Từ câu chuyện "làng văn hóa"...
Vùng quê Yên Lạc giờ đây không chỉ là những cánh đồng lúa, triền dâu xanh mầu trù phú và trong câu chuyện của người dân nơi đây cũng không còn gói gọn trong những vấn đề về đồng bãi. Những chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sự năng động trong sản xuất, kinh doanh, tiếp cận cái mới, cái tiến bộ đã đưa một huyện thuần nông phát triển theo nhiều hướng kinh tế, chú trọng về dịch vụ. Yên Lạc luôn luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của tỉnh và đã làm là làm thực chất, đến nơi, đến chốn, làm một cách hiệu quả nhất. Có lẽ đó cũng là khí chất của con người nơi đây, cái khí chất đặc biệt của những người nông dân hay lam, hay làm, "lấm lem" trăn trở, đau đáu để tìm cho mình hướng đi đúng đắn, vun đắp nền tảng cơ sở cho các thế hệ tiếp nối xây dựng quê hương giàu đẹp.
Cũng không có gì lạ khi Yên Lạc là huyện tiêu biểu trong phong trào xây dựng làng văn hóa trước đây và trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay, rồi lại được tỉnh Vĩnh Phúc chọn là huyện điểm trong xây dựng nông thôn mới. Nằm ở vị trí trung tâm của vùng văn minh lúa nước sông Hồng, Yên Lạc có những lợi thế trong phát triển khi tiếp giáp với các vùng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, là động lực phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc như TP Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên... đồng thời có vị trí liền kề Hà Nội và hệ thống giao thông trung chuyển giữa các địa phương vùng Tây Bắc với Thủ đô. Vị trí này tạo cho Yên Lạc lợi thế phát triển những sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh nhằm thu hút khách du lịch từ thị trường Hà Nội rộng lớn.
Đề cập những thế mạnh và thành tựu của huyện nhà trong những năm qua, Bí thư Huyện ủy Yên Lạc Đỗ Đình Việt cho biết: Tuy có ưu thế tự nhiên và vị trí thì thuận lợi, nhưng yếu tố văn hóa, con người vẫn là nền tảng quyết định mọi sự thành công của các chương trình, kế hoạch dù là ngắn hạn hay lâu dài. Để có được những đánh giá toàn diện, nắm bắt được rõ ràng phương hướng phát triển của vùng quê này, phải có cách nhìn thấu suốt về cả không gian cũng như chiều dài lịch sử, văn hóa. Là một vùng đất cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Yên Lạc hiện có 16 xã, một thị trấn với 83 làng nghề truyền thống được chia làm 146 thôn và 16 khu phố, dân số 150 nghìn người, mật độ dân số 1.360 người/km2. Với bề dày lịch sử, vùng đất này cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, tiêu biểu là di tích khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng chứa đựng cả bốn tầng văn hóa từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn, có đền Bắc Cung nơi thờ Đức Thánh Tản Viên, thu hút đông đảo du khách, người hành hương. Hiện, trên toàn địa bàn huyện có khoảng 237 di tích lịch sử văn hóa trong đó có 89 di tích đã được xếp hạng. Hệ thống phong phú những di tích là minh chứng cho một vùng đất văn hiến, thể hiện qua truyền thống hiếu học khi ngay từ thế kỷ 13, nơi đây đã hun đúc nên danh nhân văn hóa Trạng Nguyên Phạm Công Bình và sau đó là 22 vị khoa bảng được lưu danh trong văn bia sử sách. Anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng chống giặc ngoại xâm, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng đời sống mới, Yên Lạc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Huân chương Lao động hạng nhất trong thời kỳ đổi mới.
Nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong sự phát triển, cùng với việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Đảng bộ và chính quyền huyện Yên Lạc luôn quan tâm chăm lo và phát triển sự nghiệp văn hóa. Ngay sau khi huyện được tái lập từ tháng 1-1996, huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án liên quan đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Nội dung của các nghị quyết cũng như các đề án, kế hoạch đã bao hàm đầy đủ các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đơn vị văn hóa và thể hiện rõ năm mục tiêu được cụ thể hóa bằng bảy phong trào thi đua yêu nước. Cũng từ việc triển khai sâu rộng đến từng thôn, làng, từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phong trào xây dựng làng văn hóa đã được mọi nhà, mọi người đồng tình hưởng ứng và tự giác thực hiện đạt kết quả cao. Tất cả các thôn trên địa bàn huyện đều có hương ước, quy ước làng văn hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được nhân dân đồng thuận và thực hiện tốt. Hơn 90% số hộ gia đình ở Yên Lạc có đời sống kinh tế ổn định, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Hầu hết đường làng, ngõ xóm được lát gạch, đổ bê-tông. Các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, y tế, giáo dục được trang bị theo hướng hiện đại từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Theo các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Yên Lạc, thành tựu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở còn thể hiện sự phát triển của kinh tế địa phương bởi kinh tế có đi lên thì Nhà nước và nhân dân mới có điều kiện để đầu tư cho các thiết chế văn hóa - thể thao. Yên Lạc là huyện đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc hoàn thành việc xóa nhà tạm, dột nát từ năm 2008. Có 7 trong số 17 xã, thị trấn trong huyện hiện đã quy hoạch đủ đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao theo tiêu chí nông thôn mới với tổng diện tích 635.300 m2, bình quân đạt 4,2 m2/người vượt so với quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 1,2 m2/người. Toàn huyện có 12 trong số 17 trung tâm văn hóa xã trong đó ba trung tâm đã đạt tiêu chí nông thôn mới. Các thôn trong huyện đều có sân thể thao, nhiều làng có năm, sáu sân cầu lông, bóng chuyền, nhiều hộ gia đình có sân cầu lông và bàn chơi bóng bàn. Cơ sở vật chất hiện có đã góp phần quan trọng duy trì hoạt động có nền nếp của nhiều câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ và thể thao trên địa bàn huyện. Mỗi năm huyện thường xuyên tổ chức từ 12 đến 15 giải văn nghệ thể dục thể thao và bốn năm một lần lại tổ chức đại hội thể dục - thể thao các cấp với hàng nghìn lượt vận động viên tham gia.
Câu chuyện về xây dựng nông thôn mới của Yên Lạc còn nhiều, song điều dễ nhận thấy là: Từ các phong trào, các cuộc vận động xây dựng làng văn hóa và đời sống văn hóa ở cơ sở ở nơi đây mà các phong trào thi đua yêu nước đã được phát động, nhiều cơ chế chính sách đã được thực hiện có hiệu quả, nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế và từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Bản sắc văn hóa dân tộc của quê hương được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, từng bước đáp ứng kịp với tiến trình phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Nhiều năm liên tục huyện Yên Lạc là đơn vị đi đầu của tỉnh trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa - làng văn hóa - đơn vị văn hóa, khu dân cư tiên tiến và được nhiều cấp khen thưởng.
... Đến xây dựng nông thôn mới
Về Yên Lạc những ngày này, gặp gỡ các đồng chí cán bộ ở cơ sở và nhân dân, bao giờ cũng vậy đều trở về với những câu chuyện xây dựng nông thôn mới. Trong những câu chuyện có cả sự hồ hởi và háo hức xen lẫn những băn khoăn, trăn trở trước các tiêu chí đặt ra, nhưng tựu trung lại đều thống nhất một định hướng quyết tâm "về đích". Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là sự tiếp nối, phát huy ở một tầng cao hơn, toàn diện hơn của chương trình làng văn hóa cách đây hơn 15 năm đã tạo nên một Yên Lạc hôm nay ở vị thế tiên phong khi được tỉnh Vĩnh Phúc chọn là huyện điểm trong triển khai xây dựng nông thôn mới, một chương trình nằm trong chiến lược quốc gia. Mục tiêu cụ thể, không xa vời, trừu tượng và xác định được về một kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, gắn nông nghiệp với sự phát triển của công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch và một xã hội ổn định, dân trí được nâng cao, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, có môi trường sinh thái được bảo vệ và hệ thống chính trị vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Mặc dù đã có nền tảng nhưng Yên Lạc có một khó khăn là đất chật người đông khi diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người ở Yên Lạc rất thấp so với các địa phương. Cũng vì vậy mà chương trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Lạc không chỉ dừng lại ở lối tư duy khai thác đồng bãi, chân chỉ với hạt lúa, củ khoai mà phải mở hướng đến những mô hình kinh tế khác, phải hội nhập một cách nhanh nhất với kinh tế thị trường. Từ cơ cấu nông nghiệp của một vùng đất thuần nông, nông thôn Yên Lạc đã có nhiều khởi sắc khi thực hiện mạnh mẽ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu dịch vụ và các ngành kinh tế. Cũng từ đó, những tên gọi mô hình kinh tế gắn với đất làng, tên xã đã hình thành, trở nên quen thuộc trong cách gọi của người dân và trên báo chí như: Minh Tân - Phố làng, Nguồn sáng thôn Đanh, Đất lúa Anh hùng, Khu công nghiệp Tề Lỗ, năng động Nguyệt Đức, khoáng đạt Liên Châu...
Quyết tâm và định hướng thông suốt từ cấp lãnh đạo huyện đến từng chi bộ thôn đã thúc đẩy chương trình đi vào cuộc sống với mô hình nông thôn mới phù hợp điều kiện thực tiễn của huyện. Chưa đầy bốn năm qua, Yên Lạc đã huy động được 4.546 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; trong đó vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là 3.536 tỷ đồng, vốn phát triển sản xuất và các hoạt động khác là 1.010 tỷ đồng. Nguồn vốn dồi dào này đã nhanh chóng được đầu tư vào các hạng mục cụ thể, như điện, đường, trường, trạm... nhằm từng bước hoàn thiện bộ 19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, Yên Lạc đã có 100% số đường giao thông liên thôn, xã được bê-tông hóa theo tiêu chuẩn Bộ Giao thông vận tải, hơn 90% số trường học đạt chuẩn (trong đó có 8 trong số 16 xã có hệ thống trường đạt 100% theo tiêu chí quốc gia), tất cả 16 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 90% số thôn, làng, gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình, thôn, làng văn hóa...
Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Trần Gia Bằng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, thu nhập bình quân của người dân đã tăng lên rất nhiều so với trước khi xây dựng nông thôn mới. Huyện đang phấn đấu đến hết năm 2015 giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt 76,7 triệu đồng/người/năm. Huyện Yên Lạc cũng đã chủ động trong việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để chuyển dần sang mô hình canh tác tập trung. Rồi đến chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng để nâng tỷ lệ cây thương phẩm thế chân trên đất lúa kém hiệu quả, áp dụng công nghệ khoa học... Con số giá trị bình quân đạt 113,6 triệu đồng/ha canh tác đã cho thấy hiệu quả của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp.
Bức tranh nông thôn ở Yên Lạc đầy tươi mới đang dần được định hình trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Tính đến thời điểm hiện tại, Yên Lạc đã có khoảng ba phần tư số xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới và đến hết năm 2015 sẽ trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể thấy, nền tảng đó là cả một quá trình lâu dài, từ những trăn trở tìm hướng đi, làm giàu trên đồng đất quê hương, từ những năm tháng lăn lộn gây dựng phong trào làng xã văn hóa để có được một xuất phát điểm cơ sở hạ tầng thuận lợi. Và sâu xa hơn, đó là những cấu trúc cộng đồng mới, tiếp nối từ truyền thống qua thời gian, thử thách, giờ đã trở thành những giá trị văn hóa sống, ứng xử, liên kết cộng đồng trên con đường đi đến một tương lai tươi sáng của Yên Lạc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã