Sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU vẫn rất lớn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội cực lớn, khi doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.
Cùng với đó, EVFTA sẽ là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Cụ thể, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 - 7 năm.
Với ngành gỗ, EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới, mặc dù Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch xuất vào EU vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của thị trường này.
Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, các nhà nhập khẩu EU có thể sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế, khi đó, giá thành đồ gỗ Việt Nam tại EU sẽ giảm và hấp dẫn người tiêu dùng châu Âu hơn.
Với lĩnh vực xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho hay, xuất khẩu gạo sang EU năm 2019 đạt 10,9 triệu USD, tăng 92,4% so với năm 2018. Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng mạnh do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Do vậy, tới đây, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào EU là rất lớn.
Nông lâm thủy sản được hưởng lợi ngay
Các mặt hàng nông sản mà Việt Nam đang có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như thủy sản, gạo, càphê, rau quả, hồ tiêu, ca cao đều được cắt giảm ngay hoặc trong lộ trình ngắn...
Phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chỉ ra rằng, xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EU đang đứng trước cơ hội rất lớn khi doanh nghiệp có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ thủy sản trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34 kg so với mức trung bình của thế giới.
Đặc biệt, EVFTA sẽ là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo một bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam.
Các hiệp định trước đó chỉ giúp đưa thuế nhập khẩu từ vài phần trăm trước đó về bằng 0% nhưng với EVFTA, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0-22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế).
Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5-26% sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
Thị trường này luôn chiếm trên 17%-18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hàng năm. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30-35%.
“Trước khi có EVFTA, mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU phải chịu mức thuế trung bình trên 10%. Khi EVFTA có hiệu lực, mức cắt giảm thuế về 0% tương ứng với 90% số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này. Việc xóa bỏ thuế quan đối với hầu hết mặt hàng thủy sản sẽ tạo lợi thế quan trọng cho Việt Nam khi cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường EU. Đặc biệt, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phục hồi lại đà xuất khẩu cá tra vào thị trường EU, đặc biệt là các nước nói tiếng Tây Ban Nha. EVFTA với các điều khoản về cam kết về môi trường và truy xuất nguồn gốc chặt chẽ sẽ giúp tâm lý các nhà nhập khẩu yên tâm hơn, từ đó gia tăng được số lượng xuất khẩu,” ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gạo sang EU-27 (trừ Anh) năm 2019 đạt 10,9 triệu USD, tăng 92,4% so với năm 2018. Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng lên đáng kể do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo. Do đó, cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam vào EU là rất lớn.
Là doanh nghiệp có nhiều năm xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An thông tin, trước khi EVFTA có hiệu lực, gạo đang là một trong những mặt hàng chịu thuế cao nhất khi vào EU.
Mức thuế suất mà EU áp lên gạo xay xát Việt Nam là 175 euro/tấn (khoảng 4,67 triệu đồng), gạo tấm là 65 euro/tấn và 211 euro/tấn đối với thóc. Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam không cao, chỉ khoảng 700 USD/ tấn nhưng khi cộng thuế thì rất khó cạnh tranh với gạo của các nước khác.
Do đó, mặc dù nhu cầu gạo của EU lớn và năng lực xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng rất lớn nhưng năm 2019 Việt Nam chỉ mới xuất khẩu được hơn 15.000 tấn gạo vào thị trường này.
“Theo cam kết EVFTA, EU cấp hạn ngạch cho Việt Nam 80.000 tấn/năm gạo xay xát và gạo thơm với thuế suất trong hạn ngạch là 0%. Khi không phải chịu thuế, gạo Việt Nam bán tại EU sẽ có giá thành thấp hơn gạo nhiều quốc gia khác, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, kích thích nhà nhập khẩu và người tiêu dùng ưu tiên mua gạo của Việt Nam,” ông Phạm Thái Bình phân tích.
Đối với ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, dư địa thị trường EU đối với sản phẩm đồ gỗ còn rất lớn. EU hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn thứ 2 thế giới và mặc dù Việt Nam là trong 5 quốc gia chế biến, xuất khẩu gỗ lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch xuất vào EU còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ hàng năm của EU.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, với các doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức gia công thì việc cắt giảm thuế quan không có nhiều ý nghĩa vì phía nhập khẩu là người nộp thuế.
Tuy nhiên, khi EVFTA có hiệu lực, nhà nhập khẩu EU có khả năng sẽ ưu tiên mua sản phẩm gỗ Việt Nam để được cắt giảm thuế. Giá thành đồ gỗ Việt Nam tại EU cũng sẽ giảm và trở nên hấp dẫn người tiêu dùng hơn.
Cơ hội mới cho nông sản Sơn La vươn xa
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang mở ra cánh cửa mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh miền núi Sơn La nói riêng. Đặc biệt khi trong những năm gần đây, tỉnh miền núi này đã xuất khẩu một lượng lớn nông sản sang các nước châu Âu.
Bên cạnh những cơ hội về mở rộng phát triển, EVFTA được xác định là thị trường rất khó tính, với những hàng rào kiểm soát nghiêm ngặt theo chuẩn quốc tế. Theo đó đòi hỏi ngành Nông nghiệp Sơn La phải có những bước tiến mạnh mẽ, nhanh chóng và bứt phá vượt bậc mới đủ sức để cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, hiện nay nhóm nông sản của địa phương như trái cây, cà phê nhân, cà phê bột đang có lợi thế cạnh tranh ở thị trường châu Âu và nhiều năm nay đã được xuất khẩu sang thị trường này. Do vậy, khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, tỉnh sẽ tận dụng lợi thế này để nâng cao giá trị gia tăng.
Thuận lợi ở chỗ, khi thực hiện hiệp định này Sơn La sẽ có thị trường rộng mở để tiêu thụ được lượng lớn sản phẩm; ứng dụng được khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; doanh nghiệp của tỉnh khi tham gia vào thị trường châu Âu cũng sẽ mở mang kinh nghiệm, học hỏi kinh nghiệm thực tế, nhất là trong giao dịch quốc tế và đặc biệt là khâu ký kết hợp đồng, tìm kiếm các thị trường mới.
Tuy nhiên ngành nông nghiệp Sơn La sẽ gặp một số khó khăn bởi khi thị trường càng rộng mở, cạnh tranh càng lớn sẽ có rất nhiều các sản phẩm của các nước khác cũng đều thâm nhập vào thị trường châu Âu. Việc nắm bắt thông tin của doanh nghiệp liên quan EVFTA còn hạn chế. Thị trường EU đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ, quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ:
“Sản phẩm nông nghiệp của Sơn La phải đẩy mạnh khâu sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường châu Âu, trong đó tập trung cho sản xuất sạch, áp dụng các tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGap. Cùng với đó, tỉnh phải đào tạo nhân lực cho hệ thống hợp tác xã và hệ thống doanh nghiệp, để có đủ điều kiện khi đàm phán các hợp đồng kinh tế, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp của châu Âu phải có năng lực trong cạnh tranh. Ngoài ra, thiết bị công nghệ của châu Âu tiên tiến đòi hỏi về năng lực tài chính để đáp ứng được yêu cầu của các hệ thống này. Một khó khăn nữa của tỉnh Sơn La là hiện nay chưa hình thành được vùng sản xuất lớn, đáp ứng tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan của các nước châu Âu”, ông Công chia sẻ.
Sơn La là vựa cây ăn quả lớn thứ hai của cả nước với diện tích trên 70.000 ha. Hiện tỉnh đã có hơn 9.700 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, GlobalGAP. Thị trường xuất khẩu nông sản đã được mở rộng sang 15 nước như Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia, … với 16 loại sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Mười, Phó Tổng giám đốc Vina T&T (TP. HCM) là doanh nghiệp đang hỗ trợ tỉnh Sơn La trong việc quảng bá, xuất khẩu sản phẩm nông sản ở thị trường nước ngoài như Australia, Mỹ cũng như các nước EU cho biết, vài năm trở lại đây, các sản phẩm hoa quả như nhãn, xoài của tỉnh Sơn La mà công ty xuất khẩu sang Mỹ đều được phản hồi rất tốt.
“Hiệp định EVFTA cùng với việc mở cửa của châu Âu sẽ giúp cho giao thương hàng hóa tốt lên. Người nông dân Sơn La hãy làm đúng tiêu chuẩn của sản phẩm sạch. Sản phẩm sạch khi xuất khẩu mới đánh giá được việc thực hiện và sự phát triển của huyện đó, tỉnh đó”, ông Mười khuyến nghị.
Với chủ trương xuất khẩu các sản phẩm nông sản, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 sẽ là cơ hội để Sơn La vươn ra thị trường lớn, thâm nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để nông nghiệp Sơn La có bước đi mới khi gia nhập thị trường EVFTA là điều không dễ dàng, đòi hỏi sự chung sức, nỗ lực và quyết tâm của cả chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân.
Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội
Hơn 20.000 doanh nghiệp xuất khẩu tại TP. HCM sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nhanh và hiệu quả thị trường EU.
Châu Âu là thị trường quen thuộc, tiêu thụ hàng ngàn tấn chanh tươi mỗi năm của Công ty CP Thương mại và Đầu tư Chanh Việt. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại chưa cao, bởi sản phẩm vẫn ở dạng thô, chi phí vận chuyển lớn. Đón đầu cơ hội xuất khẩu và nhằm tăng giá trị sản phẩm khi EVFTA có hiệu lực, công ty cũng đã nhập máy móc từ Hàn Quốc và Nhật Bản sản xuất bột chanh theo tiêu chuẩn HACCP.
Dây chuyền phân loai cahnh tươi của Cổ phẩn Thương mại và Đầu tư Chanh Việt.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, sắp tới, công ty sẽ xuất sang thị trường châu Âu lô bột chanh đầu tiên với 5 tấn bột chanh, 5 tấn vỏ chanh sấy.
“Công ty đã chuẩn bị từ rất lâu cho sản phẩm chế biến xuất sang châu Âu. Khi sản phẩm xuất khẩu với thuế xuất 0% sẽ rất có lợi cho công ty và bà con nông dân. Thị trường châu Âu họ cũng rất chuộng sản phẩm bột chanh và vỏ chanh, sản phẩm khi được chế biến sẽ có giá tốt hơn rất nhiều”, ông Hiển cho biết.
Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu cũng là mặt hàng thế mạnh của TP. HCM ở thị trường châu Âu. Hiện nay, thuế suất của mặt hàng này vào châu Âu từ 2-10%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, 83% dòng thuế được sẽ được xóa bỏ. Đây là cơ hội mà nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ ở TP HCM mong chờ.
Hiện, nhiều doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị về nguồn nguyên liệu gỗ, đầu tư thêm máy móc, thiết bị, nhà xưởng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng cho thị trường này. Bên cạnh đó, Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. HCM (HaWa) cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về tiêu chuẩn, chất lượng, xuất xứ hàng hóa… từng loại sản phẩm vào thị trường EU.
Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên hiệp hội đã xúc tiến thương mại trực tuyến, online. Sang tháng 8, hiệp hội sẽ khai trương sàn giao dịch điện tử về sản đồ phẩm gỗ với hơn 50 showroom, diện tích 25.000 mét vuông.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, thành phố sẽ có chiến lược khai thác sâu thị trường châu Âu, nhất là mặt hàng có lợi thế. Trước mắt, UBND TP. HCM đã giao cho các ngành chức năng phải có chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp. Sở Công Thương phải trình UBND thành phố chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu trước ngày 15/8.
“Các cơ quan chức năng phải tổ chức tập huấn chuyên sâu cho từng doanh nghiệp về quy tắc xuất hàng hóa. Định kỳ hàng quý, tổng hợp những khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để thảo luận trong tổ công tác liên ngành giải quyết”, ông Phong định hướng.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác, tập trung vào lĩnh vực may mặc, giày da, thủy sản và những sản phẩm được làm từ dừa. Doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre bình quân hàng năm khoảng 1,2 tỷ USD, trong đó thị trường châu Âu chiếm chủ yếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, hiệp định EVFTA là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, để nắm bắt cơ hội, địa phương đã có sự chuẩn bị trước đó đến các doanh nghiệp, để các doanh nghiệp tìm hiểu, tiếp cận và có những chính sách chiến lược khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực.
Chỉ dẫn địa lý sản phẩm: Tài sản quý cần bảo vệ trong EVFTA
Hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược để đẩy mạnh quan hệ thương mại, công nghiệp, kết nối đầu tư đi vào chiều sâu thiết thực và hiệu quả. Tham gia EVFTA, hàng hóa của Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý.
Trong Hiệp định EVFTA, cả Việt Nam và EU đều đưa ra những chỉ dẫn địa lý như một tài sản quý giá cần được bảo vệ, bởi đây chính là các thương hiệu có danh tiếng của mỗi bên đã được thế giới biết đến. Chính vì sự nổi tiếng này, các thương hiệu cần được bảo vệ một cách chặt chẽ hơn để đấu tranh với những hàng hóa mượn thương hiệu để bán tới tay khách hàng.
Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP Tư vấn phát triển và Thương mại Phúc Lâm (nhà phân phối nước mắm Phú Quốc) cho biết, đang có tình trạng một số doanh nghiệp lạm dụng từ “Phú Quốc” để gắn lên chai nước mắm. Điều này không chỉ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà còn gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, cũng như ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo ông Thành, tác động rõ rệt nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ đó là người tiêu dùng chưa nhận diện được đâu là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đâu là nước mắm Phú Quốc khác. Chưa kể, nhiều sản phẩm chưa được cấp chỉ dẫn địa lý có chất lượng không tốt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), khi đàm phán thỏa thuận Hiệp định EVFTA, trong danh sách Việt Nam đề xuất có 41 chỉ dẫn địa lý, thế nhưng EU chỉ đồng ý bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm được bảo hộ chủ yếu là hàng rau quả, thủy sản và chế biến từ thủy sản chiếm 13%. Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, cũng như đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng của người tiêu dùng EU, việc được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu.
Việc thực thi các Hiệp định thương mại đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia, ký kết bao gồm các nội dung về sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng, đòi hỏi có sự sửa đổi về pháp luật sở hữu trí tuệ, đặt việc bảo hộ các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý trước những cơ hội và thách thức không nhỏ.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), trên thực tế, những chỉ dẫn địa lý của EU trong Hiệp định EVFTA như Rượu vang Bordeaux (Pháp), Pho mát Mozzarella (Italy) cùng nhiều chỉ dẫn khác đều là những thương hiệu đã nổi tiếng lâu đời. Trong khi đó, những chỉ dẫn địa lý của Việt Nam điển hình như Gạo Hải Hậu hay Trà Tân Cương thực tế chỉ có “tiếng” ở trong nước.
Ở các quốc gia thuộc khối EU, nhiều chỉ dẫn địa lý của Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của người tiêu dùng. Bằng cách tận dụng quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là các trào lưu mạng xã hội, các chỉ dẫn địa lý này có thể tới được với người tiêu dùng EU nhanh chóng và hiệu quả hơn.
"Vẫn là phương thức truyền thông cũ là hình thức truyền miệng, nhưng hình thức “truyền miệng trực tuyến” thông qua các khả năng lan truyền thông tin lại có hiệu quả vô cùng lớn trong thời đại số. Cách thức mới này không chỉ giúp tạo ra ấn tượng về sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với người tiêu dùng EU mà còn tạo ra lớp bảo vệ trong chính nhận thức của người tiêu dùng EU cho các thương hiệu, các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam", đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.
Cục Sở hữu trí tuệ cũng khẳng định, việc sử dụng hiệu quả các công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống, tăng cường khả năng cạnh tranh, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương. Ngược lại, nếu việc bảo hộ không hiệu quả có thể trở thành rào cản cho sự phát triển.
Trong bối cảnh đó, cần có các chính sách cụ thể hỗ trợ các địa phương lựa chọn hình thức bảo hộ dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý phù hợp và hiệu quả hơn để phát huy tiềm năng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, để các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật để vào thị trường EU, Việt Nam cần xác lập một hệ thống kiểm định chất lượng quốc gia khi xem xét và công nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Đặc biệt, trước một thị trường khó tính như EU, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm từ các nước châu Âu trong việc xây dựng hệ thống kiểm soát chỉ dẫn địa lý, qua đó có điều kiện nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này.
EVFTA: NHỮNG MỐC QUAN TRỌNG Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA. Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm: - Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời. - Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi. Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA. Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA. Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA. Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu phê duyệt cho phép ký các Hiệp định. Ngày 30 tháng 6 năm 2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. Ngày 21 tháng 1 năm 2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA. Ngày 12 tháng 2 năm 2020: Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn EVFTA Ngày 30 tháng 3 năm 2020: Hội đồng châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA Ngày 08 tháng 6 năm 2020: tại buổi họp đầu tiên giai đoạn 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết phê chuẩn thông qua Hiệp định EVFTA đã được 100% số đại biểu (457/457 đại biểu) biểu quyết thông qua. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã