Xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ sự đồng thuận của người dân.
1. Tính đến nay, cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, (NTM) tăng 515 xã so với cuối năm 2015; dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có khoảng 25% số xã đạt chuẩn. Còn 300 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 26 xã so với đầu năm 2016. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,1 tiêu chí/xã. Cùng với đó, đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 9 đơn vị so với cuối năm 2015. Dự kiến đến hết năm 2016, cả nước sẽ có khoảng 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình NTM đạt 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước bố trí được 98.664 tỷ đồng, số vốn còn lại huy động được từ nhiều nguồn lực khác nhau, bao gồm từ người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng tham gia thực hiện chương trình. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016, cả nước huy động được 332.475 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 7.374 tỷ đồng, ngân sách địa phương 23.193 tỷ đồng và các nguồn vốn huy động khác.
Cùng với những con số đó là nhiều công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh đã được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Ở nhiều địa phương đồng ruộng được dồn đổi, chỉnh trang, xuất hiện những mô hình, phương thức sản xuất, chăn nuôi mới hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Đời sống người dân đổi thay từng ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn không ít những khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng NTM. Trong đó có thể kể đến một số khu vực nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và có sự chênh lệch về mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn; chất lượng hiệu quả xây dựng NTM ở các xã biên giới còn nhiều hạn chế, vấn đề an ninh biên giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Cùng với đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ về xây dựng NTM chưa sâu sắc, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước, chưa thực sự chủ động tham gia xây dựng NTM. Đồng thời, một số mục tiêu đã được các địa phương đề ra nhưng chưa có nguồn lực và nhiều giải pháp quyết liệt để thực hiện. Hiện nay, một số tiêu chí xây dựng NTM chưa thực sự phù hợp giữa các vùng, miền.
2. Đồng hành cùng với các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức thành viên luôn nỗ lực hết mình trong mọi công tác phối hợp vận động, tuyên truyền người dân tham gia, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới. Ở đâu khó có Mặt trận, đó là một câu nói mà khi về công tác tại một số tỉnh, thành tôi vẫn thường được nghe. Thực tế, quá trình xây dựng nông thôn mới phát sinh rất nhiều đầu việc, mà khó nhất có lẽ là tìm được sự đồng thuận của người dân, nhất là trong thực hiện tiêu chí thứ hai trong bộ tiêu chí quốc gia - Phát triển giao thông nông thôn. Ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa thu nhập của người dân còn thấp, thậm chí nhiều gia đình lo bữa ăn hàng ngày còn chật vật nên việc kêu gọi góp công, góp của, hiến đất để mở rộng những con đường là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào Nhà nước hay nhà nọ nhìn nhà kia thắc mắc tại sao cùng một con đường mà nhà phải hỗ trợ, nhà lại không?...
Lúc ấy, không ai khác những người cán bộ Mặt trận- những người gần dân, hiểu dân sẽ phải vào cuộc. Họ kiên trì, nhẫn nại và khéo léo giải thích. Họ gương mẫu vận động gia đình, người thân làm gương để bà con noi theo. Và trong triển khai thực hiện, luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch, người dân được bàn bạc thống nhất trước khi triển khai đề án và các nội dung công việc cụ thể tại địa phương. Phát huy vai trò làm chủ của người dân trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ việc lập kế hoạch, phê duyệt dự án, tổ chức thi công, giám sát, theo phương châm “Người dân phải được góp ý, phản biện và quyết định trong hầu hết các nội dung, công việc”.
Cùng với các tổ chức thành viên, MTTQ các cấp luôn tích cực đi đầu trong việc vận động nhân dân tham gia ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các ngành nghề, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế trang trại; chủ động hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án để giảm nghèo…
Bên cạnh việc vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, để hoàn thành tiêu chí môi trường, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã có nhiều cách làm hay để vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình như “Tiếng kẻng vệ sinh môi trường”, “Ánh sáng quê tôi”; “Đường làng ngõ xóm xanh, sạch đẹp”; “Thu gom, xử lý nước thải bằng bể lắng lọc ở các hộ gia đình trước khi xả thải ra nơi công cộng”…
Đặc biệt, những nơi có khó khăn, vướng mắc những người cán bộ Mặt trận luôn chủ động phối hợp với chính quyền, đoàn thể, tổ hòa giải làm tốt công tác tư tưởng, bảo đảm giữ ổn định ngay từ cơ sở để không xảy ra khiếu kiện, thắc mắc lớn tại địa phương.
Khi những con đường liên thôn, liên xã được mở rộng; những nhà văn hóa khang trang được xây dựng lên; kênh mương nội đồng cứng hóa dẫn nước tưới cho những cánh đồng rau màu xanh tốt…người dân lại nhớ nhiều đến những ông Mặt trận tận tụy, những người hết mình vì lợi ích cộng đồng, làng xã. Những người quanh năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà không một lời kêu ca, phàn nàn.
Chẳng thế, trong báo cáo thành tích xây dựng nông thôn mới của mình, tỉnh Vĩnh Long dành phần nhiều đề cập đến vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh một số tiêu chí NTM thuộc vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên đảm trách thực hiện, như các phong trào:“Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân”; “đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “giữ gìn phát huy văn hóa dân tộc”; “đoàn kết xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp”; “đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng, kéo giảm hộ nghèo, trợ giúp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị thiên tai, bệnh tật”;…
Hay như công tác giám sát hoạt động xây dựng NTM đã được tăng cường; ban Thanh tra nhân dân, ban Giám sát đầu tư cộng đồng phối hợp tốt việc giám sát thực hiện các dự án, công trình liên quan đến lợi ích của nhân dân. Có thể nói, MTTQ và các tổ chức thành viên góp phần quan trọng cho tỉnh đạt 23 xã NTM…
3. Thông qua các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương MTTQ và các tổ chức thành viên luôn nỗ lực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện đã có rất nhiều kinh nghiệm, cách làm hay để chia sẻ. Bà Đoàn Thị Nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Đồng Tháp cho biết, quá trình xây dựng nông thôn mới tỉnh đã đi khảo sát kinh nghiệm xây dựng NTM ở nhiều nơi như Bình Chánh, Củ Chi (TP.HCM), từ đó xác định rõ xây dựng NTM phải bắt đầu từ mỗi hộ gia đình, gắn với các cuộc vận động trên địa bàn, phát huy được nguồn lực trong dân. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhân lên những mô hình tốt, loại bỏ những cách làm không có lợi cho cộng đồng, tỉnh đã có nhiều mô hình đáng được biểu dương như quản lý người vi phạm pháp luật tại địa bàn dân cư, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, 3 hộ khá hỗ trợ một hộ nghèo, hộ gia đình cựu chiến binh không vi phạm pháp luật, xóm đạo bình yên….
“Thực tế cho thấy, ý thức người dân quyết định sự thành công của các cuộc vận động, xây dựng NTM. Làm sao để dân tham gia tự nguyện, ai cũng thấy mình có vai trò đóng góp cho thành công chung. Vai trò của Mặt trận là vận động để nhân dân tham gia tự nguyện, thấy được vai trò của mình. Như vậy sẽ thành công”, bà Nghiệp chia sẻ.
Hay như câu chuyện của ông Trần Lý Xuyên, Chủ tịch Mặt trận huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre khi chia sẻ rằng, quá trình xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt, đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của người dân với sự vận động không ngừng nghỉ của những người cán bộ Mặt trận.
Theo kinh nghiệm của ông, để cuộc vận động thành công cần bảo đảm công khai minh bạch khi thực hiện các dự án, công trình, thực sự phát huy quyền làm chủ của người dân, làm cho dân hiểu xây dựng NTM là vì lợi ích của dân, từ đó chủ động tham gia, không trông chờ nhà nước. Chính quyền phải chỉ đạo sát sao, có trách nhiệm. Cán bộ Mặt trận đi vận động phải có uy tín, gương mẫu để dân làm theo.
Theo Ngọc Hà/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã