Học tập đạo đức HCM

Bắc Kạn: Người 10 năm trước "trốn" lên hẻm núi hẻo lánh đào ao, nuôi trồng kiểu "lung tung" giờ ra sao?

Chủ nhật - 06/09/2020 05:02
Chỉ cái tên Khuổi Lẹt, thôn Roòng Tùm cũng đã gợi lên sự hoang dã, hẻo lánh, dân bản địa chỉ lên đỉnh núi này phát nương làm rẫy. Vậy mà hơn 10 năm trước, anh Dương Văn Giao, sinh năm 1973, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã quyết định lên đỉnh núi Khuổi Lẹt khai phá để phát triển kinh tế.

Những người khó tính nhất 10 năm trước nghi ngờ anh Dương Văn Giao, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn bao nhiêu thì nay lại ngợi khen, quý trọng nỗ lực của anh bấy nhiêu.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn nằm giữa trang trại trên đỉnh núi Khuổi Lẹt, anh Giao tâm sự: “Năm 1994 anh lấy vợ, nhưng gia đình nghèo quá nên đành để vợ ở quê nuôi con, một mình tôi vào miền Nam khai thác vàng sa khoáng, trồng cây, sửa xe…Gần chục năm làm đủ nghề nhưng vẫn trắng tay, tôi quyết định về quê lập nghiệp...".    

Bắc Kạn: Người 10 năm trước "trốn" lên hẻm núi hẻo lánh đào ao, nuôi trồng kiểu "lung tung" giờ ra sao? - Ảnh 1.

Trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) của gia đình anh Giao góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào vùng núi xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Trang trại của anh Giao cho hiệu quả kinh tế cao ở tít trên đỉnh núi Khuổi Lẹt.

Năm 2006, anh Giao vay vốn bạn bè quyết tâm lên đỉnh núi Khuổi Lẹt gây dựng trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Người dân địa phương, người thân trong gia đình can ngăn và cho là anh đầu óc không bình thường mới lên núi cao, khe sâu trồng cây, đắp ao, nhưng anh vẫn quyết chí lên núi trồng cây, ngăn khe làm ao, làm kinh tế…”   

Ban đầu anh tự đi mua giống cam, quýt bán trôi nổi không rõ nguồn gốc về trồng, sau một thời gian, cây chết dần, chết mòn, còn những cây sống được thì còi cọc, chậm phát triển, anh lại phải chặt bỏ hết và bỏ bao tiền, công sức trồng, chăm sóc lại từ đầu.

Sau lần đó anh Giao tìm hiểu thêm kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt qua tài liệu, mô hình trồng cam quýt, vải thiều, nuôi cá…từ các xã lân cận, anh tự đi tận tỉnh Bắc Giang mua giống ghép cam quýt, mơ vàng địa phương, vải thiều về trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật. 

Đến nay hai vợ chồng anh Giao đã trồng được gần 3ha cây ăn quả ở chân đồi, khe núi đất ẩm, nhiều mùn, còn trên đỉnh đồi trồng cây keo, mỗi năm cho gia đình thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Những năm đầu cây ăn quả chưa khép tán, chưa có nguồn thu anh chị trồng xen ngô, đậu đỗ, khoai sắn bán để có tiền mua thực phẩm, các nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của gia đình và để hạn chế cỏ dại mọc, giữ ẩm cho cây trồng. 

Ngoài ra dưới gốc cây ăn quả, anh còn nuôi thêm hàng nghìn con gà thả vườn lấy thịt, trứng bán thu về trên 10 triệu đồng.

Thời gian mới bắt đầu xây dựng trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) anh chị còn tự đào ao nuôi cá, sau này khi đã có thu nhập có vốn, anh thuê máy múc đất khe ngăn làm ao nuôi cá trắm, chép, mè, trê…. Giờ gia đình anh chị đã có 3 ao nuôi với diện tích mặt nước trên 1000 m2 và mỗi năm cho thu nhập từ bán cá gần 10 triệu đồng.

Bắc Kạn: Người 10 năm trước "trốn" lên hẻm núi hẻo lánh đào ao, nuôi trồng kiểu "lung tung" giờ ra sao? - Ảnh 2.

Anh Giao, Anh Giao, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho cá ăn tại ao nuôi do anh tự đào

Sau nhiều năm dồn công sức làm kinh tế, anh chị đã tích lũy được nguồn vốn kha khá, nhận thấy để phát triển bền vững, ổn định và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, năm 2014 anh nhận với Lâm trường huyện Chợ Mới trồng thêm cây keo, Lâm trường giao giống, phân bón, thiết kế rừng trồng còn gia đình nhận phát, trồng, chăm sóc.

Rừng trồng đến 5-7 năm sẽ được khai thác, Lâm trường hưởng 30%, gia đình được 70% doanh thu. Đến cuối 2019 một số diện tích keo đến tuổi, anh khai thác thu về trên 100 triệu đồng, khai thác đến đâu, anh trồng lại hết đến đó, đến nay gia đình anh sở hữu trên 17 ha keo trồng quanh trang trại, hiện rừng trồng phát triển tốt.

Khi mới xây dựng trang trại, để lên được đỉnh núi, anh Giao phải mất hàng giờ đi xe máy leo lên những con dốc đất trơn trượt, dựng đứng. Để có sản phẩm đã rất vất vả nhưng khi có sản phẩm rồi lại lo vận chuyển đi tiêu thụ rất khó khăn. 

Nếu chở bằng xe máy thì không được nhiều và không đủ chi phi xăng và sửa xe nên anh Giao tự mày mò sáng tạo lắp đặt nhiều lần rồi cũng thành công dùng đầu nổ 24 Đông Phong để tải khung, hộp số xe ô tô 2 cầu để vận chuyển. 

Từ đó đã giảm thiểu được khâu vận chuyển, mỗi chuyến có thể chở được 2 tấn sản phẩm đi bán và chở hàng, vật tư, nguyên vật liệu lên trang trại.

Cùng với nuôi cá, gà, cây ăn quả và nguồn thu từ khai thác rừng trồng, mỗi năm trang trại của anh Giao cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Nguồn thu đã ổn định từ nhiều năm nay, nhưng gia đình anh vẫn đầu tư mua đất xây dựng cửa hàng bán hàng tạp hóa ở trung tâm xã Thanh Mai để có thêm thu nhập.Từ các nguồn thu, riêng năm 2019 gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Tiếp đà phát triển, anh Giao dự định trong thời gian tới tiếp tục xây dựng một trang trại khác có quy mô lớn hơn trang trại hiện có. Trước đó, do thiếu vốn, hạn chế kỹ thuật lại chưa có kinh nghiệm nên việc xây dựng còn thụ động, chắp ghép, chưa phát huy hết tiềm năng của mô hình. 

Lần xây dựng mới này chắc chắn sẽ quy củ, bài bản hơn vì nguồn lực được chủ động và hy vọng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn…

Ông Nông Văn Giang - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Nỗ lực học hỏi, quyết tâm làm giàu, dám nghĩ dám làm và sự kiên trì đặc biệt của anh Giao không chỉ giúp anh thành công trong phát triển kinh tế mà còn tác động lớn đến người dân trong vùng. Anh Giao thật sự là một gương Chi hội trưởng nông dân điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Giờ đây người dân quanh vùng nơi đây, nhất là dọc các khe núi đường lên trang trại của Giao mọc lên nhiều trang trại kinh tế đồi rừng học hỏi và làm theo. Mô hình kinh tế của gia đình anh Giao cũng tạo điều kiện cho trên 10 lao động làm việc thời vụ với thu nhập từ 200 - 300 ngàn đồng/người/ngày.

Giờ mình anh quản lý trang trại, nhưng anh vẫn hoàn thành tốt vai trò một Chi hội trưởng nông dân, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức làm kinh tế VACR cho ai có nhu cầu và hỗ trợ vốn sản xuất cho 2 hội viên nông dân nghèo. Gia đình anh 3 năm đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh (2017-2019).

Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn) cho biết: “Trang trại vườn- ao-chuồng-rừng của anh Dương Văn Giao là mô hình kinh tế có hiệu quả cần được nhân rộng. Nhờ ý chí và nghị lực, đến nay gia đình anh Giao đã vươn lên là hộ khá giả, trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Không những chỉ làm giàu cho bản thân mà anh còn hướng dẫn làm kinh tế, giải quyết, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương....”

Theo Dương Cử (Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn)/danviet.vn
https://danviet.vn/bac-kan-nguoi-10-nam-truoc-tron-len-hem-nui-heo-lanh-dao-ao-nuoi-trong-kieu-lung-tung-gio-ra-sao-20200906150447724.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập163
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm152
  • Hôm nay43,772
  • Tháng hiện tại76,513
  • Tổng lượt truy cập91,250,242
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây