Xã Côn Minh, nơi có nghề sản xuất miến dong của huyện Na Rì (Bắc Kạn), thời điểm này hoạt động sản xuất diễn ra rất nhộn nhịp, các nhà máy hoạt động hết công suất. Các cơ sở lớn và có tiềm lực tài chính như: Tài Hoan, Huấn Liên, Chính Tuyển… đều đang tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy mạnh sản xuất để phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2021 đang đến gần.
Do lượng củ dong riềng không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất để cung ứng sản phẩm ra thị trường nên các cơ sở này đã phải thu mua ở một số địa phương khác trong tỉnh Bắc Kạn, cách xa hàng trăm km về như: xã Cao Sơn, Mỹ Thanh (Bạch Thông), xã Xuân La (Pác Nặm)…
Hiện nay nhiều cơ sở nhỏ đã đóng cửa, do không cạnh tranh được với những đơn vị có tiềm lực, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Từ nghiền bột tới tráng bánh, thái miến đều thực hiện bằng máy móc, do vậy hiệu quả cao hơn rất nhiều. Có đơn vị sản xuất miến dong cũng đã đầu tư cả máy sấy miến, nên không phải phụ thuộc vào thời tiết như trước đây phơi ngoài trời.
Ông Nông Văn Danh, người trồng dong riềng ở xã Côn Minh, chia sẻ, với giá giao là 2.200 đ/kg thì bà con có lãi nên rất phấn khởi. Nhưng năm nay, hầu hết bà con trồng hơi ít, trong khi nhu cầu của các xưởng thì nhiều.
Còn tại huyện Ba Bể, niên vụ năm nay diện tích trồng dong riềng chỉ đạt 141ha, giảm 50ha so với năm 2019. Trồng nhiều nhất là xã Phúc Lộc, với khoảng 60ha; xã Mỹ Phương, là nơi trồng dong riềng nhiều trong những năm qua thì năm nay chỉ trồng 5,6ha…
Vì lý do đó, những cơ sở sản xuất miến dong lớn của huyện Ba Bể như Miến dong Nhất Thiện cũng đã phải đi tận huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng để thu mua thêm củ dong riềng để bảo đảm duy trì sản xuất.
Ngoài ra, còn thu mua bột dong của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ của đồng bào Dao ở các xã Yến Dương, Phúc Lộc nhằm chủ động nguồn nguyên liệu. Trong khi đó, hoạt động sản xuất miến dong được cơ sở này tập trung thực hiện với công suất 4 tấn miến thương phẩm trong một ngày.
Sau những năm vừa qua, người trồng dong riềng điêu đứng vì giá bán củ rất thấp mà không có người mua. Nhưng năm 2020 thì ngược lại, bà con vừa có thu nhập cao, mà lại thuận lợi trong tiêu thụ, xe tải thu mua luôn trực sẵn để bốc hàng.
Nếu theo tính toán của cơ quan chuyên môn, chỉ cần giá củ dong riềng đạt 1.500 đ/kg là ổn định về thu nhập, nhưng với giá thị trường trung bình hiện tại đã đạt cao hơn mong đợi rất nhiều (là 2.200 đ/kg).
Ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn đã lý giải về kết quả trên, ngay từ năm 2019 tỉnh Bắc Kạn và cơ quan chuyên môn xác định không trồng đại trà củ dong riềng như trước, để tránh việc nguồn cung quá nhu cầu.
Sở đã yêu cầu các địa phương phải khống chế diện tích, người dân chỉ nên trồng theo đúng kế hoạch mà đã địa phương và doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu sản phẩm. Điều này cũng sẽ được thực hiện trong những năm tiếp theo, để bà con nhân dân có điều kiện nâng cao năng suất cây trồng, thu nhập cao và ổn định từ cây dong riềng.
Cụ thể, năm 2020 toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được 494 ha dong riềng, giảm 300ha so với năm 2019. Theo thống kê, năng suất bình quân ước đạt 72 tấn/ha, tương đương với thu nhập khoảng gần 150 triệu đ/ha. Thời điểm hiện nay, các vùng trọng điểm trồng dong riềng cơ bản đã được thu hoạch, người dân phấn khởi vì dong riềng được mùa, được giá.
Theo Toán Nguyễn/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/dong-rieng-duoc-gia-d279972.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã