Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Vụ lúa thu đông 2020, nông dân TP Cần Thơ xuống giống được 68.720ha, đạt 107% so với kế hoạch, trong đó tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ đạt trên 95% diện tích, chủ yếu sử dụng máy phun hạt, còn lại 423ha gieo sạ bằng máy kéo hàng. Đến thời điểm này lúa thu hoạch đạt trên 90% diện tích, năng suất bình quân 53,07 tạ/ha, cao hơn 3,56 tạ/ha so với vụ thu đông 2019.
Vĩnh Thạnh là một trong những huyện có diện tích thu hoạch muộn nhất so với các quận, huyện khác. Theo Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, vụ lúa thu đông này, toàn huyện xuống giống 19.750ha. Đến nay đã thu hoạch trên 70% diện tích, năng suất trung bình đạt 6,1 tấn/ha. Diện tích lúa thu đông còn lại tập trung ở các xã phía Bắc Cái Sắn như Thạnh An, Thạnh Thắng, Thạnh Lợi và sẽ cho thu hoạch dứt điểm vào giữa tháng 10.
Ông Trần Văn Hậu ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Tôi vừa thu hoạch 1,5ha lúa OM 380 năng suất khoảng 850kg lúa tươi/công, tương đương với năm trước, bán được giá 5.600 đồng/kg, cao hơn 1.000 đồng/kg so với vụ thu đông năm trước nên lời từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/công.
Nhìn chung, nông dân khá phấn khởi vì lúa thu đông dễ tiêu thụ và bán được giá cao hơn từ 500-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, khi thấy giá lúa tăng cao hơn từ 300-600 đồng/kg so với thời điểm cách nay hơn 1 tháng, bà con không khỏi tiếc nuối vì đã lỡ nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái. Lúa tươi IR 50404, OM 5451, OM 4218, OM 380 đang được nông dân bán ngay tại ruộng cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức từ 5.600-6.000 đồng/kg, riêng những hộ đã nhận tiền cọc thỏa thuận bán lúa cho thương lái cách nay hơn 1 tháng trở lên thì bán với giá từ 5.200-5.500 đồng/kg.
Trước tình hình giá lúa trên thị trường tăng khá cao so với thời điểm đặt tiền cọc trước đây, thương lái có điều chỉnh tăng giá thu mua lúa cho nông dân nhưng thường chỉ tăng thêm khoảng 100 -150 đồng/kg hoặc hỗ trợ tiền bốc vác vận chuyển lúa từ ruộng đến nơi cân bán.
Dù lúa thu đông đang thu hoạch trong các tháng mùa mưa nhưng gần đây thời tiết ổn định và mực nước lũ còn khá thấp nên thuận lợi cho thu hoạch. Đồng thời, nông dân còn chủ động tiêu thoát nước cho các ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch để mặt ruộng khô ráo, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc vào đồng ruộng.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV TP. Cần Thơ cho biết: Qua các dự báo gần đây, năm nay lũ về muộn và thấp hơn trung bình nhiều năm trước nhưng nông dân không được chủ quan. Cần cảnh giác với tình hình mưa lũ, thủy triều và các diễn biến cực đoan của thời tiết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đặc biệt đề phòng sâu bệnh trà lúa cuối vụ thu đông thu hoạch muộn, nhằm đảm bảo thắng lợi vẹn toàn.
Theo Lê Hoàng Vũ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã