Nông dân đứng trước muôn vàn khó khăn
Hơn 30 năm trồng cà phê, bà Hoàng Thị Hương (thôn Tam Hà, xã Cư Klông, huyện Krông Năng, Đắk Lắk) đã chứng kiến rất nhiều thăng trầm về giá cả của loại cây này. Đặc biệt, những năm gần đây, giá cà phê giảm mạnh. Nếu 3 năm trước một ký cà phê bán được 47.000 đồng thì nay chỉ còn hơn 30.000 đồng. Giá thấp cùng với vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nông dân trồng cà phê như bà Hương không còn chút đồng lãi nào.
Cũng như bà Hương, ông Y Măk Byă (buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cũng đã chứng kiến những vất vả của người nông dân.
Ông Y Măk cho biết: "Bà con thường trồng cây theo giá thị trường. Nhiều năm nay, giá cà phê, hồ tiêu, cao su xuống thấp, nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái như sầu riêng, bơ, mít Thái, na… Thế nhưng, giá những loại trái cây này cũng bấp bênh, nông dân băn khoăn không biết trồng cây gì để có lãi".
Những năm gần đây, ngoài cà phê và tiêu, một số loại cây nông nghiệp dài ngày như sầu riêng và bơ phát triển một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện giá của cả hai loại nông sản này đều giảm. Nếu giá sầu riêng vẫn còn "chấp nhận được" thì giá bơ đang rớt thấp nhất trong lịch sử.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ Hương Cao Nguyên (một đơn vị chuyên thu mua nông sản cho nông dân) cho biết: "Từ đầu năm đến nay, giá bơ được thương lái thu mua tại vườn có lúc chỉ 5.000 đồng/kg. Những loại bơ ngon, giá cũng chỉ đến 10.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ những năm trước đây khoảng 8 lần. Doanh nghiệp đã cố gắng trợ giá cho nông dân nhưng cũng chỉ thực hiện được với các nông hộ, các hợp tác xã đã ký liên kết từ đầu với công ty".
Không chỉ thế, Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình biến đổi khí hậu.
"Biến đổi khí hậu đã gây ra rất nhiều hiện tượng cực đoan. Đắk Lắk trong những năm vừa qua, tần suất bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, mùa mưa thì ngập lụt, mùa nắng hạn hán kéo dài, gây chết nhiều diện tích cây nông nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, ca cao. Trong khi đó, các loại cây này thời gian tái canh rất lâu, 4-5 năm mới có thu hoạch. Việc này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân"- ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết.
Khi hay tin, Thủ tướng Chính phủ chọn Đắk Lắk để đối thoại với nông dân, những nông dân như bà Hoàng Thị Hương đã hết sức vui mừng: "Tôi vô cùng vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ chọn Tây Nguyên làm điểm đến để đối thoại. Hy vọng sau cuộc đối thoại, Trung ương sẽ có nhiều quyết sách, chính sách giúp nông sản có đầu ra, giá cả ổn định"- bà Hương nói.
Cũng như bà Hương, ông Y Măk Byă cũng hi vọng: "Sau hội nghị này, những khó khăn của bà con nông dân sẽ được khắc phục để chúng tôi yên tâm sản xuất".
Không chỉ nông dân mà doanh nghiệp cũng hết sức kỳ vọng những hiệu quả tích cực sau hội nghị. Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Ea Wy (xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) nói: "Chủ trương của Đảng và Nhà nước là đầu tư, hướng nông nghiệp sản xuất theo chuỗi sản phẩm và nông nghiệp sạch, nông dân đã tiếp cận được. Tuy nhiên, tôi mong ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa về vấn đề tiêu thụ sản phẩm để nông dân có đầu ra ổn định, giúp nông dân kết nối được với doanh nghiệp lớn để xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của địa phương. Tôi hi vọng, sau hội nghị này sẽ giải quyết được việc trên".
Ông Nguyễn Văn Tư-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk cho biết, thông tin Thủ tướng đối thoại với nông dân đã lan tỏa niềm vui mừng rất lớn nông dân Đắk Lắk. Họ đã chuẩn bị rất nhiều câu hỏi tâm huyết để gửi đến Thủ tướng.
"Toàn tỉnh Đắk Lắk có 335.340ha cây ăn quả, sản phẩm phong phú và ngon. Do đó, trăn trở lớn của người nông dân Đắk Lắk hiện nay là sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, hữu cơ, vậy làm thế nào để tăng giá trị và tiêu thụ được sản phẩm; nói cách khác là làm thế nào để bán được sản phẩm, để người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm sạch với sản phẩm đại trà"- ông Nguyễn Văn Tư nói.
Ông Nguyễn Văn Tư cũng mong muốn sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3, Chính phủ và các bộ, ngành tạo cơ chế, hành lang tốt nhất cho nông dân về vốn, công nhận sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay.
Nói về Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3, ông Y Giang Gry Niê Knơng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: Cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh rất vui mừng và tự hào khi Thủ tướng Chính phủ chọn Đắk Lắk là nơi tổ chức Hội nghị đối thoại với nông dân lần thứ 3. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn với tỉnh. Qua đó, tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng, Thủ tướng cùng các bộ, ngành sẽ đưa ra các giải pháp đồng bộ để chỉ đạo, định hướng cho nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Tỉnh Đắk Lắk cũng mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo cơ chế đặc thù cho các tỉnh Tây Nguyên quy hoạch ổn định về dân cư, xác lập các quyền làm chủ về nhà ở và đất canh tác, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho tỉnh Đắk Lắk về kết nối vùng, nhất là hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu".
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đắk Lắk với chủ đề: "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt, giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" có ý nghĩa hết sức to lớn. Nông dân sẽ được trực tiếp xúc để trình bày những khó khăn, kiến nghị đến trực tiếp Thủ tướng cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban, ngành để được tháo gỡ, tạo cơ chế cho bà con nông dân có hướng và điều kiện để sản xuất nông nghiệp bền vững và phát huy được nội lực của địa phương.
"Tôi cũng rất kỳ vọng Thủ tướng cùng các Bộ, ban, ngành quan tâm đầu tư cho tỉnh về kết nối vùng đặc biệt là về giao thông thuận lợi để làm động lực phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên"- ông Y Giang Gry Niê Knơng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nói.
Nguồn tin: Duy Hậu/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã