NỖ LỰC
Năm 2011, khi bắt đầu khảo sát để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Giang mới chỉ đạt 3 tiêu chí về điện, thủy lợi và điểm bưu điện văn hóa xã. Là xã miền núi với điểm xuất phát thấp từ hạ tầng cơ sở, thu nhập dân cư cho đến trình độ nhận thức của người dân… nhưng nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, xã Sơn Giang đã có những cách đi riêng để khắc phục khó khăn.
Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang, cho biết: Xã có hơn 1.200 hộ dân nhưng có tới 13 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa, một lối sống riêng và trình độ nhận thức không đồng đều nên công tác tuyên truyền vận động để đoàn kết hướng tới mục tiêu chung lúc đầu mất nhiều thời gian. Trong quá trình triển khai, Đảng ủy và chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các cá nhân tích cực tại 9 thôn trong xã, nhằm tạo nên khối đoàn kết giữa các dân tộc và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chương trình nông thôn mới. Bên cạnh đó, xã giảm thiểu tối đa mức đóng góp cho người dân bằng cách sử dụng những vật liệu xây dựng sẵn có tại địa phương. Từ đó giúp giảm chi phí đóng góp cho dân khoảng 50% trên 1km đường. Trong giải phóng mặt bằng, dù là người Kinh hay người Mông, đồng bào dân tộc Tày hay Chăm Hroi, Ba Na…, ai nấy đều sẵn sàng tháo dỡ hàng rào, phát quang cây xanh, đóng góp tiền, ngày công cũng như tự nguyện hiến tổng cộng hơn 2.000m2 đất cho xây dựng các công trình hạ tầng”.
Ma Seo Ký, người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở thôn Nam Giang, cho biết: Đồng bào Mông sống ở thôn Nam Giang chỉ hơn chục người. Suốt một năm đầu, không ai biết nông thôn mới là gì, nhưng được các hội đoàn thể trong thôn, trong xã tuyên truyền, đồng bào hiểu được cái lợi của phong trào đối với đời sống và với sự phát triển của quê hương. Từ đó, người dân tích cực tham gia, đóng góp ngày công và góp kinh phí đầy đủ.
TẠO NÊN DIỆN MẠO MỚI
Cuối năm 2015, xã Sơn Giang đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt thôn, xóm khang trang nhờ hạ tầng cơ sở được kiện toàn. Theo UBND xã Sơn Giang, về giao thông nông thôn, năm 2011, toàn xã mới có hơn 17km đường được cứng hóa gồm 9,2/9,2km đường trục xã, liên xã, 3km đường trục thôn, 1km đường ngõ xóm, 4km đường nội đồng; đáp ứng trên 40% nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến năm 2015, từ nguồn kinh phí gần 20 tỉ đồng, UBND xã bê tông hóa thêm 26,3km đường, nâng tổng chiều dài đường được bê tông hóa lên gần 35km; đáp ứng 88% việc đi lại, hỗ trợ người dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, giao thương hàng hóa được thuận lợi. Về hạ tầng trường học, ngoài 3 trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở thì chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp Trường THCS Sơn Giang được nâng cấp thành Trường THCS - THPT Võ Văn Kiệt. Từ chỗ toàn xã chỉ có 3 nhà văn hóa tại 3 thôn còn 6 thôn phải sinh hoạt nhờ trong phòng học các trường thì hiện nay, xã đã có đủ 9 nhà văn hóa cho 9 thôn và 1 trung tâm thể thao rộng 200m2. Cách đây 5 năm, xã có 237 hộ phải sống trong nhà dột nát, thì nay các hộ này được hỗ trợ xây nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. 99% hộ dân được sử dụng điện an toàn, được chăm sóc sức khỏe y tế và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Xây dựng nông thôn mới còn giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, tạo nên một đời sống mới trên địa bàn xã Sơn Giang. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Lam ở thôn Hà Giang với hơn 6ha đất nông nghiệp và đàn bò 7 con, nhờ được tiếp cận kỹ thuật thâm canh mới, sử dụng giống chất lượng và sử dụng máy móc thay sức người, đã có thu nhập 200 triệu đồng/năm. Anh Lam cho biết: Gia đình tôi có cuộc sống khá như hôm nay là nhờ áp dụng những kiến thức học được từ các lớp tập huấn tăng năng suất cây trồng và nông sản sau khi thu hoạch cũng được vận chuyển đi tiêu thụ thuận lợi khi có đường giao thông nông thôn. Nông thôn mới giúp cuộc sống đổi thay tích cực nên khi chính quyền xã làm đường, chúng tôi sẵn sàng hiến 2.500m2 đất.
Ông Phạm Quốc Thông cho biết thêm: Xã Sơn Giang có hơn 80% dân số làm nông nghiệp, thu nhập thấp nên việc khuyến khích phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Theo đó, xã vận động nhân dân đầu tư máy móc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tham gia học các lớp nghề. Xã định hướng người dân ổn định diện tích đất trồng lúa 2 vụ trong năm với 490ha, sử dụng các bộ giống tốt thuộc cấp xác nhận, nguyên chủng, các dòng lúa lai. Thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Phòng NN-PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh… tổ chức các lớp tập huấn về trồng lúa, mía, nuôi bò, thu hút nhiều người dân tham gia. Ngoài ra, xã còn vận động các nhà máy tinh bột sắn Fococev, đường Tuy Hòa đầu tư giống mới cho nông dân nhằm nâng cao năng suất, tăng sản lượng; đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại cho thu nhập lên đến 100 triệu đồng/năm.
Theo MINH DUYÊN/baophuyen.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã