Tuyên Quang là tỉnh miền núi, có nhiều xã vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao. Trong những năm qua tỉnh đã quan tâm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương này, tuy nhiên số xã vùng cao đạt chuẩn nông thôn mới chưa nhiều. Những xã đạt chuẩn nông thôn mới đã có bước chuyển tích cực trong mọi mặt kinh tế xã hội như: Năng Khả, Hồng Thái, Côn Lôn (Na Hang), Thượng Lâm, Khuôn Hà (Lâm Bình), Kim Bình (Chiêm Hóa)... Các địa phương này được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông và các công trình phúc lợi dân sinh, mang lại sự đổi thay cho diện mạo nông thôn.
Phụ nữ Dao Tiền, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) giữ gìn nghề thêu trang phục, góp phần nâng cao thu nhập. |
Như chúng ta đều biết, khu vực miền núi là địa bàn có những nét đặc trưng riêng về văn hóa bản địa, bởi đây là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với những nét phong tục, tập quán riêng biệt. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là không gian văn hóa truyền thống của từng bản làng. Giữ gìn kiến trúc nhà truyền thống của người Tày ở Lăng Can, Thượng Lâm (Lâm Bình), người Dao ở Hồng Thái (Na Hang)... khôi phục, giữ gìn nghề truyền thống, trang phục truyền thống, đặc biệt là bảo tồn, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Tày, Dao, Cao Lan, Mông,... Nhờ vậy, nhiều thôn, bản đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, giúp nhiều hộ gia đình có thêm việc làm và thu nhập.
Tuy nhiên, không phải tất cả các xã đạt chuẩn và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới đều thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa bàn. Nhiều thôn bản trong quá trình xây dựng đã làm mất đi không gian văn hóa truyền thống, những ngôi nhà xây, nhà mái bằng, mái tôn đã thay thế những ngôi nhà truyền thống, nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày ở nhiều thôn bản gần như không còn. Nhiều thôn bản, đồng bào dân tộc thiểu số không còn lưu giữ được những bản sắc của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày như: Trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ...
Những ngôi nhà sàn mang bản sắc dân tộc Tày tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình, Chiêm Hóa. Ảnh: Quang Hòa. |
Thực trạng trên đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, phải quan tâm làm sao đảm bảo sự hài hòa giữa việc xây dựng, đổi mới bộ mặt nông thôn mới mà vẫn giữ gìn, bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa riêng có của mỗi dân tộc thiểu số tại địa phương mình. Vấn đề quan trọng đặt ra là cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phải giữ gìn được không gian văn hóa truyền thống đặc trưng của từng dân tộc, như việc phải giữ gìn bằng được các ngôi nhà sàn cổ của người Tày, người Nùng, người Cao Lan, người Dao (Áo dài, Quần Trắng)... tuyên truyền để người dân có ý thức gìn giữ các phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, giữ gìn ngôn ngữ, trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, các nghề truyền thống... Đây cũng là cơ sở hết sức quan trọng để phát triển mạnh du lịch cộng đồng, thu hút và giữ chân khách du lịch tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về đất và người xứ Tuyên. Qua đó góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn tin: nongthonmoituyenquang.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã