Học tập đạo đức HCM

Động lực tạo nên điểm sáng trong bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm

Thứ năm - 05/08/2021 05:22
(Chinhphu.vn) – Dù dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm 2021 vẫn có những điểm sáng. Trao đổi với phóng viên của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã phân tích cụ thể những động lực tạo nên kết quả tích cực của nền kinh tế thời gian qua, đồng thời nêu ra vấn đề cần lưu ý và dự báo những thách thức của nền kinh tế trong các tháng còn lại của năm.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP/Minh Ngọc
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Để nhận định ngắn gọn về “Bức tranh kinh tế 7 tháng năm 2021”, bà sẽ nói gì, thưa Tổng cục trưởng?

Bà Nguyễn Thị Hương: Dịch COVID-19 với biến chủng mới lây lan nhanh đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong 7 tháng năm 2021. Với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, bức tranh kinh tế nước ta trong 7 tháng đầu năm nay vẫn đang có những điểm sáng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tốt trong điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (2,6%); các ngành dịch vụ tiếp tục là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, cán cân thương mại hàng hóa ước tính nhập siêu 2,7 tỷ USD; doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,8% về số doanh nghiệp và tăng 13,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020; vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 5,6%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tăng 3,8%.

Liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp nhất từ năm 2016 và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, bà hãy phân tích động lực, nguyên nhân nào tạo nên những kết quả tích cực này khi mà đất nước đang hết sức khó khăn bởi tác động của dịch COVID-19?

Bà Nguyễn Thị Hương: Về CPI, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất liên tục tăng trong thời gian vừa qua nhưng CPI 7 tháng năm 2021 của Việt Nam chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong 6 năm qua, tạo dư địa cho chúng ta có thể kiểm soát lạm phát cả năm 2021 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo tôi, có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

Một số yếu tố chính đã kiềm chế tốc độ tăng CPI: Một là, giá các mặt hàng thực phẩm 7 tháng giảm 0,44% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,09 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 5,4%; giá thịt gà giảm 1,7%. Hai là, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng, làm cho giá điện sinh hoạt bình quân 7 tháng năm 2021 giảm 1,79% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm. Ba là, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 7 tháng giảm 1,27% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 18,66%; giá du lịch trọn gói giảm 2,83%.

Để phân tích rõ về việc tăng 7,9% của sản xuất công nghiệp (IIP), tôi muốn cung cấp cụ thể thông tin về số liệu thống kê của các ngành thuộc lĩnh vực này. Theo đó, chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm trước tăng 4,2%). Sản xuất và phân phối điện tăng 8,2% (cùng kỳ năm trước tăng 2,4%). Ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,0%). Ngành khai khoáng giảm 6,3% (cùng kỳ năm trước giảm 7,2%).

Đồng thời, chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 13,3%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 13%. Để phòng chống dịch COVID-19 lây lan, đã có 20 địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tuy vậy một số khu công nghiệp quyết tâm không để đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch với phương án 3 tại chỗ nên được phép hoạt động, bảo đảm các đơn hàng sản xuất được thực hiện theo hợp đồng đã ký kết trước đó.

Ngoài ra, những năng lực mới tăng ở một số địa phương (hoàn thành trong quý IV/2020) được bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2021 như: (1) Hưng Yên: Nhà máy TPTech với năng lực thiết kế 32.000 tấn/năm; Nhà máy Nikkiso Việt Nam II với năng lực thiết kế 4200 sản phẩm/năm; (2) Hà Tĩnh: Nhà máy may mặc xuất khẩu apparel tech Đức Thọ với năng lực thiết kế 100.000 sản phẩm/năm; (3) Bình Dương bổ sung 03 khu công nghiệp và nhiều nhà máy sản xuất; (4) Đồng Nai xây dựng thêm nhà máy găng tay y tế với 6.000 tấn sản phẩm/năm; (7) Bạc Liêu bổ sung 03 Nhà máy điện gió hòa lưới điện tháng 2 và 3/2021...

Về những kết quả chưa được như mong đợi trong 7 tháng qua, theo bà, đâu là vấn đề đáng lưu tâm, lo ngại?

Bà Nguyễn Thị Hương: Chăn nuôi lợn tiếp tục đối mặt với những khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán lợn hơi giảm, người chăn nuôi, đặc biệt là khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ, đã bắt đầu phải chịu thua lỗ. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, thời gian nuôi cá tra kéo dài dẫn đến lượng thức ăn tăng cao làm tăng giá thành nuôi cá tra nên người nuôi chưa có lãi. Ngoài ra, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa sản xuất bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu giảm nhu cầu thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhiều container hàng thủy sản bị ách tắc tại các chốt kiểm soát, cước vận tải quốc tế tăng đột biến so với những tháng đầu năm.

Điểm đáng lưu ý nữa là trong 7 tháng, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 12 đợt, bình quân 7 tháng năm 2021 tăng 20,36% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng tăng làm chi phí sản xuất đầu vào tăng, từ đó giá các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng theo làm ảnh hưởng lớn đến chi tiêu hằng ngày của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt.

Cùng với đó, một số lĩnh vực thương mại, dịch vụ giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước và giảm ở tất cả các ngành: Doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 5,5% và giảm 11,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 22,4% và giảm 53,8%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 4,8% và giảm 92,6%; doanh thu dịch vụ khác giảm 22,4% và giảm 43%.

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng trực tiếp tình hình phát triển của các doanh nghiệp. Trong 7 tháng qua, có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách, trong tháng 7/2021 cũng gặp khó khăn khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Tháng 7/2021 là tháng thứ tư liên tiếp cán cân thương mại nhập siêu với giá trị 1,7 tỷ USD, mức nhập siêu này đã làm cho cán cân thương mại 7 tháng nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 8,69 tỷ USD).

Khi dịch diễn biến ngày càng khó lường như hiện nay, bà dự báo như thế nào về tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm?

Bà Nguyễn Thị Hương: Kinh tế-xã hội trong quý III sẽ gặp nhiều thách thức, khả năng hồi phục nhanh và tạo đà tăng trưởng cho quý IV là rất khó khăn nếu diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp và khó lường như hiện nay.

4 thách thức đặt ra trong thời gian tới là: Thứ nhất, nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất đang thiếu hụt; giá cả một số nguyên vật liệu, giá cước vận tải trên thị trường thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhu cầu nguyên vật liệu trong nước. Thứ hai, nguồn cung lao động bị ảnh hưởng nặng nề và có khả năng thiếu hụt tạm thời. Thứ ba, lưu thông hàng hóa sẽ bị hạn chế do giãn cách xã hội, đặc biệt luồng thương mại quốc tế sẽ bị thu hẹp khi dịch bệnh đang tái bùng phát diện rộng trên toàn thế giới. Thứ tư, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi, kết nối các nguồn cung, cầu hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, thị trường trở lại. Nhiều doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề do sản xuất đình trệ nên nội lực suy yếu, sức bật trở lại guồng sản xuất của nền kinh tế sẽ bị hạn chế.

Tình hình đặt ra yêu cầu về việc quản lý điều hành và xác định mục tiêu tăng trưởng phải hết sức linh hoạt. Theo tôi, tập trung kiểm soát dứt điểm dịch COVID-19 trong quý III/2021 là ưu tiên hàng đầu. Các nhiệm vụ khác cũng cần được triển khai nhanh chóng như: Chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19; quá trình chuyển đổi số, kinh tế số để thích ứng với bối cảnh mới; tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tiêu dùng nội địa... Đó là nền tảng quan trọng đưa kinh tế vĩ mô trong quý IV được duy trì ổn định và tăng trưởng./.

Minh Ngọc/Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập103
  • Hôm nay21,186
  • Tháng hiện tại21,186
  • Tổng lượt truy cập91,194,915
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây