Trao đổi với NNVN, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể kéo dài, một mặt Bộ NN-PTNT đã chủ trương tiếp tục nỗ lực duy trì sản xuất, kể cả hoạt động nuôi trồng và khai thác nhằm đảm bảo tăng trưởng của ngành thủy sản nói riêng, đóng góp cho toàn ngành nông nghiệp nói chung.
Trong đó, các sản phẩm thủy hải sản nuôi trồng và khai thác, đã và sẽ tiếp tục có những định hướng xoay trục mới nhằm giữ vững đà xuất khẩu, trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh Covid-19 trong nước cũng như trên thế giới có thể tiếp tục kéo dài.
Cụ thể, ngành thủy sản chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp chuyển từ phân khúc sản phẩm xuất khẩu phục vụ cho nhóm khách hàng là nhà hàng khách sạn, sang nhóm sản phẩm chế biến phục vụ siêu thị, cũng như phù hợp với các kênh bán hàng online phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng thế giới.
Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, nhất là sản phẩm chế biến sâu, sử dụng tại nhà, ăn ngay thay vì phải ra ngoài, tới các chợ hàng tươi sống như trước đây...
Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục duy trì, kết nối các thị trường xuất khẩu lớn đã có như Nhật Bản, Mỹ, EU..., đi đôi với việc tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới như đang cố gắng mở rộng tiêu thụ tại thị trường Nga và các nước xung quanh Nga, các nước Nam Mỹ (Brazil); giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn đọng về tháo gỡ thị trường xuất khẩu ở các nước Trung Đông (Ả Rập Xê Út)...
Trong nỗ lực duy trì xuất khẩu thủy sản thời gian qua, tín hiệu vui là đã nổi lên điểm sáng về xuất khẩu tôm, với tốc độ tăng trưởng đến thời điểm này vẫn đạt trên 5% so với cùng kỳ năm 2019. Rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thời gian qua cho thấy hiện nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của các nước khá lớn.
Nhất là thị trường EU, việc Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ 1/8/2020, sẽ mở ra rất nhiều triển vọng cho việc đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường này, đặc biệt sẽ thuận lợi rất lớn khi thuế suất nhiều mặt hàng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang EU như tôm bóc vỏ bỏ đầu, tôm đông lạnh... sẽ có thuế suất giảm về mức 0%.
Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới dự báo sẽ tiếp tục có nhiều tín hiệu khả quan và có lợi cho Việt Nam, nhất là các nước xuất khẩu tôm lớn, và là đối thủ của Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan... đều đang bị ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh trên tôm, khiến sản lượng đang bị tụt giảm mạnh.
Cùng với đó, hệ thống cung - cầu về mặt hàng tôm của nhiều nước hiện nay cũng đã bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, đây chính là thời cơ cho ngành tôm Việt Nam.
Trước những thời cơ này, Tổng cục Thủy sản đã làm việc và có đề nghị với các địa phương rà soát kỹ diện tích hiện có, tăng cường giám sát, hướng dẫn kỹ thuật; đồng thời tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường; kiểm soát dịch bệnh, chất lượng con giống, vật tư đầu vào, khuyến khích bà con yên tâm tiếp tục xuống giống nhằm tranh thủ cơ hội xuất khẩu tôm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chú ý việc xuất khẩu tôm cần theo những yêu cầu kỹ thuật khắt khe của mỗi thị trường, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết giữa vùng nuôi và nhà máy chế biến nhằm đảm bảo sản xuất được sản phẩm tôm chế biến có chất lượng cao, ở nhiều kích cỡ khác nhau, đáp ứng cho nhiều phân khúc của thị trường.
Về cá tra, có thể nói thời gian qua, sản xuất trong nước vẫn đảm bảo được các yêu cầu về sản lượng, chất lượng, tuy nhiên việc xuất khẩu đã bị giảm sâu do gặp những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Hy vọng trong thời gian tới, nhu cầu sản phẩm này sẽ tăng trở lại.
Vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã làm việc với các địa phương và các nhà máy để rà soát lại diện tích nuôi nhằm cân đối cung cầu, hướng dẫn người nuôi duy trì xuống giống nhằm đảm bảo trong quý I và quý II/2021, vẫn sẵn sàng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu...
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến cá tra đẩy mạnh kết nối, khai thác tiêu thụ tại thị trường nội địa, bởi đây là sản phẩm vẫn còn dư địa rất lớn tại thị trường trong nước.
Tiêu thụ cá tra nội địa đang có những dấu hiệu rất tốt. Chỉ một doanh nghiệp ở Hà Nội, hiện tiêu thụ tới 150-200 tấn cá tra/tháng, và đang tiếp tục mở rộng ra các tỉnh thành lân cận.
Đây là giai đoạn học sinh nghỉ học, các nhà ăn trường học tạm nghỉ. Thời gian tới, nếu các khu công nghiệp được phục hồi sản xuất, trường học đón học sinh trở lại, dự báo nhu cầu tiêu thụ cá tra nội địa sẽ còn tăng lên rất nhiều, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc do đây đang là sản phẩm khá mới mẻ, rẻ mà ngon.
Tổng cục Thủy sản cũng đang xúc tiến kết nối cho nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ở phía Nam với các doanh nghiệp phân phối tiêu thụ tại phía Bắc. Nếu thuận lợi, tới cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020, lượng cá tra tiêu thụ tại thị trường phía Bắc không chỉ dừng lại ở một vài trăm tấn, mà có thể lên một vài nghìn tấn/tháng, và từng bước lớn hơn nữa.
Tổng cục Thủy sản cũng sẽ phối hợp với Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) nhằm triển khai đẩy mạnh phân phối các mặt hàng cá tra vào các hệ thống siêu thị, tiêu thụ qua các kênh trực tuyến, qua đó tạo mối liên kết khép kín từ sản xuất tới tay người tiêu dùng trên cơ sở các bên cùng được hưởng lợi cao nhất.
Có thể nói, tín hiệu tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa hiện nay đã mở ra, có triển vọng rất tốt, không chỉ với thị trường Hà Nội mà đang mở ra ở nhiều địa phương khác, được khách hàng, người tiêu dùng đánh giá cao.
Không chỉ với các sản phẩm cá tra tươi sống, đông lạnh, các doanh nghiệp chế biến cá tra ở phía Nam hiện nay cũng đang triển khai chế biến đa dạng các sản phẩm từ cá tra, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng phía Bắc, ví dụ: Chế biến các sản phẩm ăn sẵn theo khẩu vị ít ngọt, ít cay hơn, đa dạng hơn các sản phẩm như giò cá, chả cá, cá bao bột chiên, chả cá viên, cá kho tộ, cá giả lươn... để phù hợp với bếp ăn công nhân, trường học...
Bên cạnh việc tổ chức lại thị trường nội địa, Tổng cục Thủy sản thời gian tới sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn cho người tiêu dùng về giá trị, chất lượng của sản phẩm cá tra, các kỹ thuật chế biến đối với người tiêu dùng phía Bắc.
Lưu ý dịch bệnh, quản lí chất lượng tôm giống
Các tháng cuối năm là vụ nuôi chính, bên cạnh việc tăng năng suất, chất lượng, sản lượng, cần hết sức lưu ý bởi đây cũng là thời điểm có điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là mùa mưa bão. Vì vậy, người nuôi cần hết sức lưu ý tuân thủ các quy trình kỹ thuật cũng như khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nhằm phòng ngừa thiệt hại gây ra.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thắt chặt việc quản lí đối với khâu giống, nhất là giống tôm. Thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã tiến hành thanh tra đột xuất và đã phát hiện có những cơ sở đã sử dụng con giống bố mẹ không đúng tiêu chuẩn về con giống, qua đó đã xử lí rất nghiêm các trường hợp vi phạm.
Vì vậy thời gian tới, mặc dù khó khăn do dịch bệnh Covid-19, song cần tập trung quản lí tôm bố mẹ nhằm đảo bảo chất lượng tôm giống, tôm bố mẹ phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về sản xuất theo quy định của Luật Thủy sản.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra khâu lưu thông tôm giống qua địa bàn, đảm bảo không để lọt các lô tôm giống không đạt yêu cầu qua các tỉnh. Các địa phương có chợ tôm giống cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm dịch tại chỗ nhằm đảm bảo tôm về chợ phải đảm bảo yêu cầu.
(Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản)
Nguồn tin: Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã