Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 117.563 con bò Mông (bò vàng) tập trung tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần.
Cụ thể, tại huyện Mèo Vạc có gần 31.600 con, huyện Đồng Văn hơn 23.300 con, huyện Yên Minh 21.660 con, huyện Quản Bạ hơn 17600 con, huyện Hoàng Su Phì khoảng 7.200 con, huyện Xín Mần 8.500 con và huyện Bắc Mê hơn 7.600 con.
Bò Mông ở Hà Giang là giống vật nuôi bản địa được nuôi nhiều tại các vùng núi cao ở các huyện vùng cao nguyên đá. Giống bò này có thân hình vạm vỡ, u vai nhô cao như bò tót; tai to, lưng hơi võng, mông dài, chân cao, đỉnh trán có u gồ hoặc phẳng, vai có u gồ lên, rất thuận tiện cho việc cầy kéo, sản xuất.
Bò có tầm vóc cao to, bình quân nặng từ 450 đến 500 kg. Cá biệt có con đực nhìn giống như bò tót, có thể nặng tới 700 kg. Giống bò này cho thịt mềm, độ ngọt cao, thích hợp phát triển hàng hóa nâng cho hiệu quả kinh tế cao.
Hơn 4 năm nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đại Dương, Thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) duy trì việc sản xuất các sản phẩm từ thịt bò để phục vụ khách du lịch. Để có nguồn cung uy tín, chất lượng cho khách, hằng năm HTX đầu tư gần 100 con bò giống và hỗ trợ các thành viên xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi.
Hiện nay, mỗi năm HTX sản xuất cung cấp cho thị trường hơn 15 tấn thịt bò tươi. HTX cũng đã đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm như: Thịt bò khô, giò bò, xúc xích bò, bò sốt vang...
Ông Lục Văn Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đại Dương cho biết, đến nay sản phẩm thịt bò của HTX đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận là sản phẩm 4 sao OCOP. Sản phẩm thịt bò của HTX đã có mặt tại một số siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng…
Những năm qua, bò Mông ở Hà Giang đã và đang được quan tâm duy trì và phát triển tổng đàn, cũng như nâng cao giá trị. Tuy nhiên, giống bò này đang có nguy cơ bị suy thoái dần về giống do vấn đề cận huyết kéo dài. Bởi phần lớn các mô hình phát triển trong dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa nên công tác tuyển chọn giống bò bố mẹ chất lượng chưa được chú trọng.
Ông Trinh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, hiện nay việc phát triển đàn bò Mông được duy trì chủ yếu trong dân. Chi cục cũng như các cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức trong việc phòng trừ bệnh trong chăn nuôi; tuyên truyền để bà con hạn chế việc phối giống cận huyện dẫn đến suy thoái giống vật nuôi bản địa này.
Cùng với đó, tỉnh Hà Giang đã và đang thực hiện hỗ trợ các chính sách khuyến khích người chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; tăng cường liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị kinh tế và thương hiệu bò Mông.
Chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, tỉnh Hà Giang cũng khuyến khích duy trì và mở rộng diện tích đồng cỏ. Đến nay, tổng diện tích cỏ của tỉnh Hà Giang là 23.408 ha, năng suất 36,44 tạ/ha, sản lượng 85.307 tấn. Những địa phương có diện tích lớn nhất là huyện Đồng Văn 1.999 ha; huyện Mèo Vạc 4.576ha; huyện Yên Minh 2.686 ha; huyện Hoàng Su Phì 3.540ha; huyện Xín Mần 2.219…
Ngày 18/5/2019, tại huyện Đồng Văn, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức công bố chỉ dẫn địa lý Hà Giang cho sản phẩm thịt bò. Đây là cơ sở quan trọng để các hộ chăn nuôi bò Mông ở Hà Giang chú trọng phát triển chăn nuôi bò Mông theo hướng hàng hóa, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo cơ cấu hợp lý, quy hoạch phát triển vùng.
Bò Mông nâng tầm thương hiệu sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập và từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu bền vững.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã