Học tập đạo đức HCM

Chủ động giải tỏa vướng mắc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản

Thứ sáu - 23/07/2021 07:16
Nhiều loại trái cây cả nước đang vào vụ thu hoạch, cần khơi thông tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, việc kiểm dịch cho nông sản xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.

Ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã làm việc với một số đơn vị của Bộ NN-PTNT nhằm rà soát tình hình sản xuất, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho một số sản phẩm nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Mối lo nhiều loại trái cây vào chính vụ 

Theo Cục Trồng trọt, hiện một số cây ăn quả trên cả nước đang bước vào thời kỳ thu hoạch rộ.

Tại phía Nam, vùng nhãn tập trung tại các tỉnh ĐBSCL như Sóc Trăng, Đồng Tháp… đang bắt đầu vào chính vụ. Tổng sản lượng nhãn tại các tỉnh phía Nam cần phải tiêu thụ trong thời gian tới ước còn khoảng 120 nghìn tấn, nhu cầu tiêu thụ bình quân khoảng 20 nghìn tấn/tháng.

Vựa nhãn Sơn La với sản lượng gần 100 nghìn tấn sẽ bước vào thu hoạch chính vụ trong tháng 8/2021. Ảnh: LB.

Vựa nhãn Sơn La với sản lượng gần 100 nghìn tấn sẽ bước vào thu hoạch chính vụ trong tháng 8/2021. Ảnh: LB.

Đối với xoài, tổng sản lượng xoài đã tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2021 tại các tỉnh phía Nam khoảng 330 nghìn tấn. Dự kiến, sản lượng xoài còn phải tiêu thụ từ nay tới cuối năm vào khoảng 240 nghìn tấn (nhu cầu tiêu thụ bình quân khoảng 41 nghìn tấn/tháng).

Ngoài ra, sản lượng thanh long tại các tỉnh ĐBSCL cần phải tiêu thụ trong thời gian tới vào khoảng 580 nghìn tấn (bình quân khoảng 48 nghìn tấn/tháng). Các loại trái cây khác như mít, sầu riêng vẫn còn khoảng 50% tổng sản lượng/năm cần phải tiêu thụ trong thời gian tới.

Tại các tỉnh phía Bắc, tổng sản lượng xoài phía Bắc dự kiến cả năm 2021 khoảng 115 nghìn tấn, tăng 10% so với năm 2020, trong đó riêng Sơn La khoảng 65 nghìn tấn. Đến nay, vụ xoài ở các tỉnh phía Bắc đã cơ bản được thu hoạch và tiêu thụ xong.

Tuy nhiên thời gian tới, các tỉnh phía Bắc sẽ bước vào vụ thu hoạch nhãn chính vụ, với tổng sản lượng khoảng 300 nghìn tấn (tăng 13% so với năm 2020). Trong đó riêng vùng nhãn tại Sơn La dự kiến sản lượng khoảng gần 100 nghìn tấn (tăng 10% so với năm trước).

Nhiều loại trái cây như xoài, chôm chôm, sầu riêng, thanh long... tại các tỉnh phía Nam vẫn còn lượng lớn sản lượng cần tiêu thụ trong thời gian tới. Ảnh: LHV.

Nhiều loại trái cây như xoài, chôm chôm, sầu riêng, thanh long... tại các tỉnh phía Nam vẫn còn lượng lớn sản lượng cần tiêu thụ trong thời gian tới. Ảnh: LHV.

Hiện trà nhãn sớm tại các tỉnh phía Bắc với khoảng 63 nghìn tấn (chiếm khoảng 20% tổng sản lượng) đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Trà nhãn chính vụ (chiếm khoảng 68%) và trà muộn (tập trung chủ yếu tại Sơn La) sẽ thu hoạch rộ trong tháng 8/2021.

Hiện nay, trà nhãn sớm chủ yếu tiêu thụ nội địa, đang có giá khá tốt. Tại Sơn La, giá nhãn xuất khẩu vào khoảng 20-25 nghìn đồng/kg, nhãn nội tiêu khoảng 15-20 nghìn đồng/kg và nhãn tạp (nhãn thóc, nhãn nước, dùng xoáy long nhãn) khoảng 7-10 nghìn đồng/kg. Sơn La hiện cũng đã và đang triển khai các giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo việc tiêu thụ, xuất khẩu nhãn trong vụ thu hoạch sắp tới gần.

Bên cạnh nhãn, phía Bắc sẽ có khoảng 120 nghìn tấn na sẽ bước vào thu hoạch chính vụ trong tháng 8/2021.

“Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu, diện tích thu hoạch mới chỉ đạt khoảng 25%. Vì vậy đối với các địa phương phải phong tỏa, giãn cách do dịch Covid-19, kiến nghị có cơ chế huy động lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng vũ trang ở nơi khác tăng cường vào để giúp người dân thu hoạch lúa.

Đối với sản xuất rau màu, khuyến khích người dân các đô thị tự túc đẩy mạnh gieo trồng rau ăn lá ngắn ngày bằng thùng xốp để đáp ứng một phần nhu cầu tại chỗ. Các vùng sản xuất rau để cung ứng cho các đô thị, cần đẩy mạnh sản xuất các loại rau lấy củ, quả, hạn chế sản xuất rau ăn lá”.

(Ông Lê Văn Đức, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt)

Kiểm dịch thực vật gặp nhiều khó khăn

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết đến thời điểm này, việc xuất khẩu các mặt hàng trái cây của nước ta vẫn diễn ra thuận lợi.

Công tác kiểm dịch cho nông sản xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19. Ảnh: LB.

Công tác kiểm dịch cho nông sản xuất khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19. Ảnh: LB.

Theo thống kê của hệ thống kiểm dịch thực vật cả nước, đến thời điểm này, lượng thanh long đã xuất khẩu được khoảng 1 triệu tấn (so với 1,92 triệu tấn cả năm 2020). Đặc biệt, xoài đã xuất khẩu được trên 500 nghìn tấn (bằng cả năm 2020).

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Cục BVTV đã chỉ đạo toàn hệ thống kiểm dịch thực vật tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo thông suốt cho khâu kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu, nhất là trái cây.

Mặc dù vậy, việc các địa phương, nhất là các địa phương phải phong tỏa, kiểm soát dịch Covid-19, việc triển khai các thủ tục về kiểm dịch thực vật cho hàng xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ kiểm dịch, kể cả đã có chứng nhận tiêm vacxin, muốn vào vùng dịch bắt buộc phải thực hiện lấy mẫu test Covid-19, và cũng chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày, vì vậy gần như không thể trực tiếp tới các doanh nghiệp để thực hiện thủ tục kiểm dịch.

“Trước tình hình đó, Cục BVTV đã thống nhất để các lô hàng xuất khẩu tại các tỉnh có dịch Covid-19 ở phía Nam chở hàng hết hàng về cảng tại TP. HCM và huy động tối đa lực lượng cán bộ kiểm dịch tại đây triển khai thực hiện thủ tục kiểm dịch ngay tại cảng, thay vì thực hiện tại doanh nghiệp như trước đây”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho hay.

Dịch bệnh Covid-19 cũng đang khiến công tác kiểm tra, giám sát sâu bệnh trong sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, gián đoạn. Ảnh: LB.

Dịch bệnh Covid-19 cũng đang khiến công tác kiểm tra, giám sát sâu bệnh trong sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, gián đoạn. Ảnh: LB.

Cũng theo ông Hoàng Trung, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động của các đơn vị kiểm dịch thực vật vẫn phải đảm bảo duy trì phục vụ công tác xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng đã có chi cục buộc phải ngừng hoạt động do có sự tiếp xúc với khách hàng thuộc diện F1 với bệnh Covid-19.

"Hiện nay, việc thực hiện kiểm dịch thực vật cho các lô hàng nông sản nhập khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ vừa qua, một số thuyền viên trên tàu chở hàng nhập khẩu của Indonesia xét nghiệm bị dương tính với Covid-19. Vì vậy mặc dù tàu đã cập cảng, nhưng cán bộ kiểm dịch không thể tiếp xúc với tàu hàng để làm thủ tục kiểm dịch.

Vì vậy kiến nghị thời gian tới, cần có cơ chế đặc biệt ưu tiên tiêm phòng vacxin Covid-19 cho lực lượng cán bộ kiểm dịch. Bởi hiện lực lượng này vẫn chưa được tiêm phòng vacxin đầy đủ.

Với công tác bảo vệ thực vật, do dịch Covid-19 nên tại nhiều địa phương, nông dân không thể ra đồng. Các cán bộ bảo vệ thực vật cũng không thể xuống địa bàn để nắm bắt tình hình, làm công tác giám sát đồng ruộng, dự tính dự báo sâu bệnh hại… Đây cũng là vấn đề hết sức khó khăn trong chỉ đạo sản xuất hiện nay", ông Hoàng Trung cho biết. 

Chủ động, sẵn sàng kịch bản tiêu thụ

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, hiện nay, về tổng thể tình hình sản xuất nông nghiệp cũng như hoạt động xuất khẩu nông sản vẫn đang được duy trì tốt.

Tuy nhiên, việc cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Nam đang hết sức khó khăn, đứt gãy do dịch bệnh Covid-19. Đây là điều cần phải tiếp tục khẩn trương có các giải pháp tháo gỡ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, kinh nghiệm trong việc đảm bảo tiêu thụ, thông thương trong vụ vải thiều, xoài tại phía Bắc thời gian qua trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 là bởi các địa phương, phối hợp với các Bộ ngành đều đã sẵn sàng, chủ động các giải pháp tiêu thụ gắn với từng kịch bản diễn biến dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị thời gian tới, hệ thống các đơn vị trong ngành nông nghiệp, của Bộ NN-PTNT cũng cần sẵn sàng chuẩn bị các phương án, kịch bản để đảm bảo duy trì các hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản trong các diễn biến khác nhau của dịch bệnh Covid-19 để không xẩy ra các ách tắc, đứt gãy trong hoạt động.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị liên quan phải liên tục rà soát, chủ động nắm bắt để đưa ra những dự báo, nhận định và kế hoạch, kịch bản tiêu thụ cho từng loại sản phẩm nông sản…

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 phức tạp, tuy nhiên công tác đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản vẫn phải xúc tiến triển khai, nhất là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản…  

Theo Lê Bền/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/chu-dong-giai-toa-vuong-mac-tieu-thu-xuat-khau-nong-san-d297857.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập88
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm87
  • Hôm nay30,298
  • Tháng hiện tại1,009,923
  • Tổng lượt truy cập91,073,316
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây