Học tập đạo đức HCM

Xuân về trên quê hương Đại tướng

Thứ sáu - 20/02/2015 21:46
Quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vừa trở thành 1 trong 11 xã đầu tiên của Quảng Bình đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là minh chứng cho sự phát triển giàu đẹp và vững chắc của địa phương, một món quà ý nghĩa mà những người con quê hương Lộc Thủy kính dâng lên Đại tướng.
 
Đường vào làng An Xá, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giờ đây đã có nhiều đổi thay. Ảnh: VGP/Minh Trang
Quê hương Lộc Thủy đi lên vững chắc

Theo những con đường bê tông dẫn vào xã Lộc Thủy, chúng tôi lần lượt ngang qua những cánh đồng mẫu lớn mơn mởn một màu xanh của lúa đương thì con gái, làng nghề chiếu An Xá hối hả không khí làm việc mùa Tết, hàng chục ngôi nhà cao tầng bề thế sáng màu vôi mới dọc bờ sông Kiến Giang hiền hòa. Tất cả tạo nên một bộ mặt tràn trề sức sống của vùng đất Lộc Thủy, nơi đã sản sinh ra bao người con ưu tú.

Từ vùng quê thuần nông, Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Thủy phát huy sức mạnh từ phong trào “Hai giỏi”, “gió Đại Phong” và quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để từng bước đi lên vững chắc. Lộc Thủy là điểm sáng của Quảng Bình trong xây dựng nông thôn mới.

Khi nói đến bí quyết của địa phương, ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho hay, Lộc Thủy đã phát huy được vai trò tích cực của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Chỉ sau thời gian ngắn phát động, Lộc Thủy đã hoàn thành hơn 10 km đường giao thông, trong đó nhân dân đóng góp trên 2,5 tỷ đồng. Trong tổng số nguồn vốn đã thực hiện để đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 87 tỷ đồng thì nguồn huy động sức dân lên tới 11,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, toàn xã có gần 15 km đường giao thông nội đồng (chiếm gần 75%) đạt chuẩn, trong đó có 6 km đã được bê tông hóa. Đây cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện bê tông hóa giao thông nội đồng. Cơ sở hạ tầng được đảm bảo, bà con nông dân thuận tiện hơn trong việc sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã tìm về Lộc Thủy để ký kết với nông dân thực hiện cánh đồng lớn.

“Xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn của xã, các cấp chính quyền đã có sự đầu tư chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng các mô hình hợp lý nên đã tạo chuyển biến rõ rệt”, Chủ tịch UBND xã Dương Công Nhân cho biết thêm.

Thời gian qua, xã đã đầu tư 3 máy gặt đập liên hợp, 21 máy tuốt lúa và 17 máy cày, từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp-nông thôn, tăng cường đầu tư thâm canh, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá. Nông dân trong xã cũng đã áp dụng mô hình sản xuất lúa-cá, lúa-cá-vịt đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Trong vụ sản xuất 2013-2014, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp An Xá được dự án hỗ trợ triển khai mô hình thâm canh lúa cải tiến theo mô hình SRI với diện tích 50 ha, năng suất vụ Đông Xuân và tái sinh đạt trên 10,7 tấn/ha. Tổng sản lượng toàn xã cả năm đạt hơn 5.800 tấn, tăng gần 300 tấn so với năm 2011.

Thêm nữa, tình hình thời tiết năm 2014 vừa qua lại diễn biến rất thuận lợi đối với cây trồng và vật nuôi nên lúa phát triển tốt, được mùa cả vụ Đông Xuân lẫn tái sinh, năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Năng suất lúa vụ Đông Xuân đạt 71 tạ/ha, sản lượng đạt 3.897 tấn, vụ Tái sinh 549 ha, năng suất đạt 36 tạ/ha, sản lượng đạt 1.976,4 tấn. Tổng sản lượng lúa cả năm đạt 5.874,3 tấn, tăng 549 tấn so với cùng kỳ năm 2013.

“Ngoài sản xuất nông nghiệp là chính, xã đã triển khai thêm một số mô hình sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp ngành nghề nông thôn. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, từng bước được nhân rộng, giải quyết việc làm thường xuyên, tạo thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ thế, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Toàn xã có gần 1.250 hộ dân, phần lớn đều nằm ở diện khá giả. Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,8% thì đến hết năm 2014 đã giảm xuống còn 3,3%”, ông Dương Công Nhân nói.

Hồi sinh làng nghề truyền thống

Tìm về HTX làng nghề chiếu cói An Xá vào những ngày cận Tết, chúng tôi chứng kiến một không khí hối hả của những người thợ chuẩn bị sản phẩm cho dịp Tết.

Vừa chuyện trò vừa thoăn thoắt tay đan những sợi cói bằng máy, chị Bùi Thị Nga (xóm 3, thôn An Xá) cho hay, gia đình chị đã gắn bó với nghể đan chiếu từ bao đời nay. Nghề chiếu cói xuất hiện tại làng An Xá hàng trăm năm, cũng có lúc làng nghề gặp nhiều trắc trở vì nhu cầu xã hội thay đổi, nhưng 5 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, làng nghề đã hồi sinh và có chỗ đứng vững trên thị trường.

Xác định nghề chiếu cói là khâu đột phá trong hướng giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, lãnh đạo xã Lộc Thủy, thôn An Xá đã quan tâm đến việc khôi phục, phát triển làng nghề chiếu cói.

Từ năm 2010, HTX làng nghề chiếu cói An Xá thành lập và đến nay được hỗ trợ đầu tư mua 5 máy dệt chiếu công nghiệp bán tự động với giá trị trên 300 triệu đồng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Với việc áp dụng công nghệ mới, HTX đã góp phần rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như thay đổi đáng kể về chất lượng, sợi cói trở nên mịn, dày và bền đẹp hơn. Sau khi dệt xong sẽ tiếp tục công đoạn may viền chiếu với các loại vải phù hợp, tạo mẫu mã đẹp và độ bền cho sản phẩm. Giá bình quân cho sản phẩm chiếu 1,6m là 100.000 đồng/chiếc. Sản phẩm có đủ khả năng cạnh tranh về giá cả, mẫu mã cũng như chất lượng so với các sản phẩm chiếu khác.

Theo ông Trần Hữu Trung, đại diện một hộ tham gia HTX, tính đến nay, làng An Xá có hơn 100 hộ tham gia nghề sản xuất chiếu cói, thu nhập mỗi hộ từ 5-7 triệu đồng/tháng, đầu ra giờ đã ổn định, mỗi tháng xuất được khoảng 800-1.000 chiếc. Địa phương cũng đã mở rộng diện tích trồng cói từ 4 ha lên 10 ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho HTX làng nghề chiếu cói An Xá.

Nghề chiếu cói dần được khởi sắc đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 xã viên và hàng trăm lao động nông nhàn tại địa phương. Trung bình, HTX tiêu thụ hơn 12.000 đôi chiếu/năm, thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Ngoài ra, những diện tích ruộng sản xuất lúa, hoa màu kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi thành vùng nguyên liệu cói. Doanh thu năm 2014 của làng nghề ước đạt 900 triệu đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013.

Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện mong mỏi nhân dân Lộc Thủy duy trì và phát triển làng nghề chiếu cói An Xá, giờ đây những người con trên mảnh đất quê hương đã thực hiện đúng như di nguyện của Người. Đây thực sự là những nén hương bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân của Đảng bộ và nhân dân xã Lộc Thủy kính dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng lừng danh thế giới, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình nói chung và Lệ Thủy nói riêng.

Minh Trang 
Theo baodientu.chinhphu.vn 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập243
  • Hôm nay76,710
  • Tháng hiện tại781,823
  • Tổng lượt truy cập90,845,216
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây