Triển khai chương trình xây dựng NTM, trong năm đầu tiên (năm 2011) dù tổng mức đầu tư cho cả chương trình khá lớn, khoảng trên 1.500 tỷ đồng, nhưng các cấp, các ngành chưa chú trọng phát triển các mô hình sản xuất mà chỉ ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Bước sang năm 2012, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, tỉnh đã chuyển hướng đầu tư sang ưu tiêu cho phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, đời sống người nông dân.
Trang trại chăn nuôi lợn của một hộ dân xã Hải Đông, TP Móng Cái. |
Trong tổng mức đầu tư cho chương trình xây dựng NTM năm 2012, tỉnh chỉ đạo các địa phương phải dành 15% cho phát triển các mô hình sản xuất. Các địa phương đã phân bổ tổng nguồn vốn trên 97,5 tỷ đồng triển khai thực hiện các chương trình, dự án (trong đó vốn chương trình NTM là gần 72,5 tỷ đồng). Theo đánh giá của Ban Xây dựng NTM tỉnh, cơ bản các huyện đều thực hiện phân bổ đảm bảo 15% tổng nguồn vốn hỗ trợ. Một số địa phương còn lồng ghép, bổ sung từ nguồn vốn địa phương để thực hiện (Bình Liêu: 5,4 tỷ đồng, Cô Tô: 3 tỷ đồng, Móng Cái: 4,8 tỷ đồng, Ba Chẽ: 2,3 tỷ đồng). Bằng nguồn vốn này, các địa phương đã thực hiện được 255 mô hình, dự án phát triển sản xuất. Cụ thể, về trồng trọt có 112 mô hình, về chăn nuôi có 58 mô hình, về thuỷ sản có 43 mô hình, về lâm nghiệp có 2 mô hình, về cơ giới hoá nông nghiệp có 7 mô hình và 33 mô hình, dự án thuộc các lĩnh vực khác. Các mô hình phát triển sản xuất đã bám sát định hướng của ngành nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM và đáp ứng nhu cầu sản xuất của các địa phương. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả được nghiên cứu ứng dụng và nhân rộng góp phần giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Năm 2013: Chương trình xây dựng NTM tiếp tục ưu tiên nguồn lực tập trung cho sản xuất và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Ngoài vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hoá, xây dựng cơ chế hỗ trợ, BCĐ xây dựng NTM các địa phương phải chỉ đạo hoàn thành quy hoạch sản phẩm nông nghiệp theo tinh thần mỗi địa phương một sản phẩm, đồng thời chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá để nhân dân có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Tăng cường khuyến khích nhân dân tham gia học tập các mô hình sản xuất tiên tiến, đặc biệt là các mô hình tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Tổng kết mô hình sản xuất, triển khai mở rộng những mô hình tốt. (Kết luận số 03-KL/BCĐ-TU của BCĐ tỉnh) |
Trong chăn nuôi, nhiều địa phương đã mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển các giống vật nuôi mới như chồn nhung đen, dê địa phương, dũi sinh sản, tắc kè, dế mèn, lợn mường tại Tiên Yên, Hoành Bồ; mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng, mô hình nuôi chim trĩ tại huyện Ba Chẽ... Trong trồng trọt, các địa phương bên cạnh việc tập trung đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, đã chú trọng xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung có chất lượng cao, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu gắn liền với xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiêu biểu nhất là các dự án sản xuất rau an toàn tại TX Quảng Yên. Các mô hình nuôi thuỷ sản được triển khai đồng bộ trên 3 loại hình mặt nước, nuôi ngọt, nuôi lợ và nuôi biển với những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái, năng lực của người dân từng vùng. Tiêu biểu là các mô hình phát triển nuôi thâm canh, bán thâm canh cá rô phi đơn tính tại các vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Đông Triều; mô hình nuôi cua biển thương phẩm công nghiệp tại huyện Hải Hà, TP Móng Cái... Cùng với đó, nhiều mô hình khuyến lâm phát triển cây lâm sản ngoài gỗ được thực hiện và bước đầu được nhân rộng như mô hình trồng nấm linh chi tại huyện Ba Chẽ; mô hình phát triển cây ba kích, các loại nấm tại huyện Vân Đồn...Tuy nhiên, kết luận của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh (BCĐ tỉnh) về kết quả thực hiện năm 2012 chỉ ra rằng: Các địa phương chưa đánh giá đúng hiệu quả vốn đầu tư phát triển sản xuất; công tác đầu tư còn dàn trải. Nhiều địa phương đã chú trọng xây dựng các mô hình nhưng chưa tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân…
Mục tiêu mà tỉnh đã xác định là đến năm 2015 cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng NTM. BCĐ tỉnh cho rằng đây là nhiệm vụ khó khăn trong điều kiện các nguồn lực đầu tư hạn chế. Do đó, BCĐ xây dựng NTM các cấp và các sở, ngành, địa phương phải có biện pháp linh hoạt, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu. Trong phát triển sản xuất, BCĐ tỉnh yêu cầu phải tổng kết đánh giá cụ thể các mô hình để rút kinh nghiệm, tăng cường trao đổi kinh nghiệm nhân rộng mô hình; đầu tư hỗ trợ sản xuất xây dựng NTM và triển khai thực hiện đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, cần rà soát và hoàn thiện các chính sách phát triển sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế trên địa bàn nông thôn tiếp cận các nguồn tín dụng và được hưởng hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 2009/QĐ-UBND ngày 13-8-2012 của UBND tỉnh. Đặc biệt, cần tiến hành rà soát, đánh giá công tác chuyển hướng mục tiêu nguồn lực cho sản xuất năm 2012 để đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc thực hiện đầu tư sản xuất; hệ thống lại toàn bộ các chương trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, từ đó xác định phương án đầu tư cho hiệu quả.
Cụ thể hoá quan điểm chỉ đạo của tỉnh, UBND tỉnh đã quyết định dành 45% tổng mức đầu tư xây dựng NTM cho việc phát triển sản xuất, trong đó hỗ trợ 40% kinh phí thực hiện mô hình phát triển sản xuất quy mô lớn, vùng sản xuất tập trung, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng cho nhà đầu tư có dự án vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây sẽ là nguồn lực lớn để xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá nông sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đỗ Ngọc Hà (baoquangninh.com.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã