Ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp-Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Vingoup, Vinamilk… đã trực tiếp tham gia tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, cả nước đã có 1.152 xã hoàn thành 19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm gần 13%); có khoảng 15,4 % số xã đạt từ 15-18 tiêu chí. Đặc biệt, số xã đạt dưới 5 tiêu chí đã giảm mạnh, từ 82% (năm 2010) xuống còn 6,75% (tháng 5/2015). Đã có 8 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến cuối năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 1.500 xã (chiếm 17%) và 16 huyện, thị xã đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lộc, trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Theo số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản (NLTS) chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp (trong số này doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%); tổng vốn đầu tư cũng chiếm tỉ lệ rất thấp, khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động.
Phân tích thêm về những rào cản khiến doanh nghiệp chưa phát huy được vai trò, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, về khách quan, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản có nhiều rủi ro hơn các ngành kinh tế khác vì dễ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, khí hậu, thiên tai bão lũ, dịch bệnh. Ngành nông lâm thủy sản là ngành có lợi nhuận thấp, khả năng thu hồi vốn chậm so với các ngành kinh tế khác; mặt bằng cho sản xuất phổ biến có kết cấu hạ tầng chưa phát triển…
Cần thêm ưu đãi và chính sách hợp lý
Ông Tăng Minh Lộc cho rằng, các yếu tố được xem là cản trở chủ yếu đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là quy hoạch thiếu ổn định, hạ tầng cơ sở khó đảm bảo sản xuất, chất lượng lao động nông thôn thấp, khó tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, khó giải phóng mặt bằng…
Do đó, thời gian tới, theo ông Lộc, UBND các tỉnh phải phát huy vai trò là “trọng tài” trong các dự án giao đất cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân để tránh cho doanh nghiệp vừa phải trả tiền dân (mua lần 1), vừa phải trả tiền thuê đất tại chính mảnh đất mình vừa mua.
Hỗ trợ mạnh hơn vào hạ tầng cơ bản cho các dự án đầu tư vào các nông sản chủ lực với quy mô lớn; hỗ trợ ít nhất 20% chi phí xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản thiết thực cho các dự án đầu tư; có gói tín dụng riêng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ ít nhất 30% phí bảo hiểm nông nghiệp (lần đầu) cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, cần có thêm một số chính sách hỗ trợ cho đầu tư ứng dụng khoa học-kỹ thuật, xúc tiến thương mại…
Còn theo ông Nguyễn Văn Tiến, cần rà soát, nâng cao chất lượng và quản lý quy hoạch như quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp. Công khai, minh bạch các quy hoạch, đề án dự án kêu gọi đầu tư; đơn giản hoá các thủ tục đầu tư, trình tự đầu tư, thanh quyết toán vốn.
Cần có bước đột phá trong việc ban hành những chính sách nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đối với doanh nghiệp, thủ tục triển khai những dự án trong nông nghiệp. Cần xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân, hợp tác xã theo mô hình xây dựng cánh đồng lớn. Tạo môi trường thuận lợi thu hút, phát triển các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản.
TS. Nguyễn Trí Ngọc thì cho rằng cần có chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho người lao động ở nông thôn, nhất là lao động trong các trang trại, doanh nghiệp nhỏ…
Bên cạnh đó, cần có gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi để thích nghi với hội nhập, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá: Việc tham gia TPP vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với cả nền kinh tế Việt Nam. Riêng đối với khu vực nông nghiệp nông thôn, thách thức này là vô cùng lớn, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi Việt Nam. Do đó, cần có thay đổi về mặt tư duy cốt lõi, người nông dân phải có tư duy của doanh nhân, có tinh thần khởi nghiệp.
“Người lao động ở nông thôn phải thấy được rằng việc đổ dồn về các khu công nghiệp, thành phố lớn để làm không phải là lựa chọn số 1 nữa mà thực tế, đã có một số thanh niên nông thôn đứng lên lập nghiệp để làm giàu trên chính mảnh đất của mình”, ông Lộc nói.
Theo Huy Thắng/baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã