Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) được triển khai tại tỉnh này từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Thế nhưng đến năm 2007, thời điểm Bình Định triển khai mạnh cánh đồng mẫu lớn thì quy trình IPM, ICM mới lan toả rộng khắp.
“Riêng năm 2020, Bình Định thực hiện được 264 cánh đồng mẫu lớn gồm các loại cây trồng; trong đó có 263 cánh đồng lúa, vụ đông xuân thực hiện 147 cánh đồng, vụ thu thực hiện 116 cánh đồng và 1 cánh đồng cây trồng cạn, tăng 30 cánh đồng so với năm 2019. Tổng diện tích cánh đồng mẫu lớn trong năm 2020 là hơn 12.857ha, tăng hơn 842ha so năm 2019, có 127.732 hộ nông dân tham gia. Cũng trong năm 2020, riêng huyện Tuy Phước xây dựng được 5 cánh đồng lớn liên kết sản xuất lúa giống với diện tích gần 1.000ha. Tất cả diện tích này đều áp dụng quy trình IPM, ICM”, ông Nguyễn Tấn Phát cho hay.
Theo ông Lê Quang Tình, Phó trưởng phòng Khuyến nông thuộc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, biện pháp sinh học trong IPM là nhập khẩu và thiết lập thiên địch mới đến nơi có dịch hại mới mà chưa có kẻ thù tự nhiên bản địa; tạo điều kiện cho thiên địch sẵn có trên ruộng sinh sống và sinh sản; nuôi và thả thiên địch vào đồng ruộng nhằm bổ sung thiên địch ở những nơi không thể thiết lập lâu dài loài thiên địch đó. Còn biện pháp hóa học là đảm bảo nguyên tắc 4 đúng, sử dụng thuốc BVTV khi tới ngưỡng phòng trừ. Nguyên tắc 4 đúng là sử dụng đúng thuốc; đúng nồng độ, liều lượng; đúng lúc và đúng cách.
“Qua thời gian dài áp dụng các quy trình IPM, ICM vào sản xuất, hiện hầu hết nông dân Bình Định đã biết cách trồng và chăm sóc cây khỏe, biết bảo vệ thiên địch, biết cách phòng trừ dịch hại bằng các biện pháp thích hợp, có thể nói mỗi nông dân bây giờ là 1 “chuyên gia” đồng ruộng”, ông Tình chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, khẳng định: “Khi chưa áp dụng các quy trình IPM, ICM, nông dân sử dụng “vô tội vạ” thuốc BVTV trong sản xuất, đồng ruộng chưa đến ngưỡng phòng trừ vẫn cứ bơm thuốc, khiến môi trường đồng ruộng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bây giờ, những cách làm “quá tay” như hồi xưa không còn nữa mà làm theo đúng quy trình, nhờ đó, môi trường của đồng ruộng được bảo vệ tốt hơn”.
Áp dụng các quy trình IPM, ICM vào sản xuất, ngoài môi trường của đồng ruộng được bảo vệ tốt hơn, người nông dân còn được hưởng lợi về sức khỏe, về hiệu quả kinh tế do đồng ruộng mang lại.
Theo nông dân Đinh Văn Chung, người làm nửa héc ta ruộng ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), trước đây, sau khi sạ giống, bà con nông dân đều phun thuốc diệt cỏ, thuốc phòng trừ sâu bệnh. Thuốc phun xuống đồng làm chết sâu bệnh, đồng thời cũng tiêu diệt luôn các loại động vật khác như tôm, cua, cá, ốc... Mấy năm gần đây, được tập huấn các kiến thức mới trong trồng trọt và bảo vệ cây trồng, đa phần nông dân thay đổi thói quen phun thuốc trừ sâu, nên các loại động vật trên đồng ruộng sinh sôi nảy nở trở lại.
“Trên những cánh đồng áp dụng quy trình IPM, ICM bà con có thể bắt cua, bắt ốc trong ruộng về ăn thoải mái, bởi đồng ruộng không còn ngập ngụa thuốc BVTV như trước đây, nông dân Chung chia sẻ.
"Áp dụng các quy trình IPM, ICM vào sản xuất, nông dân không chỉ bảo vệ được sức khỏe nhờ ít tiếp xúc với thuốc BVTV, mà chi phí đầu vào trong sản xuất còn được giảm lớn, nhờ giảm được các khoản chi phí mua thuốc BVTV, phân bón hóa học và giảm ngày công lao động. Trong khi đó năng suất cây trồng tăng cao hơn...", ông Nguyễn Tấn Phát.
Theo Vũ Đình Thung/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã