NHỮNG KHÓ KHĂN, BẤT CẬP TRONG XÂY DỰNG NTM
Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. |
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, sau 7 năm thực hiện (2011-2017), Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được những kết quả đáng khích lệ: đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,9 triệu đồng/người/năm, tăng 25,68 triệu đồng/người/năm so với trước khi xây dựng NTM. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn như: các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; công tác dạy nghề cho lao động NTM chỉ đạt một số kết quả nhất định, chưa bảo đảm yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp chưa cao; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường…
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều cách làm hay trong việc xây dựng NTM. Đặc biệt, có 19 ý kiến của cử tri tại hội nghị đã phản ánh những khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng NTM, tập trung ở các nội dung: quy hoạch treo, dự án chậm triển khai ở vùng nông thôn; môi trường ô nhiễm; các công trình thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân; thiếu các chương trình hỗ trợ chuỗi sản xuất theo hướng giá trị gia tăng; chưa thực hiện việc chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi hiến đất làm đường NTM…
TẬP TRUNG CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO THU NHẬP CHO NGƯỜI DÂN
Cử tri Vũ Minh Láng (ấp Tân Lễ A, xã Châu Pha, huyện Tân Thành) phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Tóc Tiên. |
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là mục tiêu cốt lõi trong NTM của BR-VT. Tuy nhiên trên thực tế, các địa phương vẫn gặp không ít khó khăn trong triển khai các giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập để đạt tiêu chí số 10 về thu nhập. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 20/45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM hiện nay khoảng 39,9 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với giai đoạn trước xây dựng NTM. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2016, theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ tiêu về mức thu nhập của người dân ở xã NTM (tiêu chí số 10) là 45 triệu đồng/người/năm.
Theo bà Lê Thị Thanh Hiếu, cán bộ xã Xà Bang, huyện Châu Đức, đây là tiêu chí khá cao vì phần đa các xã xây dựng NTM là xã thuần nông, hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết và thị trường. Trong khi đó, việc chuyển đổi ngành nghề ở vùng nông thôn cũng chưa có hiệu quả. Thực tế từ các xã thực hiện chương trình NTM thời gian qua cho thấy, không phải địa phương nào cũng tìm được hướng đi phù hợp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong ảnh: Người dân xã Quảng Thành (huyện Châu Đức) trao đổi kinh nghiệm trồng tiêu theo chuẩn GlobalGAP. |
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết, để để nâng cao thu nhập cho người dân các xã NTM, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng là chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KH-KT, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, phát triển dịch vụ thương mại. Mỗi xã xác định một sản phẩm chủ lực để triển khai Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm”. Cụ thể, xã Long Phước có sản phẩm bánh tráng; xã Tân Hưng có rau an toàn; xã Hòa Long có thương hiệu rượu Hòa Long… Tuy nhiên, theo ông Hoàng, sản xuất nông nghiệp của người dân hiện nay vẫn phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường. Việc áp dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, cơ cấu kinh tế chưa có sự chuyển dịch đáng kể… Vì vậy, thu nhập của nông dân mặc dù tăng nhưng chưa cao, thiếu bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh BR-VT nhấn mạnh, trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, các địa phương cần phải xác định mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề cốt lõi. Từ đó, cần có các giải pháp để giúp người dân về vốn, phương thức sản xuất (theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm VSATTP), hình thành các chuỗi giá trị gia tăng giúp dân tiêu thụ sản phẩm... Những vướng mắc về đất đai, môi trường, cửa biển bồi lấp… cần phải được giải quyết sớm để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 20/45 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Trong giai đoạn 2018-2020, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tỉnh BR-VT đặt mục tiêu: Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến năm 2020, có thêm 14 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trên toàn tỉnh lên thành 37 xã; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn; xây dựng nhiều mô hình sản xuất gắn với tạo việc làm ổn định cho người dân; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người tại các xã xây dựng NTM đạt 59 triệu đồng/người/năm trở lên vào năm 2020. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã