Học tập đạo đức HCM

Xã nghèo xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy - 27/07/2013 06:16
Ở những xã sản xuất phát triển, người dân có thu nhập khá, khi xây dựng nông thôn mới (NTM), chính quyền và người dân có thêm nguồn lực để đóng góp. Nhưng ở những vùng còn nghèo, NTM vẫn là một khái niệm xa lạ...

 

Cái khó bó cái khôn

Xã Nga My, huyện Phú Bình (Thái Nguyên), ngày nông nhàn, những người phụ nữ ròng ròng chiếc xe đạp cà tàng đi buôn đồng nát; cánh đàn ông đi làm sắt, vác gạch, thợ xây, thợ nề ròng rã... Xã nghèo, người dân không ngại bất cứ công việc nặng nhọc gì miễn là có tiền trang trải cuộc sống.

Mồ hôi nhễ nhại, chân tay nhem nhuốc bởi lấm bùn đất, đen xì của than, anh Nguyễn Văn Thương,  một người đi vác gạch thuê cho biết, ngày ngày chỉ biết đi làm thuê lấy tiền cho vợ mua rau, mua đậu, tích cóp cho con cái đi học, còn NTM là gì tôi chưa được nghe bao giờ. Không chỉ riêng anh Thương mà còn rất, rất nhiều người dân trong xã, chủ thể trong xây dựng NTM lại không hề biết đến phong trào này.

Chủ tịch UBND xã Nga My Nguyễn Văn Hùng cho biết: Nga My là xã thuần nông, dân số đông (với 26 xóm, hơn 10 nghìn nhân khẩu). Những năm qua, cuộc sống của người dân gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố: Ðịa hình không thuận lợi, đất đai cằn cỗi, thiên tai lũ lụt hằng năm, hệ thống thủy lợi kém phát triển, trình độ dân trí thấp, giao thông khó khăn. Các tuyến đường liên xóm, liên xã chiếm 90% là đường đất, nắng bụi mù mịt mưa thì lầy lội. Người dân lên thành phố phải đi đường đất, muốn sang huyện phải qua sông, lụy đò. Theo lời ông Hùng, Nga My được ví như một "ốc đảo" kém thế hơn so với các xã lân cận.

Thu nhập thấp nhất huyện (12 triệu đồng/người/năm), tỷ lệ lao động thiếu việc làm cao là bài toán khiến lãnh đạo địa phương trăn trở nhiều. Ông Hùng chia sẻ thêm: Không có làng nghề truyền thống, người dân lại không sản xuất được hàng hóa nông sản bán do đất xấu và giao thông khó khăn. Chăn nuôi càng khó vì diện tích đất hẹp, manh mún, nhỏ lẻ. Xã có khoảng 70% diện tích đồi núi nhưng toàn là đồi trọc, dân không có kinh nghiệm nhận thức về rừng và chưa được Nhà nước giao cho quản lý. Nghèo là chuyện dễ hiểu.

Ðơn cử như việc cấy lúa. Lâu nay cây lúa được xem là cây chủ đạo ở vùng đất này nhưng đất xấu, thời tiết không thuận lợi nên người dân cũng không mặn mà lắm. Mỗi nhà có lắt nhắt vài trăm mét ruộng rải rác từ đồng nọ sang đồng kia. Hệ thống kênh mương không tiện. Nga My là xã nằm ở cuối nguồn nước dẫn từ hồ Núi Cốc về, nên nước chưa đến đã hết, con mương xây hàng chục năm nay nhưng hiếm khi có nước chảy qua. Người dân nảy ra ý tưởng gia đình nào có ruộng gần nhau góp tiền đào giếng, mua máy bơm, đến vụ họ lại ròng ròng kéo nhau đi bắc máy, bắc vòi. Song đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời, vì nhiều người bơm giếng sẽ cạn. Ông Lưu Văn Phòng, xóm Ðiếm giãi bày: "Nhà tôi có ruộng gần mương nhưng chưa bao giờ có được một giọt nước nào từ con mương này. Ðất xấu, trũng, mưa to thì ngập úng, mưa nhỏ thì không thấm gì. Song vẫn phải bơm nước về vì không lẽ để lúa chết khô. Giếng mình cạn phải đi bơm nhờ vất vả lắm, hai vợ chồng phải rình rập từ đêm cho đến sáng mới lên được ít nước".  Không có gì lạ khi nói thiếu ăn ở vùng đất thuần nông độc canh cây lúa này. Có người hỏi nông thôn mới là cái gì khi người dân, ngay cả hạt gạo còn không đủ ăn?

Nhiều khi vì nghèo, dân trí thấp dẫn đến túng quẫn, họ buộc phải xoay sở, thích nghi, bất chấp mọi thứ chỉ để kiếm miếng cơm, tấm áo cho con cái... Khó khăn chồng chất khó khăn, cái  nghèo như một vòng luẩn quẩn cứ bám chặt, đeo đẳng theo người dân nơi đây hàng chục năm nay mà chưa tìm ra lối thoát.

Loay hoay tìm hướng

Từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai trên cả nước, Ðảng bộ xã Nga My bắt tay vào xây dựng quy hoạch đề án sản xuất. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu, công tác này đã gặp phải không ít khó khăn. Hầu hết cán bộ cơ sở đều chưa được tập huấn kỹ càng về xây dựng NTM. Trong khi đó, trình độ nhận thức của người dân hạn chế, để hoàn thành 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia với xã Nga My là điều rất khó.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình Hoàng Thanh Giao cho biết: So với 21 xã, thị trấn trên toàn huyện, Nga My là xã khó thực hiện nhất. Bởi xã vốn có xuất phát điểm thấp, điều kiện cho sự phát triển kinh tế của một địa phương đều kém thế hơn hẳn so với những xã khác.

Về nguồn lực trong xây dựng NTM, ngoài nguồn vốn hỗ trợ T.Ư, tỉnh và vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu thì hầu như Nga My không huy động được gì từ người dân. Ấy cũng là điều dễ hiểu, bởi thu nhập của hầu hết người dân địa phương còn quá thấp, làm chưa đủ ăn lấy gì để đóng góp. Họ chỉ có thể đóng góp ngày công, hiến đất, cây cối làm đường giao thông còn vật liệu, thuê máy móc đều phải trông chờ vào nguồn vốn đầu tư hỗ trợ từ cấp trên.

Do đó, tuy  gần ba năm thực hiện nhưng tính đến hết tháng 6 vừa qua xã mới đạt được bảy tiêu chí về xây dựng NTM. Song cũng theo ông Hùng trong bảy tiêu chí thì có ba tiêu chí về y tế, bưu điện, hình thức sản xuất còn "gượng gạo" bởi chỉ đạt theo tiêu chuẩn cũ.

Ðể phong trào xây dựng NTM có hiệu quả, trước tiên cán bộ xã cần hiểu rõ và làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân. Chỉ khi nào người dân hiểu, nhận thức được chính mình là chủ thể, là người hưởng những lợi ích thiết thực từ phong trào họ mới đồng lòng tham gia. Với Nga My, một xã còn nhiều khó khăn phải thực hiện từng bước một. Với nông nghiệp cần quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn, tận dụng mọi nguồn nước tưới để đưa giống lúa năng suất cao và dễ dàng trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng. Tận dụng diện tích đồi núi để quy hoạch thành khu trang trại chăn nuôi lớn, giảm ô nhiễm môi trường... Phối hợp với cơ quan chức năng, chú trọng đào tạo nghề cho lao động địa phương.

Ðược biết, UBND tỉnh Thái Nguyên đang thẩm định hồ sơ công nhận  cho làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ An Châu và Nga My là một trong năm xã của huyện đang được tỉnh đề nghị Chính phủ xét công nhận là xã nghèo. Ðây là những tín hiệu tốt nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho con em địa phương. Ðồng thời báo hiệu một hướng đi mới cho Ðảng bộ và nhân dân xã Nga My trong chặng đường thoát nghèo, vươn lên phát triển.

Lưu Phượng
Theo nhandan.org.vn


 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập258
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm252
  • Hôm nay77,745
  • Tháng hiện tại782,858
  • Tổng lượt truy cập90,846,251
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây