Anh Thạch Dươne, nông dân người dân tộc Khmer (ở ấp Bông Ven, xã Nhị Trường) được sinh ra và lớn lên nơi phum sóc. Hơn ai hết anh Thạch Dươne thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của bà con nơi đây. Đó là phần lớn bà con thuộc diện hộ nghèo, không có đủ chi phí để tái đầu tư sản xuất. Nhất là tìm cây giống mỗi khi vào vụ mùa mới.
Tháng 9/2019, anh Thạch Dươne mạnh dạn thành lập HTX NN Ngọc Thạch chỉ với 10 thành viên bà con Khmer trong vùng. HTX hoạt động trong lĩnh vực cây, con giống. Nhất là cung cấp các loại giống rau màu như: ớt, bầu, bí, cà tím, cà chua,…
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX NN Ngọc Thạch đã phát triển lên 15 thành viên. Trong khi điều kiện giá cả thị trường các mặt hàng nông sản luôn có nhiều biến động thì HTX luôn đảm bảo bà con nông dân có lợi ích kép. Tức là giảm tối đa chi phí đầu vào trong sản xuất và tăng lợi nhuận các mặt hàng nông sản làm ra.
Cách làm của HTX là hỗ trợ cho bà con nông dân về cây giống các loại, vật nông nghiệp và hướng cách chăm sóc phòng trừ các loại bệnh trên cây màu. Điều quan trọng nhất, HTX sẽ là đầu mối liên kết để tìm kiếm thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của bà con với giá cả hợp lý nhất.
“Trung bình mỗi năm HTX cung cấp khoảng 100.000 thiên (thiên tức 1.000 cây - PV) cây giống rau màu các loại cho bà con xung quanh. Cung cấp cây giống thì có nhiều hình thức, bà con có điều kiện trả trước 50% hoặc để đến cuối vụ. Sau đó, HTX thu mua lại khấu trừ cho bà con”, anh Thạch Dươne, Giám đốc HTX NN Ngọc Thạch chia sẻ.
Là một trong số những nông dân tiên phong tham gia vào HTX, anh Thạch Rắc Sa Mây phấn khởi vì thời gian tham gia HTX, anh được mùa trúng giá thường xuyên hơn. Với cây trồng chủ yếu là ớt, anh được HTX cung cấp giống chất lượng cao, cũng như được hỗ trợ cả chi phí vật tư nông nghiệp và hướng dẫn cả sản xuất.
“Giống thấy đem qua trồng rất tốt, phát triển rất nhanh. Ớt thì sử dụng giống sen hồng. năng suất đạt 3 tấn trái/công. Thấy giá cả ổn định, HTX mua giá cao hơn bên ngoài 300-500 đồng/kg, có lợi hơn lúc trước nhiều”, anh Sa Mây phấn khởi.
Từ thực tế cho thấy các hộ nghèo tham gia vào HTX có điều kiện ổn định sản xuất, nhất là ở khu vực nông thôn. Sự phát triển của HTX còn tạo ra nhiều việc làm mới góp phân giải quyết lao động và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Tuy chỉ mới ra đời 2019, nhưng HTX Ngọc Thạch đã làm tốt vai trò đỡ đầu, giúp bà con Khmer nghèo của địa phương có thêm sinh kế để phát triển. Nhờ đó Nhị Trường từ một xã đặc biệt khó khăn với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Khmer với tỷ lệ hộ nghèo còn cao nay đã tìm thấy hướng phát triển mới từ HTX. Giờ đây, HTX Ngọc Thạch như một điểm tựa vững chắc để giúp bà con đồng bào thoát nghèo bền vững. Bởi năm 2019 toàn xã có 232 hộ nghèo chiếm trên 8% dân số thì nay đã có 139 hộ tự lực vươn lên thoát nghèo.
Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã có những cơ chế chính sách phát triển hệ thống HTX nông nghiệp tại địa phương. Các HTX này là những lực lượng nồng cốt phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững, để tỉnh Trà Vinh cùng với cả nước phấn đấu thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói” năm 2025. Mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người. Đồng thời, thực hiện mục tiêu xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng, phát triển nông nghiệp bền vững do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.
https://nongnghiep.vn/diem-tua-sinh-ke-vung-chac-cua-ba-con-khmer-ngheo-d302688.html
Theo Minh Đảm – Hữu Đức/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã