Tại Hội nghị Bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản diễn ra chiều ngày 3-6-2014 tại Hà Nội, các hiệp hội ngành hàng nông nghiệp cho rằng, nhà nước nên chung tay cùng doanh nghiệp và hãy “thương” doanh nghiệp hơn để các doanh nghiệp có thể vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.
Xuất khẩu nông sản tháng 5 giảm mạnh
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 12,1 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,5% so với năm trước. Nhưng riêng tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã giảm 18% so với cùng kỳ.
Trong nước, lúa đông xuân được mùa, chăn nuôi phục hồi, nuôi trồng thủy sản cũng đang rất sôi động. Đánh bắt trên biển, mặc dù có biếncố trên biển Đông, nhưng sản lượng thủy sản trên biển 5 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng. Trong khi đó, thị trường đang co hẹp và nếu không có biện pháp tháo gỡ thì giá sản phẩm nông sản sẽ giảm xuống trong thời gian tới.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, là do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, trong khi áp lực cạnh tranh cao; xu hướng các nước tăng cường áp dụng các rào cản thương mại và kỹ thuật đối với hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu… Bên cạnh đó, những hạn chế của ngành sản xuất và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản từ nhiều năm nay vẫn chưa được giải quyết như công tác quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng chưa nhất quán và đồng bộ; tỉ lệ sản phẩm nông sản, thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao để phục vụ xuất khẩu còn thấp, năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu…
Mặc dù tới thời điểm này, giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự cố Biển Đông, nhưng theo Bộ trưởng Hoàng, nếu căng thẳng giữa hai nước vẫn tiếp diễn và có chiều hướng xấu đi trong thời gian tới thì xuất khẩu nông sản sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, tác động xấu tới hàng triệu hộ nông dân.
Doanh nghiệp kêu khó
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho hay riêng đối với mặt hàng thủy sản thì tình hình xuất khẩu vẫn tốt, thậm chí 5 tháng đầu năm tăng gần 30% về kim ngạch so với năm ngoái nhưng sức khỏe của doanh nghiệp thủy sản lại “cực kỳ khó khăn”.
“Doanh nghiệp thủy sản đang đối diện rất nhiều khó khăn từ bên ngoài nhưng khó khăn bên trong thậm chí lớn hơn. Vì vậy đề nghị cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành văn bản cần thương doanh nghiệp hơn, đừng gây khó khăn nữa,” ông Dũng nói.
Ông Dũng lấy ví dụ, hiện nay thức ăn cá tra chiếm tới 80% giá thành sản xuất nhưng trong Nghị định về cá tra được xây dựng cách đây 2 năm và đã được sự góp ý nhiệt tình của các doanh nghiệp thủy sản thì lại không hề có một chữ nào liên quan đến quản lý thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, thức ăn cho cá tra đang bị thao túng bởi các tập đoàn đa quốc gia.
Hơn nữa, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cần phải kiểm soát cả chuỗi chứ ko chỉ sản phẩm cuối cùng. Hiện nay, cơ quan quản lý chỉ kiểm soát với tần suất lớn vào các sản phảm cuối cùng của con cá tra nhưng các khâu khác như dư lượng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…lại bị bỏ ngỏ.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng Hiệp hội Cao sư Việt Nam, cho hay ngành cao su là ngành có mức suy giảm kim ngạch xuất khẩu mạnh nhất 5 tháng đầu năm 2014. Xuất khẩu cao su cả nước đạt 239.000 tấn với kim ngạch đạt 472 triệu đô la Mỹ, giảm 20,5% về lượng và gần 40% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu cao su vẫn tiếp tục giảm 25,1% so với cùng kỳ và dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 giảm 25-30% so với năm ngoái.
Bà Hoa cho hay, xuất khẩu cao su giảm là do kinh tế thế giới suy thoái khiến nhu cầu tiêu thụ cao su cũng giảm theo, đặc biệt là thị trường Trung Quốc khi 4 tháng đầu năm xuất khẩu sang thị trường này đã giảm 37,7% về lượng và hơn 50% về kim ngạch.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su, bà Hoa kiến nghị nhà nước nên giảm thuế xuất khẩu cao su về 0% như các mặt hàng nông sản khác vì theo nhiều báo cáo thế giới cho thấy tình trạng cung vượt cầu cao su này còn kéo dài trong vài năm tới.
Các hiệp hội ngành hàng khác cũng kiến nghị về những phiền hà của việc hoàn thuế giá trị gia tăng, nhiều trường hợp nảy sinh gian lận thương mại trong việc kê khai để được hoàn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước; kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi….
Trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay chính sách đưa ra sẽ có những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chính sách đó sẽ bảo vệ được uy tín của các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới. Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
theo thesaigontimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã