Đã xử lý 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào triển khai được 1 năm. Tính đến hết 30/6/2018, hệ thống tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).
Theo thống kê ban đầu khi ban hành Nghị quyết 42 bao gồm nợ xấu nội, ngoại bảng, nợ bán VAMC, lúc đó có khoảng 565 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, con số 138,29 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 20% tổng số nợ xấu.
Đại diện NHNN cũng nhận định, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng được cải thiện trong hơn 1 năm qua. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 6/2018 là 2,09%, giảm so với con số 2,46% tại cuối năm 2016.
Cùng với đó, năng lực tài chính của các TCTD cũng được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Đến hết tháng 6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017 và tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ dồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.
Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc. Đó là khó khăn của TCTD về thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác trong việc bàn giao tài sản; một số cơ quan chức năng (UBND, cơ quan công an…) chưa phối hợp, tham gia hỗ trợ một cách tích cực để giải quyết khó khăn cho TCTD. Mặt khác, điều kiện tài sản bảo đảm được xử lý phải không là tài sản tranh chấp, trong khi hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là tài sản đang tranh chấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp là khác nhau, gây khó khăn khi xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.
Đồng tình với báo cáo của NHNN và ý kiến của đại diện các TCTD, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội. Cùng với việc sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 trở thành công cụ quan trọng trong tái cơ cấu hệ thống và xử lý nợ xấu.
Những số liệu tại hội nghị đã cho thấy “xử lý nợ xấu đã thực chất hơn” - Phó Thủ tướng nói và cho rằng, qua đó hệ thống ngân hàng đã được gia cố chắc chắn hơn nhìn từ tỷ lệ an toàn vốn tăng, dự trữ thanh khoản tốt, vốn điều lệ tăng, quy mô tài sản, hoạt động các ngân hàng tăng trưởng ấn tượng.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị |
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42
Để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, NHNN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện tái cơ cấu, năng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để hệ thống các TCTD xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao nhiệm vụ: NHNN tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 theo hướng tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu.
Cụ thể, phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020; Đến năm 2020 tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các NHTM;
Bên cạnh đó, xử lý và kiểm soát nợ xấu để đến năm 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD, nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống TCTD về mức an toàn theo thông lệ quốc tế.
“Tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định số 1058, trong đó xác định những giải pháp then chốt, hiệu quả, đúng pháp luật để xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra những rủi ro phát sinh trong quá trình cơ cấu lại, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cả ngân hàng, người đi vay và người gửi tiền”- Phó Thủ tướng lưu ý.
Quán triệt tới toàn ngành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Lê Minh Hưng Thống đốc NHNN khẳng định: Những kết quả đạt được trong thời gian qua đối với xử lý nợ xấu là rất tích cực. Nhìn lại quá trình từ khi triển khai xây dựng tới ban hành có thể thấy “chúng ta hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong một thời gian ngắn”, Thống đốc nói và cho rằng, trên cơ sở Nghị quyết 42 và Luật các TCTD, NHNN đã ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn để đảm bảo tính minh bạch, tăng cường kiểm soát nội bộ, cải thiện môi trường kinh doanh cho hoạt động ngân hàng.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Lê Minh Hưng yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, các TCTD nắm vững các nội dung của Chỉ thị 07 mới ban hành và các văn bản, thông tư của NHNN để tích cực triển khai xử lý nợ xấu. “Các chi nhánh NHNN phải phối hợp với các sở, ban ngành địa phương, nhất là với hoạt động thu giữ tài sản trong xử lý nợ xấu. Nếu gặp vướng mắc, khó khăn gì phải báo cáo về trung ương để có giải pháp xử lý”, ông Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Thùy Linh- Lan Anh/http://congthuong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã