Mứt Tết làm từ củ đinh lăng-món lạ, tốt cho sức khỏe
Chia sẻ về ý tưởng làm mứt đinh lăng, anh Đinh Văn Thuận ở Hải Đông, huyện Hải Hậu tâm sự, gia đình anh vốn trồng nhiều cây đinh lăng nhất ở xã Hải Đông.
Vườn đinh lăng của nhà anh Thuận cũng có quy mô lớn nhất, nhì ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định).
Ban đầu anh Thuận chỉ trồng cây đinh lăng để bán các sản phẩm tươi như: rễ đinh lăng, củ đinh lăng, thân đinh lăng và lá đinh lăng cho các công ty dược liệu.
Việc bán các bộ phân cây sâm người nghèo cho các công ty dược tuy có mang lại thu nhập, nhưng hiệu quả kinh tế chưa như kỳ vọng của nông dân. Vì vậy, anh Thuận luôn suy nghĩ làm thế nào để nâng cao giá trị kinh tế cho cây đinh lăng.
Cũng từ những trăn trở với cây sâm người nghèo mà anh Thuận luôn mày mò, tìm cách, thử nghiệm các sản phẩm được chế biến từ cây đinh lăng, nhất là củ đinh lăng.
"Cũng một dịp Tết, nhìn thấy vợ làm mứt dừa ăn Tết, lúc đó trong đầu tôi mới nghĩ ra ý tưởng làm mứt đinh lăng. Ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi bắt tay vào làm ngay với việc ra vườn hì hục đào mấy bụi đinh lăng lấy củ, rửa sạch, cắt lát mỏng và bắt đầu làm mứt. Sau một hồi loay hoay, cuối cùng mẻ mứt đinh lăng đầu tiên cũng ra lò. Cả nhà ăn thử thấy ngon, vị lạ và thơm, rất dễ ăn, mọi người trong nhà ai cũng thích" - 8X Hải Hậu nhớ lại.
Cũng từ cơ duyên đó mà mấy năm nay, cứ vào dịp Tết, gia đình anh Đinh Văn Thuận lại bận rộn với công việc làm mứt đinh lăng để bán. Loại mứt mà mới nghe tên đã thấy lạ, nhưng chắc chắn một điều loại mứt này ăn sẽ rất tốt cho sức khỏe.
Trò chuyện với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, anh Đinh Văn Thuận cho biết, tất cả các bộ phận của cây đinh lăng đều tốt cho sức khỏe con người. Từ thân, lá, củ đinh lăng đều có thể dùng để chế biến thành các sản phẩm có tác dụng bồi bổ sức khỏe.
Cây đinh lăng là cây dược liệu dễ trồng, giá thành vừa phải, hợp túi tiền của người bình dân, vì thế từ lâu ông cha ta đã ví củ đinh lăng như nhân sâm của người nghèo.
Đặc biệt, cây đinh lăng được trồng ở vùng Hải Hậu (Nam Định) có dược tính cao nhất Việt Nam, điều này đã được kiểm chứng. Chính vì vậy, đối với sức khỏe con người thì mứt đinh lăng cũng không ngoại lệ.
Không giống như các loại mứt thông thường khác, mứt đinh lăng không quá ngọt, màu vàng sẫm và dai hơn các loại mứt khác.
Khi ăn mứt đinh lăng có vị ngọt mát, thơm như mùi sâm là một trong những đặc trưng của mứt đinh lăng mà không loại mứt nào có được.
Anh Đinh Văn Thuận chia sẻ, trung bình mỗi ngày gia đình anh bán được gần 100 túi mứt đinh lăng các loại.
Mỗi túi mứt đinh lăng với trọng lượng từ 100 -200g có giá bán lần lượt là 40.000 -80.000 đồng. Càng giáp Tết lượng khách hàng mua mứt đinh lăng càng nhiều.
"Sản phẩm mứt đinh lăng hiện nay không bán trong tỉnh Nam Định như các năm trước, năm nay gia đình tôi cũng bán được rất nhiều mứt đinh lăng cho các khách hàng ở các tỉnh, thành phố lớn...", anh Thuận cho biết
Làn mứt đinh lăng mỏi tay mà vẫn không đủ để bán
"Vào những ngày này, gia đình tôi tất bật với việc làm mứt đinh lăng và cũng liên tục nhận được các đơn đặt hàng, dù tình hình dịch covid -19 đang diễn biến phức tạp. Nhiều khách hàng ở xa, đặt tới 4-5kg mứt đinh lăng về để ăn và làm quà biếu Tết, còn đặt số lượng ít thì rất nhiều...".
Dù đã huy động tất cả các thành viên trong gia đình và mượn thêm 4-5 người làm nhưng do làm loại mứt đinh lăng tốn khá nhiều công nên mứt đinh lăng làm ra cũng chỉ đáp ứng được khách đặt trước. Đối với khách hàng mới đặt thì phải đợi một vài ngày sau mới có..." - anh Thuận tiết lộ.
Theo anh Thuận, làm mứt đinh lăng rất kì công, tốn nhiều thời gian. Khó khăn nhất ở khâu nguyên liệu vì không có nhiều. Muốn làm được mứt đinh lăng, trước hết phải chọn những cây đinh lăng trên 5 năm tuổi, vì chỉ có những cây này mới có loại củ to, rễ to, nhiều thịt.
Tuy vậy, trong một gốc đinh lăng đào lên cũng chỉ có một vài củ to, rễ to. Thông thường loại rễ này chỉ chiếm 10 % trong một gốc đinh lăng. Loại rễ này nhiều thịt, lõi nhỏ nên phù hợp với làm mứt. Cách làm mứt đinh lăng cũng giống như cách làm các loại mứt truyển thống.
"Củ đinh lăng tầm 3 năm tuổi đã tốt và quý lắm rồi, còn để làm được loại mứt "đắt khách" này thì cần đến củ đinh lăng 5 năm tuổi. Vậy mới thấy được để làm được loại mứt này mới cầu kì ra sao và tốt như thế nào" - anh Thuận tâm đắc nói.
Nói thêm về loại mứt đinh lăng này, anh Thuận cho biết, dự định năm nay anh sẽ không có đủ hàng để bán và chắc chắn sẽ làm ra và bán hết trên 100kg mứt đinh lăng. Riêng vụ mứt Tết năm Tân Sửu 2021 anh thu về khoảng hơn 40 triệu đồng.
"Thật vui và có động lực khi sản phẩm mứt đinh lăng của gia đình tôi được khách khen nhiều, vị lạ, mùi thơm của sâm mà mứt đinh lăng rất tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy mà nhiều năm nay, dù gia đình không quảng cáo gì nhưng mứt đinh lăng bán rất đắt khách, đa phần là người nọ ăn thấy lạ miệng thì giới thiệu cho người kia" - anh Thuận vui vẻ nói.
Điều quan trọng đối với anh Đinh Văn Thuận không chỉ là làm ra thứ mứt độc đáo, tốt cho sức khỏe ngày Tết từ cây đinh lăng mà còn góp phần nâng cao thêm giá trị kinh tế của cây đinh lăng-thứ sâm người nghèo vốn trồng nhiều ở quê hương huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Theo Phạm Anh/danviet.vn
https://danviet.vn/nam-dinh-dem-sam-nguoi-ngheo-lam-mut-tet-la-ai-an-cung-khen-thom-ong-nong-dan-nay-ban-dat-hang-2021020523203325.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã