Chưa tạo được niềm tin
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến YTCS cho thấy, năm 2018 cả nước có hơn 12.000 trạm y tế (TYT) xã, nhưng mới chỉ có 9.821 TYT xã thực hiện KCB BHYT với số thẻ BHYT đăng ký ban đầu là 21,5 triệu. Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh đánh giá, nhờ có mạng lưới YTCS rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai thuận lợi; người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng nhiều hơn dịch vụ KCB BHYT tại tuyến YTCS.
Tuy nhiên, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm từ năm 2015 đến nay. Cụ thể, năm 2014, tỷ trọng số lượt KCB tại tuyến xã chiếm khoảng 28,3% trong tổng số lượt KCB BHYT, thì năm 2015, 2016, 2017 con số này lần lượt là 26%, 21,9% và 19,9%. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 chỉ chiếm 18,5%. Ngược lại, tỷ trọng số lượt KCB BHYT tại tuyến huyện trong tổng số lượt KCB BHYT lại gia tăng mạnh (giai đoạn 2010-2014: 42,8%; 2015: 43,2%; 2016: 48,5%; 2017: 51.4%; ước 6 tháng đầu năm 2018: 52,2%).
Những con số trên cho thấy, người dân không ưu tiên, lựa chọn TYT xã là nơi chăm sóc sức khỏe, KCB BHYT ban đầu. Nguyên nhân, theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) - do hầu hết các TYT đều thiếu trang thiết bị (chỉ khoảng 25,9% trạm có đủ trang thiết bị theo yêu cầu); thiếu các thuốc trong danh mục kể cả các thuốc điều trị mạn tính, thông thường; kinh phí và nguồn thu ít; nhân lực hạn chế… Đặc biệt, do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015 theo quy định của Luật BHYT năm 2014 nên người bệnh chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến TYT xã.
Xây dựng nguồn tài chính linh hoạt
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, kinh phí KCB hiện nay cho YTCS chỉ bằng 10-20% Quỹ KCB BHYT, nếu lượng người đến khám đông thì khó đáp ứng được. Do đó, cần có cơ chế tài chính linh hoạt, phù hợp với từng TYT xã theo năng lực cung cấp dịch vụ, số lượng người bệnh. Đồng thời sẽ hạn chế người bệnh lựa chọn các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương để KCB các bệnh thông thường; tăng kiểm tra, giám sát KCB BHYT tại YTCS về sử dụng Quỹ KCB BHYT và xử lý nghiêm tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ.
Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới, để tăng cường KCB BHYT tại tuyến YTCS, nhất là khắc phục những bất cập hiện nay, Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế toàn diện, phát triển cả về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho hệ thống y tế này. Cụ thể: Đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT tại TYT tuyến xã; ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã để đáp ứng nhu cầu và chất lượng KCB của nhân dân; đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của TYT xã theo mô hình chuẩn, đáp ứng được đầy đủ chức năng, các nhiệm vụ của TYT xã.
Bộ Y tế đang chọn 26 TYT tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Yên Bái, Hà Tĩnh... để làm mô hình thí điểm tăng cường năng lực YTCS. Trong đo, mỗi lãnh đạo Bộ Y tế trực tiếp quản lý 5 - 6 trạm để làm thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng.
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% TYT dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. |
Hoa Quỳnh/http://congthuong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã