Sản xuất ván ép tại Công ty cổ phần Yên Thành, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. |
Từ khơi nguồn sức dân
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ. Cũng trong thời gian này, tỉnh đã huy động trên 4.179 tỷ đồng cho XDNTM, đầu tư xây dựng trên 300 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt kiên cố hóa mặt đường bê tông xi măng với tổng chiều dài 454 km và mở mới nền đường 868,5 km. Trong đó, vốn nhân dân đóng góp 562 tỷ đồng - một con số không phải là nhỏ đối với tỉnh nghèo như Yên Bái.
Từ đây, đã xuất hiện hàng ngàn gương sáng trong nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa mà không nhận một đồng tiền đền bù nào. Điển hình như gia đình ông Triệu Điện ở xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên. Khi biết con đường đi qua đất vườn của gia đình, ông đã không hề do dự tự nguyện hiến trên 300 m2 đất, chặt bỏ nhiều cây cối, hoa màu mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Rõ ràng, khi mà "tấc đất" được coi như "tấc vàng" hiện nay thì nghĩa cử cao đẹp này càng thể hiện quyết tâm cũng như sự chung sức đồng lòng của nhân dân đối với việc XDNTM.
Đặc biệt, trong điều kiện đời sống của nhân dân còn khó khăn, nhiều địa phương đã có những tính toán "khoan thư sức dân". Việc khơi nguồn sức dân ở đây không chỉ dừng lại ở các khoản đóng góp mà còn là sự tham gia, bàn bạc, kiểm tra trong quá trình thực hiện XDNTM. Đó còn là sự tích cực trong việc làm sạch nhà cửa, thôn xóm, sinh hoạt hợp vệ sinh…
Nhờ đó, mỗi khi chủ trương, giải pháp nào được đưa ra, dân đều đồng tình, ủng hộ, quyết tâm cao. Theo bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, kinh nghiệm của xã chính là huy động sức dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vì thế, trong tất cả mọi công tác, từ làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, xã đều thông qua dân, lấy ý kiến của dân, dân quyết mới làm. Quan trọng hơn, Việt Thành chú trọng phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng cây lâm nghiệp, trồng lúa chất lượng cao... Nhờ đó, nông dân nâng cao thu nhập ổn định. Đây là tiền đề để Việt Thành phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong XDNTM.
Qua đây, có thể thấy rằng, khơi nguồn sức dân ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nội dung, Chương trình XDNTM, các cấp, ngành cần vận động người dân tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch XDNTM; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương; tích cực, sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hoá - xã hội, môi trường và sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, để nông dân có điều kiện tham gia chung sức XDNTM, cần mở rộng các hình thức đào tạo nghề thông qua hệ thống khuyến nông, các tổ chức dạy nghề của các đoàn thể; hỗ trợ các cộng đồng nông thôn xây dựng chương trình dạy nghề và cung cấp thông tin cho lao động nông thôn.
Để từ đó, nông dân có kiến thức, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thêm thu nhập. Muốn làm được điều này, các địa phương cần tích cực phối hợp với các ban, ngành thực hiện lồng ghép các chương trình xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khuyến nông, phòng chống thiên tai và dịch bệnh, phòng rủi ro trong sản xuất cho nông dân. Thông qua đó, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao…
Đến thu hút doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, nơi nào có sự đầu tư của doanh nghiệp, doanh nghiệp và nông dân liên kết sản xuất thì nơi đó kinh tế có sự chuyển biến tích cực, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể. Minh chứng rõ nhất là tại vùng quế Văn Yên. Với khoảng 23 nghìn héc-ta, cây quế là một trong những cây trồng kinh tế chủ lực của huyện. Tuy nhiên, phải đến khi có sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến tinh dầu quế, giá trị của loại cây này mới được nâng lên. Từ thân, cành, lá đều được tận dụng triệt để, mỗi năm, nông dân Văn Yên thu về hàng trăm tỷ đồng từ quế, đời sống kinh tế, văn hóa không ngừng được nâng lên.
Ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Văn Yên chia sẻ: "Những năm qua, Văn Yên đã thực thi nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp mặt bằng sạch và tạo nguồn lao động dồi dào. Chính vì thế, huyện đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến trong lĩnh vực tinh dầu quế, tinh bột sắn và gỗ rừng trồng... đến đầu tư trên địa bàn".
Ngoài ra, tại huyện Trấn Yên, nhờ sự vào cuộc của doanh nghiệp, vùng măng Bát độ đã không ngừng được mở rộng. Cây măng trở thành cây xóa nghèo, làm giàu của hàng nghìn hộ dân. Qua tìm hiểu, thành công của Văn Yên, Trấn Yên là do địa phương đã chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, bền vững, có giá trị cao. Từ đó, huyện đưa ra các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và bắt tay bền chặt với nông dân.
Quan trọng hơn, để các doanh nghiệp đến và cùng gánh vác trách nhiệm với nhân dân trong XDNTM, các địa phương đã tập trung quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; thí điểm và hoàn thiện các mô hình cung ứng vật tư, dịch vụ nông nghiệp gắn kết với phát triển sản xuất, trong đó chú trọng tại cấp thôn, hộ gia đình; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu, điều kiện cụ thể và lợi thế sản xuất của từng địa phương.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, trong hơn 4 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được trên 78,914 tỷ đồng từ các doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ XDNTM. Đặc biệt, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đời sống kinh tế, xã hội tại các địa phương đã có chuyển biến rõ nét, thu nhập được nâng cao, ổn định. Từ đó, nhiều xã đã có điều kiện huy động người dân, tổ chức, doanh nghiệp chung sức XDNTM. Thành công tại những xã như: Báo Đáp, Tân Đồng, Việt Thành (Trấn Yên), Tuy Lộc, thành phố Yên Bái là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Sau gần 5 năm triển khai XDNTM, đến nay, Yên Bái đã có 5 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Gắn với thành công này, mỗi xã lại có những bước đi, cách làm linh động, sáng tạo trong XDNTM, đặc biệt là trong đa dạng hóa nguồn lực XDNTM. Vì vậy, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm từ những xã này, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và nhân dân trên địa bàn chung tay, chung sức XDNTM.
Đồng thời chủ động, linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn, như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia; vốn giảm nghèo, vốn phát triển giao thông nông thôn. Có như vậy, hiệu quả của các nguồn lực đầu tư mới được phát huy, NTM mới nhanh về "đích".
Theo Báo Yên Bái
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã