Quy chuẩn cũ không còn phù hợp
Trên thực tế, Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất (QCVN 15:2008) đang bộc lộ một số điểm chưa phù hợp, vì thế đã dẫn tới việc xử lý các điểm có tồn dư POP hiện nay còn gặp nhiều trở ngại.
Cần hoàn thiện quy chuẩn về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật POP để xử lý ô nhiễm môi trường. |
Theo số liệu của Bộ TNMT, hiện cả nước có hơn 1.150 điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố, với khoảng 289 kho lưu giữ hóa chất. Trong đó, 8 kho ô nhiễm và 230 kho chưa xác định được mức độ ô nhiễm; 51 kho gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào quy định tiêu chuẩn mức ô nhiễm POP cho từng mục đích sử dụng đất. Những lần xử lý trước đây thường áp dụng ngưỡng chất thải nguy hại đối với các hóa chất POP để đánh giá mức độ ô nhiễm, dẫn đến lãng phí đất.
Ông Hoàng Thành Vĩnh- Phó Trưởng phòng Cải thiện môi trường (Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường) cho biết: “Với số lượng và mức độ ô nhiễm lớn như vậy, nếu chỉ xử lý các loại hóa chất tồn lưu trong kho, thì tương đối đơn giản. Tuy nhiên, khi xử lý đất nhiễm hóa chất POP lại phải áp dụng Quy chuẩn Việt Nam 15:2008 là 0,01ppm đối với đồng đều các loại đất thì chi phí là quá lớn, không có khả năng thực hiện”.
Cần xây dựng các ngưỡng linh hoạt
Theo kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới như New ZeaLand hay Hà Lan (cũng bị nhiễm POP trong đất như Việt Nam), khi xử lý đất nhiễm, họ chủ yếu tập trung xây dựng các giá trị ngưỡng linh hoạt tương ứng với từng mục đích sử dụng.
Do vậy, để đơn giản và hiệu quả hơn, Việt Nam cũng cần phân loại mục đích sử dụng để thiết lập các tiêu chuẩn tồn dư POP hợp lý, không nên chỉ dựa vào ngưỡng theo “Quy chuẩn chất thải nguy hại”. Mặt khác, cần đánh giá rủi ro tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng để tính toán mức độ (ngưỡng) xử lý đất ô nhiễm tồn lưu POP nhằm thiết lập một tiêu chuẩn và ngưỡng xử lý hợp lý.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta không nên phân chia thành quá nhiều loại đất. Chỉ nên phân ra 3 loại: Đất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), đất ở (đất đô thị, đất ở nông thôn, giải trí…) và đất công nghiệp để thiết lập các tiêu chuẩn POP khác nhau, mà không dựa vào ngưỡng chất thải nguy hại theo “Quy chuẩn chất thải nguy hại”. Đồng thời, cần lấy mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe của con người sống xung quanh khu vực có ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.
Thái Lai
danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã