Hiện nay, Hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Theo đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/05/2017), bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với 17 Mục tiêu phát triển bền vững.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và nhiều chương trình, đề án khác của Chính phủ giai đoạn tới đã có những định hướng mới quan tâm đến phát triển các hệ thống lương thực phực phẩm có tính địa phương, bản địa cao, quan tâm đến an toàn thực phẩm và dịch bệnh, kết hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn với hy vọng sẽ góp phần đẩy mạnh khả năng cải tiến Hệ thống lương thực thực phẩm trong trung hạn.
Sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam hướng tới cách tiếp cận đa mục đích nhằm tiếp tục chuyển đổi thành quốc gia cung ứng hàng hóa nông sản ngày càng lớn mạnh, phục vụ nhu cầu về khối lượng và chất lượng ngày càng tăng của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.
Cùng với đó là mục đích thông minh với khí hậu, bảo vệ tài nguyên, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; cung cấp nguồn sinh kế bền vững trong khi vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là cho người nghèo ở những vùng nông thôn.
Điều này được thể hiện thông qua nhiều chương trình, kế hoạch hành động, chiến lược quốc gia đã được Chính phủ và Bộ NN-PTNT ban hành với mục tiêu thương hiệu nông nghiệp Việt Nam là Nhà cung cấp lương thực thực phẩm “trách nhiệm, minh bạch và bền vững”.
Trong thập kỷ hành động này, Hệ thống lương thực phực phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nỗ lực để đạt được tất cả 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Khung Hệ thống lương thực phực phẩm đưa ra cách tiếp cận hợp tác đa ngành và đa cấp phù hợp với các chương trình hành động và chính sách hiện hành của Việt Nam như Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình OCOP; Chương trình Hành động Quốc gia Không còn nạn đói đến năm 2025; Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030…
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á cam kết thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia Không còn nạn đói đến năm 2025 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (SDG2) xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đang thực hiện.
Sau khi xác định được các thách thức chính đối với hệ thống lương thực phực phẩm của Việt Nam, các cuộc Đối thoại cấp quốc gia và cấp vùng đã đi đến một số sáng kiến và giải pháp chung cần thiết cho việc chuyển đổi hệ thống lương thực phực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững hơn đến năm 2030.
Cụ thể đó là thành lập diễn đàn đa phương đầu tư và đổi mới nhằm nâng cao các mô hình và chiến lược phát triển chuỗi giá trị lương thực phực phẩm khả thi và bền vững kết hợp các nguyên tắc kinh tế nông nghiệp và khí hậu thông minh, chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, chú trọng sản xuất lương thực phực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng,tạo thuận lợi cho thương mại nông sản toàn cầu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản trong đại dịch Covid-19.
Rà soát và đổi mới thể chế, chính sách và các quy định trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các thể chế, lồng ghép và tích hợp các vấn đề và chương trình liên kết hệ thống lương thực phực phẩm.
Cập nhật, bổ sung chính sách về tín dụng, bảo hiểm, khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khuyến khích đầu tư có trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực thực phẩm. Hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình tổ chức nông dân, hợp tác xã và các hội, hiệp hội nghề trong nông nghiệp, nông thôn.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất (đường bộ, giao thông, dịch vụ hậu cần logistic, chuỗi công nghệ lạnh, chợ đầu mối phân phối, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh) để cải thiện liên kết vùng và kết nối thị trường và hệ thống phân phối lương thực phực phẩm.
Đầu tư vào nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, chuyển giao khoa học công nghệ gắn với nhu cầu của hệ thống lương thực phực phẩm, tăng cường hiệu quả trong bảo quản, chế biến, tái chế phụ phẩm. Qua đó giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm và nâng cao giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, gia tăng giá trị bằng các thực phẩm lành mạnh và bổ dưỡng.
Tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo để Việt Nam hướng tới trở thành một trung tâm sáng tạo về Hệ thống lương thực thực phẩm của khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, Việt Nam cùng với các đối tác quốc tế hướng tới chuyển đổi xanh nền kinh tế và xây dựng hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp.
Đầu tư vào chuyển đổi số trên toàn bộ hệ thống thực phẩm từ truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, quy cách sản phẩm và chất lượng, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, thu mua và phân phối sản phẩm, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật. Chuyển đổi số sẽ đi cùng với quá trình đổi mới thể chế quản trị để phát triển hệ thống lương thực thực phẩm tích hợp đa giá trị, bao gồm cả kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan và môi trường.
Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới, tài nguyên biển. Hợp tác, kết nối trong nghiên cứu, dự báo và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.
Đổi mới trong khuyến nông, đào tạo và giáo dục trên diện rộng cho nông dân và kinh doanh theo chuỗi giá trị. Xây dựng và cập nhật bảng cân đối dinh dưỡng quốc gia, làm cơ sở định hướng sản xuất, phân phối; tăng cường giáo dục để tạo thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng tiết kiệm, tránh thất thoát lãng phí thực phẩm và tiêu dùng xanh, có trách nhiệm cho toàn dân.
Ưu tiên bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, các chính sách đưa ra đặc biệt quan tâm các nhóm dễ bị tổn thương nhất bị ảnh hưởng bởi các cú sốc và căng thẳng. Các sáng kiến về tài chính, đặc biệt là các giải pháp công nghệ tài chính giúp cho vay và tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm và thanh toán hiệu quả hơn.
Việt Nam hoan nghênh Tầm nhìn hướng tới phát thải bằng không (Net-Zero Emission) vào năm 2050 của lãnh đạo các nước tại Diễn đàn hợp tác cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu 2030 (P4G). Đồng thời cam kết chuyển đổi hệ thống lương thực phực phẩm theo hướng xanh, áp dụng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính và bền vững.
https://nongnghiep.vn/chuyen-doi-he-thong-luong-thuc-thuc-pham-de-dat-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-d303740.html
Theo Phạm Hiếu - Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã