Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, tỉnh có vùng cây ăn quả tập trung đứng thứ 4 toàn quốc, với diện tích trên 50.000 ha. Trong đó diện tích trồng vải thiều 28.126 ha, chiếm 55,7% tổng diện tích cây ăn quả, sản lượng hàng năm đạt khoảng 150 - 160 nghìn tấn. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) trên 10.000 ha. Doanh thu từ cây ăn quả đạt trên 7.000 tỷ đồng/năm, trong đó thu từ vải thiều khoảng trên 4.500 tỷ...
Sản phẩm quả Bắc Giang được xuất khẩu vào thị trường truyền thống là Trung Quốc; các thị trường xuất khẩu yêu cầu tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản, EU…; và thị trường nội địa.
Trong những năm gần đây, tỉnh đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ… Đặc biệt xác định cây ăn quả chủ lực có giá trị như: vải thiều, cây có múi (bưởi Diễn, cam Canh, cam Vinh...) được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn.
Qua đó Bắc Giang đã thu được những kết quả cụ thể trong khâu sản xuất. Diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt trên 17.000 ha (gồm: vải thiều trên 15.000 ha, cây có múi gần 1.000 ha…), trong đó có 2.500 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (chủ yếu là vải thiều) là 298 ha, trong đó có 80 ha vải thiều được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… ngày càng được mở rộng, chất lượng các loại quả đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Mỹ, Nhật bản, Úc, EU…
Theo ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bắc Giang, thị trường tiêu thụ cây ăn quả của tỉnh trong nước đạt 50%, xuất khẩu 50% sản lượng.
“Để mở rộng thị trường xuất khẩu đối với quả vải thiều nói riêng và các mặt hàng nông sản chủ lực tỉnh Bắc Giang nói chung, ngoài thị trường truyền thống Trung Quốc thì chúng tôi đặc biệt dành sự quan tâm tới thị trường các nước ASEAN, Mỹ, EU và đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Đối với thị trường các nước ASEAN, mặt hàng vải thiều đã được xuất khẩu tại các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia”, ông Tặng cho biết.
Tuy đã có được những kết quả khả quan nhưng việc phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP của tỉnh Bắc Giang vẫn vướng phải nhiều khó khăn, thách thức.
Quy mô sản xuất cây ăn quả còn nhỏ lẻ tập trung chủ yếu quy mô nông hộ (toàn tỉnh có trên 80 nghìn hộ sản xuất cây ăn quả). Số hộ tham gia HTX, Tổ hợp tác liên kết sản xuất chiếm tỷ lệ thấp nên sản xuất các sản phẩm nông sản chưa đồng đều về số lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm.
Việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu sản phẩm và truy xuất nguồn gốc còn hạn chế. Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đã được đăng ký nhãn hiệu độc quyền nhưng các hội, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp chưa khai thác, và phát huy tối đa lợi thế và giá trị của nhãn hiệu độc quyền.
Bên cạnh đó chi phí cho chứng nhận sản xuất VietGAP, GlobalGAP còn cao, diện tích được cấp giấy chứng còn chưa nhiều, liên kết trong sản xuất nói chung và sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP còn hạn chế và chưa bền vững, dẫn tới tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn.
Ngoài ra thông tin thị trường, quy cách và yêu cầu chất lượng hàng hóa và công nghiệp phụ trợ như đóng gói, sơ chế, chế biến, bảo quản chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn thiếu như đường giao thông, nhà máy sơ chế, đóng gói, bảo quản sau thu hoạch… chưa được đầu tư đồng bộ.
Trao đổi với NNVN về hướng đi lâu dài cho việc phát triển cây ăn quả tại Bắc Giang, ông Đặng Văn Tặng cho hay: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản; sản xuất đủ các điều kiện để xuất khẩu vào từng loại thị trường theo yêu cầu của các nước. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ tập trung vào công tác bảo quản, chế biến, khâu tem nhãn, bao bì sản phẩm để đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn mà các thị trường xuất khẩu đưa ra.”
Nguồn tin: Phạm Hiếu/nongnghiep.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã