Bà Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Hữu cơ Quảng Trị (QTOrganic) cho hay: “Sau 4 năm triển khai mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ, chúng tôi đã từng bước gây dựng được thương hiệu “Gạo hữu cơ Quảng Trị”, được thị trường đón nhận. Sản xuất lúa gạo hữu cơ, sản phẩm sạch đã mang thu nhập tốt cho bà con nông dân”.
Qua câu chuyện với bà Phạm Thị Diễm Lệ, Giám đốc QTOrganic (đơn vị thành viên của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam), mới biết để có được thương hiệu cũng chẳng phải dễ dàng.
Khi giới thiệu gạo hữu cơ Quảng Trị đến với khách hàng, nhiều người băn khoăn và nhủ hỏi: “Vùng đất Quảng Trị đầy bom đạn vậy làm sao sản xuất được gạo sạch, gạo hữu cơ?”. Để có câu trả lời, thì trước khi bắt tay vào sản xuất lúa hữu cơ, QTOrganic đã mang mẫu đất và nước tưới đi kiểm nghiệm để chọn vùng đất sạch đủ điều kiện canh tác hữu cơ. “Với kết quả kiểm nghiệm khoa học thì chúng tôi mới triển khai mô hình và khẳng định Quảng Trị sẽ xây dựng được một thương hiệu gạo sạch” - bà Diễm Lệ nói.
Sau mùa thu hoạch lúa, Sở NN-PTNT Quảng Trị lấy mẫu lúa gạo nhờ một đơn vị độc lập mang đi kiểm nghiệm tại tập đoàn Erofins (công nghệ GC-MS, sắc ký khí ghép khối phổ) của Nhật Bản với những thiết bị hiện đại bậc nhất. Kết quả là lúa gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng.
Theo PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima -Nhật Bản) thì trên thế giới hiện nay chưa có loại gạo nào đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng như gạo hữu cơ Quảng Trị (kể cả gạo hữu cơ tại Nhật Bản). Bản thân PGS Trần Đăng Xuân cũng khá bất ngờ về điều này. “Với kết quả đạt được gạo hữu cơ Quảng Trị không những sạch mà vô cùng sạch” - PGS Trần Đăng Xuân cho hay.
Theo bà Diễm Lệ, khi mang mẫu gạo hữu cơ Quảng Trị kiểm nghiệm tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản), kết quả cho thấy trong gạo hữu cơ Quảng Trị có 2 hợp chất Molecules A và Molecules B (MA và MB) là các hợp chất mới có tiềm năng chống tiểu đường, chống béo phì, gút thông qua khả năng ức chế hoạt động của các enzymes liên quan đến các bệnh này. “Không những thế ở gạo hữu cơ Quảng Trị còn có Enzymes giúp phụ nữ đẹp da” - bà Diễm Lệ nói thêm.
Để có được thương hiệu sản phẩm, vào năm 2017, QTOrganic đã chọn một số dịa phương ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong… làm mô hình gạo hữu cơ theo chuỗi liên kết với bà con nông dân. Theo kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Loan, cán bộ kỹ thuật của QTOrganic, toàn bộ diện tích gieo cấy được canh tác, sử dụng bằng chủng men vi sinh Ong Biển đặc biệt. Loại phân bón này được dành riêng cho thổ nhưỡng của những địa phương trước đó dùng nhiều phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
“Bón phân này có tác dụng xử lý hết các độc tố có trong đất và cải tạo đất làm cho đất màu mỡ, nhiều dưỡng chất. Người nông dân không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thự vật. Từ đó, tạo ra những hạt gạo với hàm lượng dinh dưỡng cao vượt trội”, kỹ sư Loan cho hay.
Chúng tôi về huyện Gio Linh, gặp anh Nguyễn Giang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thị (HTX Phước Thị), nghe chuyện làm lúa hữu cơ. 4 năm trước, HTX Phước Thị được chọn là đơn vị đầu tiên canh tác lúa hữu cơ. Họp dân, kêu gọi làm lúa hữu cơ, ai cũng lắc đầu ngại khó. Diện tích ban đầu triển khai 20 ha, năng suất tầm 40 tạ/ha. Khi những hạt thóc đầu tiên chở từ ruộng về nhà thì mọi người mới nhẹ nhõm trong lòng. “Cho dù lúc đó, năng suất cũng chỉ đạt 40 tạ/ha, nhưng chúng tôi và bà con nông dân đã có được lòng tin ban đầu” - anh Giang cho hay.
Có được những kinh nghiệm từ vụ đầu tiên, HTX Phước Thị xuống vụ thứ hai trong khí thế mới. Cây lúa trên đồng cứ cứng cáp lên trong nắng gió khắc nghiệt. Năng suất thu hoạch cứ tăng lên 50 tạ/ha, rồi 60 tạ/ha. Cho đến vụ ĐX năm 2020, khi sản lượng trên đồng được xác định trung bình là 70 tạ/ha và có thửa ruộng đến 80 tạ/ha.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, một nông dân có 1,5 ha diện tích làm lúa hữu cơ hồ hởi: “Đúng là như trong lúc nằm ngủ mơ thấy. Cây lúa khi vào canh tác thì cũng dễ chứ không phải là khó. Sâu bệnh càng ít thấy. Năng suất thì hiếm có lúa nào chạy theo kịp, hạt lúa đẹp lắm. Đó là chưa kể đến nguồn lợi lớn từ tôm, cá trên ruộng”.
Trên cánh đồng lúa chín vàng rực, bà Nguyễn Thị Mai (xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) có diện tích trên 3ha trồng lúa hữu cơ bằng giống lúa ST 24. Gặp chúng tôi bà phấn khởi: “Gia đình tôi cũng làm được 7 vụ lúa rồi. Cái được lớn nhất là làm ruộng không có thuốc trừ sâu nên an toàn lắm. Giữ được sức khỏe là trên hết. Quan trọng nữa là sản xuất lúa gạo hữu cơ thu nhập cao gấp hai, ba lần so với sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống”.
Có thể nói, vùng đất Quảng Trị hoàn toàn đủ điều kiện để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. “Vùng đất ấy đã hồi sinh và cho ra những hoa thơm trái ngọt, góp phần nâng tầm vị thế của nông sản Việt Nam” - bà Diễm Lệ nói.
Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị xuất hiện tại các siêu thị trong nước. Tiến tới, doanh nghiệp còn đang đàm phán để xuất khẩu gạo sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. QTOrganic cũng đã thực hiện quảng bá sản phẩm tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO 2019) lần thứ 16 tại thành phố Nam Ninh với sản phẩm chủ lực là gạo hữu cơ Quảng Trị. Tại Hội chợ, lượng gạo mang đi tham gia đã được khách hàng mua hết trong những ngày đầu.
Ngoài sản phẩm gạo hữu cơ, theo bà Diễm Lệ, doanh nghiệp cũng sẽ lồng ghép quảng bá thêm các sản phẩm cà phê, tiêu, cà gai leo, trà lá vằng, muối đậu sả, tinh bột cám gạo, các loại đậu lạc, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen… Đó là những sản vật đặc trưng của vùng đất Quảng Trị được sản xuất theo phương pháp hữu cơ đến với khách hàng thế giới.
Đến thời điểm hiện tại, gạo hữu cơ Quảng Trị đã có mặt tại hơn 100 nhà phân phối, cửa hàng thực phẩm cao cấp trên cả nước. Đây được xem là bước tăng trưởng đáng kể, là động lực để gạo hữu cơ Quảng Trị tiến đến chinh phục các thị trường khác trên thế giới.
Đến nay, Quảng Trị đã thực hiện gần 600ha lúa hữu cơ tại các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh. Sản lượng lúa tươi thu được gần 4.000 tấn/năm. Tổng thu của mô hình gần 24 tỉ đồng, lãi toàn mô hình là 16 tỉ đồng. Bà Diễm Lệ cho hay, với giá bán 45.000 đồng/kg, sản lượng gạo hữu cơ Quảng Trị bán ra đạt 40 tấn/tháng, tập trung ở các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ... “Không dừng lại ở đó, chúng tôi đang tập trung nâng cao năng lực, mở rộng diện tích lúa hữu cơ để đáp ứng các đơn hàng đến từ Đức, Trung Quốc” - bà Diễm Lệ nói thêm về định hướng tới.
QTOrganic cũng đã triển khai sản phẩm gạo hữu cơ dành cho trẻ em (sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị for Kids). “Hiện diện tích lúa đang được canh tác tại các huyện Gio Linh, Hải Lăng với tổng diện tích 50ha. Gạo có giá bán 195.000 đồng/túi 5kg”, bà Diễm Lệ cho biết thêm.
Hiện quy mô diện tích sản xuất lúa gạo hữu cơ ở Quảng Trị mới đạt dưới 200ha. Vì vậy tỉnh Quảng Trị đặt ra kế hoạch đến hết năm 2020 sẽ tăng diện tích trồng lên 500ha. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBNND tỉnh nhán mạnh: “Đến cuối năm nay, Quảng Trị có khoảng 1.000ha và định hướng đến năm 2025 sẽ tăng lên trên 2.000ha, nghĩa là gấp 2 lần so với hiện nay”.
Theo Quang Bình/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã