Một mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội. Ảnh: Thành Nam |
Tính đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã triển khai 160 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, tại các vùng trồng rau có 127ha nhà lưới, 47ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Trong canh tác hoa có 150,8ha bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như: Xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, lắp đặt điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Trong lĩnh vực trồng cây ăn quả có 1.127ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; diện tích lúa chất lượng cao hơn 92.708ha, chiếm 54% tổng diện tích trồng lúa của Thành phố.
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi của Thành phố cũng có những bước phát triển vượt bậc. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, 100% đàn bò sữa của Thành phố đã sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đối với đàn bò con số này là trên 80%; tương tự đối với đàn lợn là 83%, đàn gà đang bắt đầu thử nghiệm tại 7 cơ sở chăn nuôi.
Trong chăn nuôi, hệ thống chuồng nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi lợn và gà quy mô lớn, chăn nuôi bò sữa là 87%, bò thịt đạt trên 50%; có trên 75% số trang trại nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt, 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas; 65% số trại chăn nuôi bò sữa, 45 số trại chăn bò thịt, 85% số trại nuôi lợn và 85% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Còn trong nuôi trồng thủy sản, các hộ sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu như: Làm giàu oxy bằng quạt nước trên diện tích 6.000ha, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước trên 9.000ha, sử dụng công nghệ Biofloc gần 17ha…
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, với việc triển khai hiệu quả “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” đã nâng cao giá trị đầu ra cho nông sản, giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân gần 2,5%. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, đưa các giống mới chất lượng vào sản xuất được tăng cường; trên địa bàn thành phố đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ứng dụng công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp
Từ kết quả đạt được, Hà Nội đặt mục tiêu, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 bình quân từ 2,5% trở lên; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2025 từ 50% trở lên, đến năm 2030, con số này đạt từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát, qua đó đề nghị Thành phố có thêm các cơ chế, chính sách về khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn để phù hợp với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa…
Trong đó, ưu tiên phát triển vùng chuyên canh quy mô lớn với những cây, con có lợi thế; giảm dần diện tích sản xuất cây lương thực đi đôi với việc phát triển lúa chất lượng cao; tăng sản xuất rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, chuyển mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư. Ổn định tổng đàn lợn và gia cầm, tăng nhanh đàn bò sữa, phát triển đàn bò thịt. Phát triển thủy sản theo hướng tập trung thâm canh, tăng nhanh năng suất, phát triển bền vững.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp. Gắn sản xuất với bảo đảm an toàn thực phẩm; mở rộng các khu chế biến, bảo quản nông sản. Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp...
Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ có thêm chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp nông thôn; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, đồng bộ hạ tầng kinh tế với hạ tầng xã hội. Củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn; xây dựng môi trường sinh thái.
Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã