Cơ hội cho đầu tư khâu chế biến
Dù nổi tiếng với nhiều loại nông sản cả về sản lượng lẫn thương hiệu như lúa, cá tra, xoài, hoa kiểng…, Đồng Tháp vẫn là địa phương đang gặp nút thắt lớn khi chưa thực sự xây dựng được chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp. Các khâu nuôi trồng, thu mua, chế biến, phát triển thị trường vẫn còn “đứt đoạn”. “Phần lớn rau củ quả chưa được đầu tư chế biến sâu. Hoạt động bảo quản và bao gói, đóng mác vẫn bị hạn chế; lại còn khó khăn trong vận chuyển vì giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh”, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cả nước năm nay có thể đạt 36 tỷ USD. Riêng ngành rau quả sẽ đạt kim ngạch 3,4-3,5 tỷ USD, vượt cả xuất khẩu lúa gạo và xuất khẩu dầu thô trong khi diện tích rau củ quả chỉ chiếm 40% diện tích đất trồng lúa.
Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nếu muốn làm ăn lớn và tận dụng mọi giá trị tiềm năng, ngành nông nghiệp phải tái cơ cấu sâu rộng hơn, nhất là với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn đang bị tổn thương nặng nề do biến đổi khí hậu. Trong đó thủy sản và rau củ quả là hướng đi khả thi để khắc phục khó khăn này và tạo ra dư địa mới.
Đại diện Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Viện trưởng Lê Thành cũng đánh giá rau củ quả là ngành dẫn đầu xu hướng thực phẩm của thế giới bởi người tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển đang chuyển dần sang những thực phẩm có lợi cho sức khỏe. “Nếu đầu tư mạnh cho chế biến rau củ quả thì Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực nhờ lợi thế đi sau, tiếp cận được công nghệ mới nhất, trong khi hệ thống chế biến ở các nước láng giềng Đông Nam Á đã qua 10 năm tuổi và đang trong giai đoạn thu hồi vốn”, ông Thành phân tích về khả năng “thắng lớn” khi đầu tư cho khâu chế biến.
Mong mỏi của giới đầu tư
Theo tính toán từ thực tế của các nhà đầu tư nông nghiệp đã từng được Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ “dẫn dắt” đến ĐBSCL, đầu tư chế biến sâu có thể giúp tăng mạnh giá trị kinh tế trên một đơn vị gieo trồng cho nông dân. Bởi có thể sử dụng nông thủy sản ở tất cả các phẩm cấp để chế biến thành nhiều loại sản phẩm khác nhau thay vì chỉ tiêu thụ được loại 1, loại 2 và hầu như đổ bỏ hoặc bán rẻ số còn lại như hiện nay.
Thực tế cũng cho thấy, nông dân trồng xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sâu tại ĐBSCL ước tính đang có thu nhập lên đến 250 triệu đồng/ha. Tương tự, người trồng dứa cũng có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha, vượt xa trồng lúa.
Với các phân tích về lợi nhuận cho cả nhà đầu tư lẫn nông dân như vậy, ông Lê Thành kiến nghị chính quyền tỉnh Đồng Tháp cho tăng gấp 3 lần diện tích gieo trồng trái cây, tức đạt khoảng 69.000 ha; tăng diện tích trồng hoa nhiệt đới từ 600 ha lên hơn 3.000 ha.
Ước tính, chỉ riêng 2 lợi thế này có thể mang về cho Đồng Tháp mỗi năm 5 tỷ USD. “Tuy nhiên, Đồng Tháp phải công bố những tham số chung về kỹ thuật để các công nghệ cũ, lạc hậu không vào được Việt Nam”, ông Lê Thành khuyến nghị thêm.
Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood cho rằng Chính phủ cần xem rau củ quả là ngành chủ lực quốc gia để có chính sách tín dụng ưu đãi cho cả doanh nghiệp và nông dân. Về phía đầu ra, giới doanh nghiệp cũng đang rất mong có thêm nhiều đàm phán cấp nhà nước với các nước như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để mở rộng danh mục rau củ quả Việt Nam được thâm nhập vào các thị trường này.
Bên cạnh đó, điều quan trọng nữa là phải giải được bài toán về logistics cho rau quả Việt Nam. “Hiện Lavifood làm xoài xuất khẩu với giá khoảng 3 USD/kg, nhưng phí hàng không lại mất thêm 3-4 USD/kg nên giá bán cuối cùng rất cao”, ông Thắng giãi bày.
Những cam kết mạnh mẽ
Cùng tham gia chủ trì hội nghị về rau củ quả trong chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư vào Đồng Tháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh bên cạnh sự tăng cường hoàn thiện chùm chính sách “cứng” về khuyến khích đầu tư, xây dựng chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian, còn rất cần có thêm “chính sách mềm” từ các địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức về đổi mới thị trường, áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến, xúc tiến thương mại, tận dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để bắt kịp trình độ thế giới. Những đổi mới này không chỉ ở cấp quy hoạch chiến lược, các chính quyền địa phương mà còn ở cả lực lượng nông dân. Ngoài ra, dịch vụ logistics sẽ được tăng cường đầu tư để nâng cao tính kết nối hiệu quả từ sản xuất đến thị trường.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định “Việt Nam chủ trương luôn hỗ trợ tín dụng cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cũng dành khoản tín dụng trực tiếp cho các nhà đầu tư vào ngành rau củ quả theo lãi suất phù hợp".
Từ phía Đồng Tháp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan mở đầu chủ trương kêu gọi đầu tư bằng nhận định nội lực là quan trọng, nhưng rất cần có thêm ngoại lực. “Là tỉnh đi lên từ nông nghiệp, chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi cái gọi là ‘giải cứu nông sản’. Nếu chỉ lo tăng diện tích, tăng sản lượng mà không chú trọng chất lượng nông sản và công nghệ chế biến, phân phối, hạ tầng logistics thì nông nghiệp sẽ đi vào bế tắc, nông dân có thể gặp nhiều rủi ro”, ông Lê Minh Hoan nói.
Để khẳng định quyết tâm đi cùng với doanh nghiệp, trong bài phát biểu, đại diện tỉnh Đồng Tháp luôn nhấn mạnh xem doanh nghiệp là người đồng hành, mang đến cho chính quyền địa phương những kiến thức và tham vấn về kinh tế-xã hội hữu ích.
Phương Hiền/baochinhphu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã