Ông có thể cho biết tiềm năng để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn của tỉnh Quảng Nam trên từng lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản; lâm nghiệp như hiện nay?.
Ông Phạm Viết Tích cho biết, Quảng Nam là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nằm ở khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung theo định hướng chung của cả nước.
Với diện tích tự nhiên là 10.574,74 km2, diện tích đất nông nghiệp 890.761 ha chiếm 84,2%, đất lâm nghiệp có rừng 667.333 ha (63,11 % đất tự nhiên) trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 219.511 ha (chiếm 20,76% đất tự nhiên).
Tiềm năng đất đai phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp khá lớn, hệ sinh thái đa dạng và có các yếu tố tự nhiên tương đối thuận lợi, nhiều tiểu vùng sinh thái đa dạng và đặc trưng cho vùng sinh thái giao thoa 2 vùng Nam - Bắc, thuận lợi cho việc phát triển đa dạng hóa ngành nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản), các sản phẩm như Sâm Ngọc Linh (quy hoạch trên 15.000 ha), Quế Trà My (quy hoạch trên 10.000ha), nhiều dược liệu quý, phát triển các sản phẩm sạch, hữu cơ, gỗ nguyên liệu rừng trồng (200.000 ha), chăn nuôi tập trung.
Đây là những thế mạnh trong phát triển nông nghiệp của Quảng Nam. Đã định hướng quy hoạch 8 khu, 11 vùng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với thế mạnh về tài nguyên đất đai rộng lớn, thuận lợi cho phát triển nông, lâm, thủy sản gắn với du lịch sinh thái, đồng quê, sông, biển... có tiềm năng chưa được phát huy, gắn với du lịch di tích phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn… và cùng xu hướng của người tiêu dùng đang tạo điều kiện tốt cho việc phát triển các sản phẩm đặc sản miền núi của tỉnh (như: Sâm Ngọc Linh, ba kích, đẳng sâm, giảo cổ lam, chè dây, tiêu Tiên Phước, …).
Bên cạnh, Quảng Nam có 125km bờ biển, với ngư trường rộng 40.000 km2; có nhiều loại hải sản quý như Hải sâm, bào ngư, tôm hùm..., đặc biệt có yến sào ở Cù Lao Chàm; nhiều cửa sông, lạch, lớn nhỏ khoảng 30.000 ha mặt nước, trong đó có 10.000 ha bãi triều, thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản.
Trong nhiều năm qua, UBND tỉnh đã tạo điều kiện thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói riêng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, tạo động lực mạnh mẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách cũng là tiền đề tạo động lực thúc đẩy đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, định hướng phát triển sản xuất theo vùng và hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao…
Cái thiếu và yếu để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững của tỉnh Quảng Nam hiện nay là gì, thưa ông?.
Mặc dù hiện nay, giá trị ngành nông nghiệp (GRDP) chỉ chiếm tỉ trọng 11,9% tổng sản phẩm trên địa bàn, nhưng lại chiếm hơn 70% lao động khu vực nông thôn.
Vì vậy, hiện nay và trong tương lai gần để nâng cao năng đời sống cho cư dân nông thôn cần phải tập trung đầu tư, nhất là ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.
Trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp an toàn có giá trị cao là một trong những lựa chọn cần thiết.
Tình trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính truyền thống, nhỏ lẻ, chưa tổ chức thành vùng tập trung, chuyên canh cao, gặp khó khăn trong việc liên kết sản xuất hoặc giải phóng mặt bằng cho các nhà đầu tư (tích tụ, tập trung đất đai), cũng như việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn ngành vào sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm cạnh tranh, sản phẩm hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu là điều còn nhiều khó khăn.
Cơ chế, chính sách đã bước đầu tạo cú hích và thúc đẩy thu hút đầu tư hơn 400 doanh nghiệp trong thời gian 5 năm trở lại đây, song hạ tầng phục vụ cho vùng sản xuất nông nghiệp đặc biệt ở các huyện miền núi vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng điều kiện, yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa, vùng có nhiều tiềm năng... nên vẫn còn hạn chế.
Thời gian qua dịch bệnh, thiên tai xảy ra liên miên ở Quảng Nam gây khó khăn cho nông dân, vậy ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam có biện pháp gì để giúp người dân khắc phục hậu quả, nhất là chăn nuôi và vườn cây ăn quả?.
Trong thời gian qua, mặc dù trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt thiên tai lớn nhưng thiệt hại về người và tài sản đã được giảm tới mức tối đa. Sau thiên tai, các địa phương đã nhanh chóng khắc phục, tái thiết sớm ổn định đời sống và sản xuất sau thiên tai.
Điều này, đã chứng minh được rằng tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai, các hoạt động trên lĩnh vực này ngày càng được sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các cấp chính quyền địa phương.
Riêng đối với ngành nông nghiệp để khắc phục hậu quả của thiên tai, dịch bệnh ổn định sản xuất và đời sống cho người dân. Trước hết, tham mưu UBND tỉnh xây dựng và thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025.
Trong giai đoạn 2021 - 2022, tiếp tục thực hiện công tác bố trí sắp xếp, ổn định dân cư cho 2.297 hộ dân bị mất nhà ở do thiên tai và có nguy cơ cao bị thiên tai cần phải di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của các hộ dân có nguy cơ cao bị thiên tai.
Theo đó, sẽ hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tái định cư: Đường giao thông, cấp nước sinh hoạt, cấp điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt văn hóa kết hợp trú tránh bão, lũ (vào mùa mưa bão), san lấp mặt bằng và hỗ trợ hộ dân di dời, sắp xếp dân cư.
Khảo sát và xây dựng chuyển đổi các mô hình sản xuất, các vùng bị sạt lở bồi lấp, đặc biệt tập trung hỗ trợ cho phát triển kinh tế vườn nhà, vườn đồi trồng cây ăn quả (cây có múi), dược liệu, trồng cỏ và kết hợp chăn nuôi bò, heo gia cầm để nâng cao thu nhập tại chỗ.
Bên cạnh đó, gấp rút triển khai xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất để phù hợp thích ứng với thiên tai, nhất là vùng đã bị ảnh hưởng thiệt hại.
Tập trung kiến thiết, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chuẩn bị thức ăn, quản lý đàn vật nuôi vùng miền núi để nuôi dưỡng hiệu quả, phòng tránh dịch bệnh. Hướng dẫn biện pháp người chăn nuôi gia cố, nâng cấp chuồng trại phù hợp cho từng loại vật nuôi đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ...
Nếu xếp mức độ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay thành 4 mức là, hiện đại, khá, trung bình, lạc hậu, xin ông cho biết thực trạng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam đang ở mức nào?
Thực tế tại Quảng Nam việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới chỉ manh nha, nhỏ lẻ, bước đầu ứng dụng từng phần trong các khâu của quá trình sản xuất (trừ Khu VinEco Nam Hội An của Công ty VinEco - thuộc quần thể Vinpearl Nam Hội An của Tập đoàn Vingroup là ứng dụng đồng bộ và ứng dụng kỹ thuật tiến tiến).
Có thể kể một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Quảng Nam thời gian qua ở mức trung bình - khá, đã có nhiều cố gắng trong việc đẩy mạnh ứng dụng và sản xuất các mặt hàng sản phẩm OCOP, hơn 200 sản phẩm 3,4 sao trong 2 năm trở lại đây, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mở rộng quy mô, duy trì nâng cao chất lượng để tiến xã hơn nữa tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Riêng lĩnh vực trồng trọt, Quảng Nam đã tiếp nhận kết quả nghiên cứu KHCN từ các viện, trường, doanh nghiệp sản xuất giống chuyển giao và tổ chức sản xuất thành công hạt lai F1 của lúa, ngô, trở thành một trong những địa phương đi trước và ứng dụng thành công.
Diện tích sản xuất hạt giống lúa F1, cả tổ hợp lai 3 dòng và 2 dòng hàng năm từ 300 - 500 ha, là một trong những địa phương có diện tích sản xuất hạt giống lúa lai F1 lớn nhất cả nước.
Trong sản xuất hoa, rau, hiện tại đang có nông trường VinEco Nam Hội An được Vingroup đầu tư công nghệ canh tác thông minh với những thiết bị, hạ tầng nông nghiệp, được chuyển giao 100% từ nước ngoài; công nghệ nhà kính điều khiển khí hậu (Pháp), công nghệ canh tác nhiều tầng (Singapore), công nghệ sản xuất nhà màng và công nghệ tưới thông minh (Israel), cho phép trồng rau quanh năm.
Còn lại là các mô hình nhỏ lẻ, ứng dụng nhà lưới, hệ thống tưới phun và thủy canh (tập trung ở các vùng ven đô của thành phố Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn)…
Nhìn chung, mặc dù có định hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Nam, nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa hình thành các khu, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tập trung...
Theo Trương Hồng/danviet.vn
https://danviet.vn/co-loai-to-yen-ngon-nhat-the-gioi-co-thu-sam-quy-quang-nam-xac-dinh-nong-nghiep-la-the-manh-20210206111047018.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã