn đấu. Cuối năm chúng tôi còn phải bình bầu lại, xem thoát nghèo được bao nhiêu hộ” - ông Thân nói.
Tại thôn 2, chỉ tiêu còn nặng hơn. Bà Phí Thị Nhiên - Trưởng thôn 2 cho biết: “Thôn còn 8 hộ thuộc diện hộ nghèo, theo chỉ tiêu xã giao cuối năm thôn phải đưa 5 hộ thoát nghèo. Thế nhưng theo tình hình hiện tại, thì cả 8 hộ gia đình trên đều thuộc diện rất khó khăn, dù phải chọn 1 hộ thoát nghèo cũng khó, huống chi 5 hộ”.
Có đến thăm những gia đình này mới thấu hiểu hết những khó khăn mà họ đang phải gánh chịu. Bà Nguyễn Thị Thuận nghẹn ngào: “Chồng tôi bị bệnh lao không lao động được nữa, mình tôi nuôi 4 đứa con, 2 đứa đang tuổi đến trường. Là hộ nghèo nên các cháu được miễn giảm học phí, nên cũng đỡ. Năm nay, nếu xã cắt tiêu chuẩn hỗ trợ hộ nghèo của nhà tôi, chắc các cháu phải nghỉ học thôi”.
Còn hộ ông Nguyễn Khắc Cầu thì có vợ bị bệnh thận, phải chạy thận 3 lần/tuần. Nghe tin cuối năm gia đình sẽ phải... thoát nghèo, ông Cầu rụng rời chân tay: “Nếu hết nghèo, gia đình tôi phải chi trả 100% chi phí chữa bệnh cho vợ tôi. Số tiền lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, nhà giàu còn không kham nổi, chứ chưa nói đến hộ nghèo”.
Về việc “giao chỉ tiêu” giảm nghèo cho các thôn, ông Vượng lý giải: “Chúng tôi giao để các thôn phấn đấu, chứ không bắt buộc phải hoàn thành chỉ tiêu”. Tuy nhiên, lời giải thích này lại trái ngược với kế hoạch đạt tiêu chí nghèo vào cuối năm 2013 của xã, tức phải giảm 26 hộ.
Lý giải thêm về "chỉ tiêu" mà xã giao, ông Vương Duy Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Ngải nói, lý do xã đưa ra chỉ tiêu giảm nghèo cho các thôn là bởi xã đang triển khai một số giải pháp giảm nghèo. Cụ thể, đối với các hộ nghèo một phần đưa vào HTX nông nghiệp của xã (4 hộ) và 11 hộ thu gom rác. Tuy nhiên, giải pháp này mới tạo việc làm tạm thời cho 15/26 hộ nghèo, còn lại các hộ khác vẫn chưa biết phải làm gì để thoát nghèo (?!).
Tùng Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã