Tập trung huy động các nguồn lực, phát huy nội lực của địa phương và vai trò chủ thể của nhân dân để hỗ trợ, đầu tư xây dựng, trọng tâm là quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng, kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp... Trong năm năm (2015 - 2020), thị xã đã đầu tư xây dựng 104,8 km đường giao thông, với tổng kinh phí 51.177 triệu đồng; trong đó, nhân dân đã tự nguyện hiến 34.321m2 đất để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường thôn, xóm. Tu sửa, nâng cấp 21 công trình thủy lợi; kiên cố 3.537m kênh mương, đảm bảo phục vụ tưới ổn định cho 149,24 ha. Có 100% trường học đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 0,5%/năm trở lên...
Đến cuối năm 2018, thị xã có 05/05 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2020. Tiếp tục chỉ đạo các xã triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đến cuối năm 2020, trên địa bàn thị xã có 02 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao (xã Thành An và xã Cửu An); đồng thời, hướng đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã, đến cuối năm 2018 đã hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới tại làng Pờ Nang – xã Tú An với tổng kinh phí thực hiện là 1.394,707 triệu đồng; triển khai thu hồi 2,46 ha đất để mở rộng khu dân cư; di dời nhà, hỗ trợ cây cối vật kiến trúc, bị vướng khi bố trí lại diện tích nhà ở (di dời 23 nhà sàn, xây dựng mới 6 nhà sàn, xây dựng lại 01 nhà vệ sinh và 01 nhà tắm, 02 giếng nước; xây mới 18 nhà vệ sinh từ nguồn Trung ương Đoàn hỗ trợ); san gạt các tuyến đường trục làng, nội làng; di dời, nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng (diện tích 52m2).
Trong năm 2020, thị xã đã cơ bản hoàn thành xây dựng làng nông thôn mới làng Pốt - xã Song An, làng Nhoi, làng Hòa Bình - xã Tú An. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các làng thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, tập trung hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất theo hướng liên kết, nhằm từng bước giảm nghèo bền vững.
Tổ chức ký kết với Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác thuộc Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc khảo sát, tư vấn, hỗ trợ thị xã trong triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời, hợp tác với Viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp xây dựng Đề cương dự toán Quy hoạch phát triển nông nghiệp thị xã An Khê đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ra mắt mô hình "Nông hội" trên địa bàn thị xã An Khê-Mô hình điển hình trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: N.Đ
Cùng với những kết quả đạt được tích cực, nguồn lực dành cho xây dựng nông thôn mới còn quá thấp so với yêu cầu thực tế; vốn huy động trong nhân dân gặp nhiều khó khăn; nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp không nhiều. Chất lượng các tiêu chí nông thôn mới chưa thật sự bền vững; triển khai xây dựng các tiêu chí nâng cao còn lúng túng; công tác xây dựng làng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu. Tiến độ đề nghị công nhận thị xã An Khê hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 chậm.
Thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phát triển nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và tăng hiệu quả sử dụng đất đai, năng suất lao động theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông sản trong điều kiện biến đổi khí hậu và môi trường cạnh tranh. Theo đó chú trọng hai khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp nông thôn: (1) Đổi mới mạnh mẽ quan hệ sản xuất nông nghiệp, nông thôn thông qua phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã hiệu quả theo chiều sâu và đạt quy mô hợp tác xã toàn xã tại 05 xã và phường An Bình, phường Ngô Mây…; xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các nông sản chủ lực. Cải thiện mối quan hệ, tạo liên kết bền vững cùng có lợi giữa nông dân mà đại diện là các hợp tác xã nông nghiệp với các nhà máy, doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dược liệu trên địa bàn. (2) Nâng cao hơn nữa kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng năng lực quản lý, duy tu bảo dưỡng, nâng cấp, khai thác hiệu quả các công trình thủy nông theo hướng đa mục tiêu kết hợp cải thiện môi trường cảnh quan; tiếp tục đầu tư mở rộng hợp lý, cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.
Thực hiện quy hoạch, xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh rau, hoa, cây ăn trái, cây dược liệu; chú trọng khâu sơ chế, chế biến nông sản… gắn với khai thác hiệu quả, bền vững Nhãn hiệu Chứng nhận Rau An Khê – Gia Lai; từng bước đầu tư phát triển, xây dựng thương hiệu trên các nhóm sản phẩm đặc trưng vùng chuyên canh, thúc đẩy xây dựng sản phẩm chủ lực, thế mạnh của mỗi xã, phường (OCOP) gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh chăn nuôi, tăng tỷ trọng chăn nuôi trong ngành nông nghiệp, phát triển chăn nuôi công nghiệp, khuyến khích hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi lớn, nâng cao chất lượng đàn gia súc gia cầm…
Phương Thanh/gialai.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã