Ngày 8/12, đã diễn ra hội nghị trực tuyến giữa Bộ NNPTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và lễ ký Nghị định thư xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, thạch đen là loại cây có tiềm năng phát triển rất tốt ở miền núi phía Bắc, nếu xuất khẩu được sẽ thu ngoại tệ rất tốt. Đồng thời, tạo sinh kế cho người dân và khai thác tiềm năng lợi thế đất đai, khí hậu của vùng miền núi phía Bắc.
Cây Thạch đen Tràng Định được trồng tại 23/23 xã, thị trấn nhưng chủ yếu tập trung phát triển ở 7 xã vùng phía Tây của huyện.
Diện tích thạch đen hằng năm dao động từ 1.200 – 2.000ha, cho sản lượng trung bình từ 8.000 – 10.000 tấn, đem lại giá trị khoảng 240 – 270 tỷ đồng/năm.
Với giá trị cao gấp 10 lần so với trồng lúa, thạch đen được coi là cây giảm nghèo của nông dân huyện Tràng Định.
Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi đang có tiềm năng và thế mạnh phát triển cây thạch đen. Với diện tích từ 1.200 – 2.000ha/năm, thạch đen cho năng suất trung bình trên 5 - 6 tấn/ha, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cây thạch đen là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, được bà con trồng với diện tích lớn ở hầu hết các xã. Đặc biệt, cây thạch đen được trồng tập trung nhiều nhất ở các xã: Kim Đồng, Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Khánh Long... của huyện Tràng Định. Ngoài ra, cây thạch đen cũng đang được mở rộng trồng thêm ở xã Bắc La, huyện Bình Gia.
Cây thạch đen sau thu hoạch sẽ được phơi khô rồi mang bán. Thị trường truyền thống của cây thạch đen vẫn là Trung Quốc. Tuy nhiên, có thời điểm việc xuất khẩu cây thạch đen cũng gặp phải nhiều khó khăn do chính sách, tiêu chuẩn khắt khe của phía Trung Quốc.
Anh Nguyễn Văn Đức (xã Tân Tiến, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) cho biết, từ xưa, cây thạch đen đã được trồng ở đây. Ở đây không ít thì nhiều, hầu như nhà nào cũng trồng cây thạch đen này. Cây được trồng trên nương hoặc trong ruộng, sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô rồi cuộn lại thành từng bó.
Nhờ trồng cây thạch đen mà người dân có thêm thu nhập. Việc xuất khẩu có nhiều thuận lợi sẽ giúp người nông dân không lo về đầu ra, chú trọng chăm sóc, phát triển quy mô trồng ngày càng nhiều loại cây này.
Ông Từ Trọng Hiếu, Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Tràng Định, Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh thạch đen huyện Tràng Định cho biết, trung bình 1ha người dân thu được hơn 5 tấn (54 - 56 tạ/ha) mang lại giá trị kinh tế lớn. Hiện tại giá cây thạch đen đang dao động ở mức 30.000 -48.000 đồng/kg đối với thạch đen trồng nương, còn thạch ruộng có giá trị thấp hơn.
Ông Hà Văn Mão, người thu mua cây thạch khô tại huyện Tràng Định cho biết: Cây thạch đen được bà con trồng trên nương và ruộng tuy nhiên cây thạch trồng trên nương có giá trị kinh tế cao hơn, cho chất lượng thạch thơm và ngon hơn. Mỗi năm gia đình ông thu mua của bà con từ 12- 15 tấn cây thạch khô.
Việc Nghị định thư xuất khẩu thạch đen của Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu tốt hơn, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng hay một số tỉnh phía Nam cũng có thể phát triển loại cây trồng này.
Cây thạch đen (Mesona chinensis Benth, thuộc họ hoa môi Lamiacea) còn có tên gọi là cây lương phấn thảo hay cây sương sáo.
Đây là loại cây thân thảo thấp, chiều cao trung bình từ 40-60cm, có thể dùng thân và lá để nấu ra thạch để ăn, giải khát rất tốt cho sức khỏe.
Theo Tuấn Minh/danviet.vn
https://etime.danviet.vn/cay-thach-den-rong-duong-xuat-ngoai-nong-dan-xu-lang-co-nguon-thu-lon-20201209081523662.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã