Học tập đạo đức HCM

Bình Định- vùng đất trăm nghề

Thứ tư - 09/09/2020 23:02
Với lợi thế có nhiều làng nghề truyền thống, người dân nông thôn ở Bình Định không chỉ giải quyết được thời gian nông nhàn mà còn tạo thêm được nguồn thu nhập đáng kể.

Đa dạng ngành nghề nông thôn

Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 69 làng nghề, trong đó có 48 làng nghề nằm trong quy hoạch phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 19 làng nghề nằm ngoài quy hoạch.

Trong số các làng nghề đã được công nhận có 13 làng nghề chế biến, bảo quản nông-thủy sản; 3 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 24 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt mây, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 6 làng nghề sinh vật cảnh.

Nhiều người lớn tuổi ở thôn Phú Gia (huyện Phù Cát) vẫn tham gia sản xuất nón ngựa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều người lớn tuổi ở thôn Phú Gia (huyện Phù Cát) vẫn tham gia sản xuất nón ngựa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Các làng nghề được phân bố chủ yếu trên địa bàn huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn và thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và 1 số huyện đồng bằng, trung du khác. Tính đến nay, trong tổng số các làng nghề được công nhận có 15 làng nghề đã có sản phẩm đăng ký thương hiệu và 13 làng nghề có sản phẩm có sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP lần thứ nhất năm 2019; 8 làng nghề có sản phẩm công nhận đạt hạng 4 sao, gồm: Làng nghề bún bánh An Thái đặc trưng là bún Song Thằn, làng đúc Bằng Châu, làng nghề nón ngựa Phú Gia và 5 làng nghề trồng mai cảnh; 5 làng nghề có sản phẩm được công nhận đat hạng 3 sao, gồm: Làng nghề nước mắm Đề Gi, làng nghề nón lá Gò Găng, làng hoa Bình Lâm, làng nghề rượu Bàu Đá và làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Chương Hòa.

Từ khi Bình Định chuyển đổi mạnh cơ cấu mùa vụ từ 3 sang còn làm 2 vụ lúa/năm, thời gian nông nhàn của lao động nông thôn kéo dài, đây là điều kiện để nông dân tham gia sản xuất các ngành nghề tại địa phương.

Ông Hoàng Xuân Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết: “Từ lâu, ngành nghề nông thôn ở Bình Định đã phát triển mạnh dựa trên nền các làng nghề truyền thống đã được hình thành từ trước. Trước đây, ngành nghề nông thôn do ngành công thương quản lý, ngày 12/4/2018 Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, trách nhiệm quản lý được chuyển sang cho ngành nông nghiệp.

Để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 19/7/2019 quy định chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019-2025. Khoảng 1 tháng sau, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 3027/QĐ-UBND ngày 27/8/2019 phê duyệt Đề án thí điểm phát triển du lịch tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và chính quyền các địa phương triển khai đề án, nhờ đó càng thúc đẩy mạnh việc phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn”.

Nón ngựa Phú Gia được sản xuất ở huyện Phù Cát là sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao. Ảnh: Ngọc Thăng.

Nón ngựa Phú Gia được sản xuất ở huyện Phù Cát là sản phẩm được công nhận đạt hạng 4 sao. Ảnh: Ngọc Thăng.

Cũng theo ông Bình, tính đến nay, có gần 8.000 hộ dân với gần 20.000 lao động ở các vùng nông thôn tham gia sản xuất thường xuyên trong các làng nghề . Đa số các làng nghề tận dụng công lao động tại chỗ là chính. Thu nhập bình quân của lao động trong các làng nghề có sự chênh lệch lớn. Những làng nghề có mức chi trả công lao động cao nhất thuộc các ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, rượu Bàu Đá Nhơn Lộc, chế biến nước mắm và các làng nghề cơ khí nhỏ.

Lao động tham gia các làng nghề nói trên có mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng; lao động tham gia sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng. Những làng nghề có mức thu nhập thấp nhất là nghề dệt chiếu, làm nón, đan lát có mức thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.

Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển làng nghề

Sản phẩm làng nghề ở Bình Định khá đa dạng, tập trung chủ yếu sản xuất bún bánh, đan lát, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, chiếu cói, trồng mai cảnh. 90% sản phẩm của các làng nghề ở địa phương tiêu thụ tại chỗ và các tỉnh lân cận, 10% còn lại tham gia xuất khẩu ra các nước ngoài thông qua ủy thác hoặc đường tiểu ngạch.

Làng nghề đồ gốm Nhơn Hậu (TX An Nhơn) thu hút cả lao động cao niên làm việc. Ảnh: Ngọc Thăng

Làng nghề đồ gốm Nhơn Hậu (TX An Nhơn) thu hút cả lao động cao niên làm việc. Ảnh: Ngọc Thăng

"Tuy phát triển khá mạnh, nhưng cơ sở các làng nghề nông thôn hầu hết có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là loại hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể. Quy mô về vốn đầu tư của các làng nghề phần lớn là để mua sắm thiết bị, công cụ, dụng cụ, nguyên vật liệu, còn về nhà xưởng thì hầu hết tận dụng nhà ở để bố trí sản xuất. Do vậy, quy mô về vốn có trên 95% cơ sở có mức vốn bình quân 8,5 triệu đồng/hộ, có khoảng 3% cơ sở có mức vốn 20-25 triệu đồng/hộ, cá biệt 1 số hộ có mức vốn bình quân từ 3-5 tỷ đồng/hộ. Nguồn vốn đầu tư hầu hết là do các hộ sản xuất tự tích lũy. Tổng doanh thu của các làng nghề trong năm 2019 đạt trên 663 tỷ đồng”, ông Bình cho hay.

Trước thực trạng trên, để thực hiện công tác bảo tổn, phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua Bình Định ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ đầu tư hạ tầng tại các làng nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường bê tông xi măng vào 4 làng nghề, gồm: Làng nghề nón lá Thuận Hạnh ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn); làng nghề chiếu cói Chương Hòa, xã Hoài Châu Bắc (TX Hoài Nhơn); làng nghề đan lát Trung Chánh (huyện Phù Cát) và làng nghề sản xuất các sản phẩm từ cói ở xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ).

Làng trồng mai cảnh Nhơn An (TX An Nhơn) nổi tiếng khắp cả nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Làng trồng mai cảnh Nhơn An (TX An Nhơn) nổi tiếng khắp cả nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

2 làng nghề gắn với phát triển du lịch là làng nghề  truyền thống rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc và làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn) cũng được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Theo đó, Dự án làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu được đầu tư xây dựng đường giao thông và nhà trưng bày có tổng mức đầu tư dự kiến là 14,58 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020-2022. Bên cạnh đó, dự án nhà trưng bày sản phẩm của làng nghề truyền thống rèn Tây Phương Danh thuộc phường Đập Đá (TX An Nhơn) cũng được xây dựng với mức đầu tư 2,13 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Xuân Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Định, từ nay đến năm 2025, tỉnh này sẽ tập trung phát triển 4  làng nghề gắn với các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, gồm: Làng nghề truyền thống nấu rượu Bàu Đá ở xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn), làng nghề nón ngựa Phú Gia (huyện Phù Cát), làng nghề bí đao Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) và làng nghề sản xuất bún số 8 ở xã tam Quan Nam (TX Hoài Nhơn).

Nghề trồng mai cảnh ở Bình Định có thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Ngọc Thăng

Nghề trồng mai cảnh ở Bình Định có thu nhập 5-6 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Ngọc Thăng

“Mục tiêu của các dự án nói trên là nhằm phát triển du lịch làng nghề, sản phẩm làng nghề truyền thống và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hình thành các điểm đến thu hút khách du lịch, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho cư dân các làng nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua các hoạt động du lịch sẽ góp phần quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề ở Bình Định.

Ngoài ra, trong những năm qua tỉnh Bình Định còn dành nhiều kinh phí để hỗ trợ các làng nghề trong công tác xúc tiến thương mại; hỗ trợ máy móc thiết bị, thuê tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất…”, ông Bình chia sẻ.

“Trong những năm qua, ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Bình Định không ngừng phát triển với giá trị sản xuất tăng trưởng bình quân từ 5-7%/năm. Phát triển ngành nghề, làng nghề đã tận dụng triệt để thời gian nông nhàn của người dân nông thôn, thực hiện chủ trương “ly nông bất ly hương”, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay”, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định.

Theo Vũ Đình Thung- Ngọc Thăng/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Hôm nay26,005
  • Tháng hiện tại139,421
  • Tổng lượt truy cập91,313,150
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây