Cùng thời điểm, cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các ngân hàng tại TP.HCM diễn ra vào ngày 6.7.2012 do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn. Đa số doanh nghiệp kêu lãi suất vẫn cao.
Tăng trưởng tín dụng thấp là một nguyên nhân khiến tổng cầu suy giảm. Trong ảnh: nhiều nơi đầy ắp hàng hoá, vắng khách mua.Ảnh: Lê Quang Nhật |
Cho vay như… tiệm cầm đồ
Bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc công ty Tân Nhất Hương, đơn vị chuyên sản xuất kem làm bánh chủ yếu cho thị trường xuất khẩu, kể bà đã đến gặp quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp TP.HCM, nhưng bị từ chối với lý do không thuộc đối tượng được vay ưu đãi. “Thời gian qua các ngân hàng không khác những tiệm cầm đồ, khi cho vay chỉ dựa trên tài sản thế chấp là chính với mức lãi suất cao ngất ngưởng”, bà nói.
Lãnh đạo công ty TNHH sản xuất thương mại Êm Đềm kinh doanh về bất động sản cho biết, doanh nghiệp vay trung hạn với lãi suất 19%/năm. Công ty ông đã yêu cầu giảm lãi suất nhưng chưa được chấp nhận, khiến lãi suất trở thành áp lực lớn cho công ty.
Đáp lại, đại diện Vietinbank thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay phải trả lãi suất vay trung dài hạn 19% là khá cao, trong khi doanh nghiệp kiếm lợi nhuận 10% đã là khó. Thông thường, mức lãi vay cho diện này sẽ bằng mức vốn huy động ngắn hạn cộng với biên độ tối đa 5%. Vietinbank hiện cho vay trung dài hạn 16 – 17%.
Ông Trần Bửu Long, phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, quỹ không hạn chế bảo lãnh lĩnh vực nào. “Nhiệm vụ chúng tôi là đứng đằng sau hỗ trợ khi doanh nghiệp vay vốn không có tài sản thế chấp. Đó cũng như ngồi chung xuồng, doanh nghiệp “lật” thì chúng tôi cũng chìm theo”, ông Long nói. Ông cho rằng, doanh nghiệp muốn vay vốn trung, dài hạn phải có dự án đầu tư hiệu quả; ngắn hạn phải có phương án kinh doanh. Điều kiện vay, chỉ cần là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo nghị định 56, dưới 300 lao động, vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án đầu tư, kinh doanh tối thiểu 10%. Bên cạnh đó, dự án phải khả thi ở chỗ dữ liệu đầu vào phù hợp với trình độ sản xuất, năng lực…; không nợ đọng thuế, nợ xấu sẽ được quỹ tiếp nhận.
Tính đến 30.6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 0,76%, nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu và uỷ thác đầu tư thì tốc độ tăng trưởng là 1,4%. |
Không chấp hành, sợ doanh nghiệp “méc”
Đa số các ngân hàng khi được hỏi đều cho hay, giảm lãi suất về dưới 15% là một quyết định hành chính, và trước hết họ sẽ chấp hành.
“Thị trường luôn có một số thời điểm phải có sự can thiệp những mệnh lệnh hành chính. Chúng tôi bớt lại thu nhập của mình, doanh nghiệp đỡ khó khăn”, ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Eximbank nói. Ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB cũng trả lời: “Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, ACB sẽ làm theo”. Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB), cũng cho biết, việc giảm lãi suất nằm trong khả năng của OCB.
Theo ông Lê Hùng Dũng, cho vay chậm ngày nào thì tiền ngân hàng “chết” trong két sắt chừng ấy. “Eximbank huy động hơn 70.000 tỉ đồng với lãi suất 9%/năm. Như vậy một năm Eximbank trả lãi 6.300 tỉ đồng, một tháng chi khoảng 500 tỉ đồng tiền lãi. Thật vô lý nếu không cho doanh nghiệp vay. Nhưng chúng tôi không thể cho vay đối với những đối tượng không đủ điều kiện. Những doanh nghiệp đang nợ quá hạn, tài sản thế chấp không đảm bảo tính pháp lý thì ai dám cho vay?”, ông nói.
Ông Trần Xuân Quảng, phó tổng giám đốc Maritime Bank cho rằng, giá vốn đã hạ, buộc ngân hàng phải tìm ra cách thúc đẩy cho vay ra, tuy nhiên lãi suất giảm bao nhiêu còn tuỳ thuộc vào thực lực của từng ngân hàng. Để có thể cho vay dưới 15%/năm, sắp tới ngân hàng sẽ phải cắt giảm chi phí vận hành, chi phí vốn, tìm cách tăng thu nhập từ dịch vụ… Theo ông, việc cho vay lãi suất dưới 15%/năm khó thể có chuyện lách, vì sẽ bị phản ứng mạnh của xã hội, doanh nghiệp sẽ “méc” với ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất không là khó khăn duy nhất
Ông Trần Xuân Quảng nói: “Ngân hàng nào tiêu cực lắm thì không cho vay nữa. Tuy nhiên, một khó khăn của ngân hàng là, đánh giá tín nhiệm rủi ro tín dụng của các doanh nghiệp khác nhau, nhưng lãi suất chênh lệch không bao nhiêu, có thể là không công bằng cho các doanh nghiệp hạng A”..
Ở Eximbank, những doanh nghiệp nào có khả năng mua nợ Eximbank cho cơ cấu lại, không có khả năng thì Eximbank thương lượng mua lại tài sản thế chấp giá cao. Eximbank đã thực hiện miễn giảm, giãn nợ đến nay gần 100 tỉ đồng. “Tái cơ cấu nợ nôm na như của đổ đi hốt lại, ngân hàng kỳ kèo từng đồng làm gì”, ông Lê Hùng Dũng nói.
Ông Lý Xuân Hải cho rằng, lãi suất không phải là khó khăn lớn hiện nay vì nhiều ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. Vấn đề là giải quyết khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.
Lãi suất dưới 15%/năm liệu đã kích được cầu vay từ doanh nghiệp? Các ngân hàng đều cho biết chưa dự đoán được điều này. Theo ông Dũng, gần một tháng cho vay bảo hiểm rủi ro tỷ giá với lãi suất 7%, Eximbank cho vay được khoảng 5.000 tỉ đồng với 440 doanh nghiệp và cá nhân. “Có thể thị trường chấp nhận mức lãi suất này”, ông nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã