Nhân rộng cách làm hay
Vào cuộc xây dựng nông thôn mới, huyện Phú Ninh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nâng cao kiến thức tuyên truyền cho ban chỉ đạo các xã về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với hơn 5.000 lượt người tham gia. Sau hơn 2 năm triển khai, Tam An, Tam Đàn, Tam Thái, Tam Dân và Tam Thành được chọn làm điểm để xây dựng xã nông thôn mới, hạ tầng được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện, chất lượng hệ thống chính trị từng bước được củng cố, nâng cao. Đến nay, ngoài xã Tam Phước được Trung ương chọn xây dựng xã nông thôn mới đạt 18/19 tiêu chí, 5 xã được Phú Ninh chọn phấn đấu trong năm 2013 đạt từ 13 - 15 tiêu chí; các tiêu chí còn lại tập trung chỉ đạo thực hiện để đạt từ 50 - 70% để đảm bảo đến năm 2015 các xã nói trên đạt xã nông thôn mới.
Nhân dân thôn Phú Bình, xã Tam Vinh, Phú Ninh đồng lòng ra quân làm bê tông nội đồng để dồn điền đổi thửa. Ảnh: X.N |
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã trong huyện đã bê tông hóa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Đến nay tỷ lệ bê tông hóa giao thông nông thôn đạt 73,85% (209/283km) tăng 28.35% so với năm 2010; tỷ lệ cứng hóa, bê tông hóa giao thông nội đồng đạt 24,6% (59/240km), tăng 19,1% so với năm 2010; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương loại III do xã quản lý đạt 33,5% (với 100,8/301km), tăng 18,9% so với năm 2010.
Với cách làm sáng tạo, huyện Phú Ninh đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động, huy động tối đa lực lượng tham gia lao động. Có ngày, nhiều xã huy động được từ 80 - 100 lao động tham gia thi công các tuyến đường. Ngoài ra, lực lượng cán bộ, công chức các xã Tam An, Tam Đàn, Tam Thành… gương mẫu bám khu dân cư tham gia công tác dồn điền đổi thửa, làm giao thông nông thôn, nội đồng, bê tông hóa kênh mương được người dân đồng tình. Hiện nay, nhiều địa phương dẫn đầu về thực hiện tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn. Qua đó, cho thấy sự cố gắng, tích cực vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng từ gốc
Tại các xã Tam Thành, Tam An, Tam Đại… dù điều kiện kinh tế của nhiều hộ dân còn khó khăn, nhưng khi triển khai xây dựng đường giao thông nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân đều đồng lòng, hiến đất để làm đường. Riêng xã Tam Đàn có 9 thôn, với hơn 2.400 hộ, 9.754 nhân khẩu trong đó có một số thôn dân cư sống rải rác, nhưng các trục đường liên xã đã được huyện đầu tư nhựa hóa và bê tông đạt 100%; đường trục thôn xóm được bê tông và cứng hóa đạt 93%. Chủ tịch UBND xã Tam Dân Võ Văn Nam chia sẻ: “Phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận của người dân là một yếu tố cơ bản cho sự thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Tam Dân. Sự gương mẫu của cán bộ đảng viên đã có sức lan tỏa mạnh, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến một phần đất ở, sân vườn, đất sản xuất để tuyến đường đạt tiêu chuẩn. Đến năm 2012, xã Tam Dân đạt 9/19 tiêu chí; Tam Thái đạt 7/19 tiêu chí; Tam Lãnh đạt 6/19 tiêu chí; Tam Vinh đạt 5/19 tiêu chí; xã Tam Đại, Tam Lộc cùng đạt 4/19 tiêu chí”.
Theo đánh giá của huyện Phú Ninh, qua 2 năm triển khai xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở đã có sự tập trung, đúng trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực; nhận thức trong cán bộ, đảng viên, nhân dân từng bước được nâng lên. Các tiêu chí nông thôn mới thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Các hình thức tổ chức sản xuất được củng cố và hình thành bước đầu đã phát huy hiệu quả thể hiện được vai trò “bà đỡ” cho kinh tế hộ… Bên cạnh những mặt làm được, công tác quy hoạch nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế. Quy hoạch sản xuất ở một số địa phương tổ chức triển khai chậm so với yêu cầu đề ra. Một số mô hình sản xuất mới có hiệu quả chưa được nhân rộng; các hình thức tổ chức sản xuất chuyển biến chưa mạnh và chưa có sự đột phá trong cách thức tổ chức cũng như hoạt động. Kế hoạch phân bổ và công tác giải ngân, quyết toán nguồn vốn chương trình còn chậm so với yêu cầu…
Để chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả thiết thực hơn nữa, huyện Phú Ninh xác định cần chủ động lồng ghép các chương trình, lựa chọn những dự án ưu tiên, phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Như vậy, nguồn kinh phí để thực hiện chương trình sẽ có tính thực tiễn và hiệu quả hơn, người dân thể hiện vai trò nhiều hơn, với mục tiêu là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
XUÂN NGHĨA (baoquangnam.com.vn)