Dự án “Cải thiện nông nghiệp có tưới” (WB7) được triển khai tại tỉnh Quảng Trị với mục đích cải thiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng, bền vững của nông nghiệp và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở cải thiện hệ thống tưới tiêu và thể chế, chính sách quản lý thủy lợi, theo định hướng Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Dự án WB7 có 4 hợp phần, trong đó hợp phần 3 là hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA). Hợp phần 3 dự án của Quảng Trị tập trung vào các nội dung hỗ trợ xây dựng 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các thực hành CSA bao gồm: 6 mô hình “Cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa và nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích”; 6 mô hình “Sản xuất cây trồng cạn như lạc, ngô, đậu xanh… áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hướng hàng hóa; 1 mô hình “Sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” tại phường Đông Thanh, TP. Đông Hà; 2 mô hình “Sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm”.
Từ kết quả thực hiện các mô hình thực hành CSA, giai đoạn 2019-2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị đẩy nhanh việc nhân rộng các thực hành mô hình CSA trên cây lúa, rau, màu, tiêu, nhất là biện pháp quản lí cây trồng tổng hợp (ICM) cho các địa phương trong vùng dự án tỉnh Quảng Trị.
Việc nhân rộng các thực hành CSA theo hai hình thức là nhân rộng chính và nhân rộng đại trà. Nhân rộng chính là diện tích nhân rộng được hỗ trợ để xây dựng các mô hình điểm, trình diễn nhằm áp dụng toàn bộ những kĩ thuật tiên tiến của mô hình CSA vào sản xuất. Nhân rộng đại trà là diện tích nhân rộng áp dụng toàn bộ hay một phần kĩ thuật ICM vào sản xuất, được thực hiện thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn cho người sản xuất tiếp cận và tự nguyện áp dụng.
Qua các vụ triển khai thực hiện mô hình CSA tại Quảng Trị cho thấy năng lực áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật mới và nhận thức về biến đổi khí hậu của nông dân các vùng dự án được nâng cao thông qua các lớp tập huấn, xây dựng mô hình, góp phần đưa năng suất và hiệu quả kinh tế tăng lên, giảm phát thải nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Hồng Phương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, thành công của mô hình đã giúp phổ biến các bước thực hành CSA để áp dụng phù hợp từng biện pháp kĩ thuật trong sản xuất, khuyến khích các địa phương khác ngoài mô hình áp dụng; tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, cây màu; thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.
Một kết quả quan trọng nữa là dự án góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế được thuốc BVTV trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững.
Nguồn tin: Lầm Quang Bửu/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã